Cục diện nội chiến Syria đang dần ngã ngũ, các lực lượng ủng hộ chính phủ dưới sự yểm trợ của Nga đang tái chiếm các vùng đất thuộc quyền kiểm soát của phe nổi dậy. Thế nhưng, từ tro tàn nội chiến Syria, một cuộc xung đột khác nguy hiểm hơn đã bắt đầu bén lửa với nguy cơ gây bất ổn cho toàn bộ Trung Đông: cuộc đối đầu Iran - Israel.
Từ bạn thành thù
Một điều thú vị khi nhìn vào lịch sử quan hệ Iran - Israel đó là hai nước đã đi từ bạn thành thù, rồi lại quay lại hợp tác, trước khi rơi vào thế "không đội trời chung" như hiện tại.
Khi nhà nước Do Thái non trẻ ra đời sau Chiến tranh thế giới 2, Iran là một trong số ít các quốc gia Trung Đông không gia nhập liên quân Arab tiến đánh Israel năm 1948. Khi đó, ưu tiên của Israel là xây dựng quan hệ liên minh với Iran, trong khi Tehran cũng coi Tel Aviv là đối tác chính trị quan trọng để cân bằng với các láng giềng Arab khác.
Trong thập niên 60 và 70, Iran cung cấp 80% lượng dầu mỏ Israel tiêu thụ. Ở chiều ngược lại, Tel Aviv cung cấp cho Tehran nhiều chuyên gia nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ, giúp Iran xây dựng và đào tạo lực lượng vũ trang. "Hai nước khi đó có quan hệ hết sức hữu hảo", giáo sư Henner Fürtig từ Viện nghiên cứu toàn cầu Hamburg nhận định.
Thủ tướng Israel David Ben-Gurion (trái) gặp gỡ đại diện đặc biệt chính phủ Iran Reza Saffinia (phải) năm 1950. Ảnh: Chính phủ Israel. |
Sóng gió nổi lên khi cuộc cách mạng Hồi giáo nổ ra ở Iran năm 1979. Lãnh tụ tinh thần Iran Ayatollah Khomeini chỉ trích sự chiếm đóng của Israel trên các vùng lãnh thổ của người Palestines và chấm dứt mọi thỏa thuận hợp tác với nhà nước Do Thái.
Năm 1982, khi Israel đưa quân vào Lebanon hỗ trợ các đồng minh Thiên chúa giáo trong cuộc nội chiến, Iran điều động Vệ binh Cách mạng tới Beirut chiến đấu cùng các nhóm vũ trang Shia. Tổ chức vũ trang Hezbollah, dưới sự hậu thuẫn của Iran, hiện đối đầu với Israel chính là lực lượng hình thành trong cuộc nội chiến năm đó.
Hai nước có thời gian hòa dịu ngắn trong giai đoạn chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988). Do Tel Aviv coi Saddam Hussein là mối đe dọa với nhà nước Do Thái lớn hơn so với Tehran, Israel đã bí mật cung cấp vũ khí cho Iran.
Năm 1988, chiến tranh kết thúc, Iraq bắt đầu suy yếu, Iran lúc này đã không còn lý do gì để hợp tác với Israel nữa. Với tham vọng mở rộng ảnh hưởng trong cộng đồng Arab, Tehran sử dụng quân bài Palestines để công kích Israel, và nhiều lần tuyên bố "nhà nước Do Thái phải bị xóa sổ". Ở chiều ngược lại, Israel lo ngại chương trình hạt nhân của Iran và sẵn sàng tham gia mọi nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Tehran tại khu vực.
Tham vọng của Iran tại chảo lửa Syria
Hôm 9/4, không quân Israel tấn công căn cứ không quân T-4 của Syria mà Tel Aviv cáo buộc được các nhóm chiến binh Hồi giáo Shia thân Iran sử dụng cho các chiến dịch quân sự.
Đây là va chạm mới nhất giữa Israel và Iran trên chiến trường Syria. Trước đó, Israel bắn rơi máy bay không người lái của Iran hoạt động gần thành phố Homs của Syria với cáo buộc máy bay này “mang theo chất nổ” có nhiệm vụ “tấn công phá hoại lãnh thổ Syria”.
Từ những ngày đầu cuộc nội chiến Syria, Iran đóng vai trò đồng minh thân cận và cung cấp nhiều hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Theo Al Jazeera, không dừng lại ở hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Assad, Iran đưa hàng nghìn tay súng Hồi giáo Shia, tổ chức vũ trang Hezbollah và thậm chí các thành viên lực lượng Vệ binh Cách mạng vào chiến đấu trên chiến trường Syria.
Tổ chức vũ trang Hezbollah do Iran hậu thuẫn đang chiến đấu trên chiến trường Syria. Ảnh: Reuters. |
Theo chuyên gia Dror Michman từ Trung tâm Chính sách Trung Đông của Viện nghiên cứu Brookings, Iran đã đầu tư lớn vào canh bạc Syria, Tehran không chỉ bảo vệ chính phủ Syria mà còn quyết tâm tối đa hóa lợi ích từ sự tồn tại của Assad.
Iran hiện nuôi tham vọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự, gồm các căn cứ quân sự lâu dài, sân bay, quân cảng, nhà máy sản xuất vũ khí, được điều hành bởi tổ chức quân sự Hezbollah cũng như các nhóm vũ trang Hồi giáo Shia do Vệ binh Cách mạng Iran giật dây. Những cơ sở này đảm bảo hiện diện và ảnh hưởng quân sự của Tehran lâu dài, với khả năng sản xuất lượng lớn vũ khí phục vụ các chiến dịch quân sự và đe dọa trực tiếp tới biên giới phía Bắc của Israel.
“Các chuyến vận chuyển tiếp tế của Iran cho Hezbollah thường trở thành mục tiêu tấn công của Israel. Tehran kết luận rằng họ nên lập hẳn tổ hợp quân sự ở Syria, nơi họ có thể sản xuất các bộ phận cấu thành của tên lửa dẫn đường và cung cấp thẳng cho Hezbollah ở Syria hoặc Lebanon”, ông Michman nhận định. Những tên lửa dẫn đường Iran dự định sản xuất có thể tấn công mục tiêu chính xác trong phạm vi 50 m.
Một mục tiêu lớn khác của Iran là kiểm soát hành lang giao thông chiến lược từ Tehran, đi qua Iraq, xuyên qua miền Bắc Syria, với hai điểm kết thúc: một là thành phố Latakia bên bờ Địa Trung Hải, hai là Lebanon, quê hương của tổ chức vũ trang Hezbollah.
Chuyên gia Trung Đông Mona Alami từ Viện nghiên cứu chính sách Atlantic Council nhận định Iran muốn mở rộng ảnh hưởng tại khu vực với đích nhắm là các đối thủ Arab như Saudi Arabia, và đặc biệt, kẻ thù không đội trời chung Israel.
Israel không ngồi yên
“Giới chức quốc phòng Israel lo ngại rằng với niềm tin về chiến thắng của chính quyền Tổng thống Assad đang đến gần, Iran dường như hướng tầm mắt, cũng như họng súng, xa hơn về phía Tây Nam, phía biên giới Israel”, Guardian nhận định.
Những lo ngại tại Tel Aviv là có cơ sở. Sau hàng chục năm, tâm lý và giọng điệu chống Israel không hề suy chuyển trong nội bộ Iran. Cựu tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad thậm chí từng kêu gọi “xóa sổ Israel trên bàn đồ thế giới" hồi năm 2005.
Trung tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds phụ trách tác chiến tại nước ngoài của Vệ binh Cách mạng Iran. Ảnh: Reuters. |
Trong hàng ngũ quan chức quân sự hàng đầu tại Tehran hiện tại, Trung tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds phụ trách tác chiến tại nước ngoài của Vệ binh Cách mạng, là một nhân vật có liên hệ với phái bảo thủ cực đoan thường xuyên đe dọa “xóa sổ dân tộc Do Thái”. Lực lượng Quds hiện hoạt động mạnh trên chiến trường Syria.
"Israel có một giới hạn đỏ, đó là Iran sẽ không được phép hiện diện quân sự lâu dài tại Syria và cung cấp vũ khí tối tân, ví dụ như tên lửa dẫn dường, cho Hezbollah. Giới hạn đỏ này đang bị vượt qua", Danny Danon, Đại diện thường trực Israel tại Liên Hợp Quốc, tuyên bố.
Israel đã gửi thông điệp rất rõ ràng tới các bên hiện can dự vào cuộc nội chiến tại Syria: Tel Aviv không chấp nhận sự hiện diện của Tehran dọc biên giới Israel, dù cho đó là lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran hay thông qua những tổ chức do Iran hậu thuẫn như Hezbollah.
Nhà phân tích Thomas Friedman của New York Times nhận định Israel từng mắc sai lầm chết người khi để Hezbollah phát triển và xây dựng mạng lưới tổ hợp quân sự ở Lebanon. Tổ chức này hiện sở hữu hơn 120.000 tên lửa các loại có khả năng tấn công lãnh thổ Israel. "Israel sẽ không lặp lại sai lầm đó trên lãnh thổ Syria".
Giới chức quân sự Israel đã tuyên bố thẳng thừng nếu Iran nhắm vào các mục tiêu tại Israel, Tel Aviv sẽ phản công tổng lực vào tất cả các cơ sở hạ tầng quân sự của Tehran trên lãnh thổ Syria.
"Israel đã tấn công cơ sở quân sự do Iran xây dựng tại El-Kiswah, ngoại ô Damascus tháng 12/2017. Cuộc tấn công sân bay T-4 hôm 9/4 vừa qua cho thấy nước này sẵn sàng và đủ khả năng ra tay trước và khiến đối phương trả giá đắt", chuyên gia Michman đánh giá.
Tàn lửa âm ỉ tại biên giới Syria - Israel
Israel là bên hiểu rõ nhất cái giá của chiến tranh sau ba lần bị các nước Arab "đánh hội đồng". Chiến tranh toàn diện với Iran trên chiến trường Syria, ngay sát biên giới, có thể đẩy Israel vào thế "tam đầu thọ địch", với hai chảo lửa khác ở Gaza và Lebanon.
Mặc dù vậy, Guardian đánh giá phe diều hâu tại Tel Aviv rất tự tin vào sức mạnh vượt trội của lực lượng quân sự Israel trước các đối thủ trong khu vực. Trang India Defense Review nhận định phe diều hâu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể theo đuổi chính sách cứng rắn hơn nhằm hướng dư luận trong nước vào cuộc xung đột với Iran, trong bối cảnh gia đình ông Netanyahu đang vướng vào bê bối tham nhũng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: CNN. |
"Chúng ta không cho phép Iran đưa thòng lọng khủng bố siết vào cổ Israel. Chúng ta sẽ ra tay, nếu cần thiết, không chỉ nhắm vào các tổ chức do Iran hậu thuẫn, mà nhắm vào chính Iran", Thủ tướng Netanyahu tuyên bố hôm 15/4.
Chuyên gia Michman nhận định Iran hiểu rõ các thông điệp cứng rắn và lằn ranh giới hạn mà Tel Aviv đặt ra. Tuy nhiên, phe diều hâu tại Tehran muốn tận dụng thời gian, khi Moscow và chính quyền Assad vẫn cần tới các nhóm chiến binh Shia của Iran, để tiến xa nhất có thể trong việc hoàn thành các mục tiêu chiến lược tại miền Nam Syria.
Giáo sư Henner Fürtig nhận định, ưu tiên chiến lược của Iran và Nga tại Syria, về lâu về dài, sẽ trở nên đối nghịch. "Moscow mong muốn có được sự ổn định ở Syria để đồng minh Assad có thể yên ổn cai trị. Khi đạt được điều này, những hoạt động của Iran, với nguy cơ châm ngòi cho cuộc xung đột với Israel, sẽ không được Nga hoan nghênh", giáo sư Furtig đánh giá.
Trong ngắn hạn, chiến tranh không phải lựa chọn ưu tiên của giới chóp bu cả Israel và Iran. Tuy nhiên, xung đột lợi ích giữa Israel và Iran là quá gay gắt để hai bên có thể giải quyết rốt ráo.
Nhà phân tích Simon Tisdall nhận định nếu Iran từ chối rời khỏi Syria và tăng cường hiện diện quân sự, Israel sẽ tiếp tục các cuộc không kích xuyên biên giới nhắm vào các cơ sở của Iran, hay thậm chí của cả chính phủ Syria. "Tình trạng ấy tiếp diễn sẽ trở thành mồi lửa châm ngòi cho chiến tranh giữa Iran và Israel".