Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trump đã thật sự chấm dứt 'tái cân bằng' ở châu Á?

Một quan chức cấp cao Mỹ tuyên bố chính sách "tái cân bằng" đã kết thúc, giới quan sát nói điều đó không làm thay đổi lợi ích chiến lược của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Giữa tháng 3, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Susan Thornton tuyên bố rằng "tái cân bằng" đã kết thúc. Tuy nhiên, bà Thornton nói rõ chính quyền Trump chưa quyết định chính sách của họ với châu Á, hay đưa ra cụm từ mới để thay thế cho "tái cân bằng" hay còn được gọi là "xoay trục".

Tuyên bố của bà Thornton tưởng chừng không gây ngạc nhiên lớn khi "xoay trục" gắn liền với Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton. Nhưng việc "khai tử" chính sách này do chính quan chức cấp cao phụ trách chính sách với Đông Á từ thời ông Obama thông báo dấy lên nhiều quan tâm. Liệu những sáng kiến phát sinh từ "tái cân bằng" có tồn tại được lâu dưới thời Trump?

Ngoại giao bị xem nhẹ

Tuy nhiên, giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nói với Zing.vn rằng không cần phải quá lo lắng về phát biểu của bà Thornton.

"Ai cũng biết 'tái cân bằng' sẽ kết thúc khi ông Obama mãn nhiệm, vì cụm từ này chính là thương hiệu của ông. Dù người kế nhiệm là bà Clinton hay ông Trump, chính quyền Mỹ mới sẽ phát triển một chính sách cho châu Á dưới một tên khác. Cả bà Clinton và ông Trump đều phản đối TPP", ông Thayer cho hay.

chinh sach tai can bang anh 1
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Reuters.

Giáo sư khẳng định dù "tái cân bằng" không còn được chính quyền Trump sử dụng, nó không làm thay đổi những lợi ích quốc gia cơ bản của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương như duy trì các liên minh, thương mại và tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

Hội đồng An ninh Quốc gia ở Nhà Trắng đang soạn thảo một Chiến lược An ninh Quốc gia mới cần được quốc hội thông qua. Đây sẽ là văn bản chính thức đầu tiên vạch ra chiến lược và chính sách toàn cầu của Tổng thống Trump với châu Á - Thái Bình Dương.

"Quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và với Trung Quốc sẽ tiếp tục là điều quan trọng, nhưng bất kỳ sự tham gia nào của chính quyền Trump với khu vực sẽ được đặt sau ưu tiên cao nhất của ông là đánh bại phiến quân IS", giáo sư Thayer nhận định.

Quốc phòng duy trì

Theo The Diplomat, các chính sách quốc phòng sẽ là một trong những nội dung của tái cân bằng có thể tiếp tục được duy trì. Tân Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói ông công nhận tầm quan trọng chiến lược của châu Á trong chuyến công du đầu tiên đến khu vực này hồi tháng 2.

Khi đó, giới quan sát đánh giá đây là một chuyến đi thành công (so với chuyến đi một tháng sau đó của Ngoại trưởng Tillerson). Ông Mattis không chỉ trấn an các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc mà còn chứng tỏ với khu vực rằng vị bộ trưởng mới xem đây là một ưu tiên.

Bên cạnh đó, chính quyền Trump vừa tăng mạnh ngân sách cho quốc phòng. Ông cũng chủ trương mở rộng sức mạnh hải quân với đội tàu hùng hậu. Các cố vấn của Trump cho rằng phần lớn đội 350 tàu này cần được triển khai đến châu Á - Thái Bình Dương.

chinh sach tai can bang anh 2
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đến châu Á trong chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức. Ảnh: Reuters.

Một dấu hiệu cũng cần được xem xét là sự cứng rắn của Trump đối với Trung Quốc ngay từ những ngày đầu của ông (dù cuối cùng Trump đã tuyên bố thừa nhận chính sách Một Trung Quốc). Trong khi chưa thể dự đoán nhiều về một chính sách ngoại giao thì việc Mỹ triển khai một chính sách quốc phòng mạnh mẽ và bền vững là điều khả dĩ.

Sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc cùng chính sách đối ngoại quyết liệt của nước này cho thấy Mỹ vẫn phải tiếp tục nỗ lực để duy trì và bảo vệ sự tiếp cận của nước này với vùng trời, vùng biển ở Tây Thái Bình Dương. Nếu Lầu Năm Góc muốn giải quyết thách thức này, họ cần tiếp tục tinh thần quốc phòng của "tái cân bằng"; đồng thời xây dựng một chiến lược quốc phòng mới tập trung vào duy trì quyền tiếp cận của Mỹ với khu vực, bảo vệ vị thế quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Nhật Bản chủ động

Trong lúc chờ đợi sự rõ ràng và chính thức từ Nhà Trắng, giáo sư Carl Thayer nói chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Trump và việc ông thường xuyên hành động đơn phương khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cầm cương thể hiện vai trò lãnh đạo một cách chủ động và quyết đoán. Nhật Bản đang tìm cơ hội để tăng cường sự phối hợp với Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Nadrendra Modi cũng tỏ ra muốn hợp tác cùng Nhật Bản.

"Khoảng trống mà chính quyền Trump tạo ra ở châu Á hiện nay, do sự thiếu vắng một chính sách cụ thể cũng như dàn quan chức cấp cao, sẽ được đặt ra trong những bối cảnh mối quan hệ tam phương hoặc nhiều hơn. Nó bao gồm những thoả thuận 3 bên đang tồn tại như giữa Mỹ - Nhật - Australia và Mỹ - Nhật - Ấn. Trong tương lai thậm chí có thể hình thành liên kết Mỹ - Nhật - Ấn - Australia", giáo sư Thayer nói với Zing.vn.

Một khả năng khác là những hệ thống đa điểm gồm các nước bậc trung như Hàn Quốc sẽ gia tăng ảnh hưởng. Khi đó, Hàn Quốc sẽ hợp tác với những đối tác đồng quan điểm trong những vấn đề, mối quan ngại chung. Một khả năng chắc chắn khác, theo giáo sư Thayer, là Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia sẽ hợp tác và khuyến khích Mỹ tham gia nhiều hơn với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hashtag tuần qua: 'Đường tình' gập ghềnh Trump - Obama Cáo buộc nghe lén mới đây một lần nữa cho thấy mối quan hệ giữa ông Donald Trump và ông Barack Obama với nhiều hỷ nộ ái ố dường như không giống các đời tổng thống trước đây.

Chính quyền Trump 'khai tử' chính sách tái cân bằng về châu Á

Ngay trước thềm chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng Rex Tillerson, chính quyền Trump tuyên bố chính sách tái cân bằng hay xoay trục của Mỹ tại khu vực sẽ có "công thức" mới.

Ngân sách Trump tăng quốc phòng, cắt giảm mạnh ngoại giao

Tổng thống Trump ngày 16/3 đã trình quốc hội công bố kế hoạch ngân sách 1,15 nghìn tỷ USD với những khoản tăng hào phóng cho quốc phòng trong khi giảm ngân sách ngoại giao.


Minh Anh

Bạn có thể quan tâm