Buổi lễ triển khai nhận nhiệm vụ của tiểu đoàn 5, trung đoàn phòng không số 4, quân đội Mỹ, diễn ra vào ngày 28/11, tại căn cứ Shipton Barracks ở Ansbach, gần thành phố Nuremberg miền nam nước Đức, Business Insider cho biết. Đây là một phần trong những thay đổi chiến lược của Lầu Năm Góc nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến tiềm năng chống lại Nga.
Việc triển khai thêm trung đoàn tên lửa đến châu Âu diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nga nổ súng, bắt 3 tàu hải quân của Ukraine trên eo biển Kerch. Vụ việc dẫn tới đợt căng thẳng chưa từng có giữa Moscow và Kiev kể từ năm 2014.
Sự trở lại châu Âu của trung đoàn góp phần tăng cường năng lực phòng không tầm thấp, nâng cao khả năng bảo vệ các đơn vị bộ binh, thiết giáp trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Đại tá David Shank, chỉ huy Sư đoàn Tên lửa và Phòng không quân đội số 10, quân đội Mỹ, ở châu Âu nói: “Đây không chỉ là một ngày tuyệt vời cho quân đội Mỹ ở châu Âu để đối phó với môi trường nguy hiểm ngày càng tăng ở đây. Đó là một bước tiến lớn cho năng lực phòng không”.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp di động Avenger của quân đội Mỹ. Ảnh: US Army. |
Đơn vị gồm 5 khẩu đội tên lửa phòng không tầm thấp Avenger được bố trí trên xe thiết giáp Humvee. Mỗi hệ thống Avenger được trang bị 8 tên lửa phòng không dẫn đường hồng ngoại Stinger. Các tiểu đoàn phòng không lục quân thường được triển khai xen kẽ với các đơn vị quân đội.
Quy mô và số lượng các đơn vị phòng không lục quân bắt đầu giảm dần kể từ đầu những năm 2000, khi các nhà hoạch định quân sự tin rằng không quân có thể duy trì ưu thế trên không và giảm thiểu các mối đe dọa do máy bay địch gây ra.
Tuy nhiên, những năm gần đây, sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc đã đe dọa ưu thế trên không của không quân Mỹ. Điều này tạo ra lỗ hổng lớn trong năng lực phòng không tầm thấp, buộc Lầu Năm Góc phải lập tức thay đổi chiến lược.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát từ năm 2014 đe dọa môi trường an ninh ở châu Âu. Đặc biệt vụ Nga bắt tàu Ukraine kéo theo nguy cơ xung đột vũ trang rất lớn.
Tên lửa phòng không tầm thấp chủ yếu dùng để chống lại các đợt tấn công mặt đất của máy bay đối phương, đặc biệt là trực thăng nhắm mục tiêu bộ binh và xe thiết giáp. Các phương tiện bay không người lái được cả hai bên sử dụng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng là mối bận tâm lớn của Mỹ.