Trump đã đe dọa rút khỏi thỏa thuận về gỡ bỏ trừng phạt kinh tế đối với Iran để đổi việc Tehran hạn chế tham vọng hạt nhân, trừ khi các nước châu Âu ký kết thỏa thuận đồng ý sửa chữa những gì mà ông coi là khiếm khuyết.
"Tôi sẽ công bố quyết định của mình về Thỏa thuận Iran vào ngày mai từ Nhà Trắng, vào lúc 14h", ông Trump tweet hôm 7/5.
Tổng thống Mỹ sẽ có thời gian cho đến 12/5 để quyết định có hay không gia hạn miễn trừ các lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran, và nếu Trump muốn Iran tiếp tục bị trừng phạt, điều này sẽ là đòn nặng nề cho thỏa thuận ký kết năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1.
Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ảnh: Reuters. |
Việc Mỹ không gia hạn miễn trừ trừng phạt cũng có thể gây ra phản ứng dữ dội từ Iran. Tehran có thể tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân của mình hoặc trừng phạt các đồng minh của Mỹ tại Syria, Iraq, Yemen và Lebanon, các nhà ngoại giao cho biết.
Trump quyết rút khỏi thỏa thuận nhưng cách thức chính xác ông định tiến hành vẫn chưa rõ ràng, hai quan chức Nhà Trắng và một nguồn tin quen thuộc với nội bộ chính quyền Trump nói với Reuters tuần trước. Một trong những quan chức Nhà Trắng cho biết có khả năng quyết định của Trump "không phải rút lui hoàn toàn" nhưng không mô tả chi tiết hơn.
Theo thỏa thuận với Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc, Iran hạn chế nghiêm ngặt khả năng làm giàu uranium để chứng minh rằng họ không cố gắng phát triển bom nguyên tử. Đổi lại, Tehran được miễn trừ các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Hôm 7/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tiết lộ Iran có thể vẫn ở lại thỏa thuận này ngay cả khi Mỹ rút đi, nhưng khẳng định sẽ quyết liệt chống lại áp lực từ Washington nhằm hạn chế ảnh hưởng của Tehran ở Trung Đông.
"Chúng tôi không lo lắng về quyết định tàn nhẫn của Mỹ... Chúng tôi đang chuẩn bị cho tất cả các kịch bản và không có thay đổi nào xảy ra trong cuộc sống của chúng tôi vào tuần tới", ông Rouhani phát biểu trên truyền hình.
Người Iran biểu tình do lệnh trừng phạt làm trầm trọng thêm những vấn đề cốt lõi từ bên trong nước này khi thỏa thuận hạt nhân không mang lại nhiều thay đổi như kỳ vọng. Ảnh: AP. |
Anh, Pháp và Đức vẫn cam kết tuân thủ thỏa thuận và muốn giải quyết những phàn nàn từ Mỹ bằng việc mở các cuộc đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, hoạt động hạt nhân của nước này sau 2025 khi các điều khoản quan trọng của thỏa thuận hết hạn, và vai trò của Tehran trong các cuộc chiến ở Syria và Yemen.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hiện có mặt tại Washington cho các cuộc đàm phán, cho biết thỏa thuận này có điểm yếu nhưng có thể khắc phục.
"Tại thời điểm này, Anh đang làm việc cùng với chính quyền Trump và các đồng minh Pháp và Đức của chúng tôi để đảm bảo khắc phục được các điểm yếu đó", New York Times trích lời ông Johnson.