Trúc Nhân vẫn được xem là một trong những nghệ sĩ “khó tính” nhất Vpop với tần suất ra nhạc nhỏ giọt, mỗi lần trở lại chỉ với đúng một single. Chính vì thế, mặc dù đã hoạt động âm nhạc hơn 10 năm, số lượng sản phẩm của nam ca sĩ vẫn khá hạn chế. Bù lại, đa số các single của Trúc Nhân đều được đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh và trở thành hit.
Trong bối cảnh Vpop đang dần chuyển mình theo hướng streaming, Trúc Nhân là nghệ sĩ hiếm hoi, cùng với Sơn Tùng M-TP, còn duy trì cách thức phát hành single đơn lẻ và đầu tư mạnh tay cho mặt hình ảnh. Đây là xu hướng của Vpop thập kỷ trước, khi các nghệ sĩ liên tục phát hành các MV đầu tư tiền tỷ, có cốt truyện, bối cảnh hoành tráng.
Tuy nhiên, với sự lớn mạnh của các dịch vụ streaming, cùng sự vươn lên của lứa nghệ sĩ gen Z trong năm 2023 với loạt album chất lượng, hướng khán giả chú trọng vào âm nhạc nhiều hơn, “cuộc đua” MV đã giảm bớt. Thay vào đó, các nghệ sĩ liên tiếp phát hành album, có những album có số lượng bài hát nhiều thuộc hàng kỷ lục của Vpop như The Wxrdies của nam rapper Wxrdie sở hữu tới 24 bài, trực tiếp định hướng tệp khán giả của anh vào các nền tảng nghe nhạc trực tuyến.
Nằm ngoài cuộc chơi, Trúc Nhân chính thức trở lại vào 12/11 vừa qua với một single đơn lẻ có tên Không ra gì, đi cùng với một MV dài hơn 6 phút.
Nỗ lực của Trúc Nhân
Ca khúc Không ra gì đánh dấu màn tái hợp của Trúc Nhân với Mew Amazing, người đã tạo ra những single thành công bậc nhất trong sự nghiệp của anh là Thật bất ngờ và Sáng mắt chưa. Vậy nên, Không ra gì mang theo một số yếu tố từ các single tiền nhiệm, và cũng là những đặc trưng trong âm nhạc của Mew Amazing, như là chất liệu nhạc kịch trong những triển khai về mặt âm thanh cùng những ca từ giàu hình ảnh, câu chuyện cùng sự “xéo xắt” theo hướng hiện thực phê phán.
Cụ thể, ở Không ra gì là cách Trúc Nhân và Mew Amazing kể câu chuyện về một chàng trai tệ bạc trong tình yêu, mà đến chính anh ta cũng cảm thấy ghét bản thân mình. Ca khúc nói khá thẳng thắn vào mục đích qua những ca từ trực diện “Bé muốn câu chân thành/ Thì anh thừa nhận mình sai/ Chẳng thật lòng yêu ai/ Cũng chẳng thiết mãi mãi” hay “Khó khăn nhất là chấp nhận mình/ Đôi khi cũng không ra gì” đan xen với những hình ảnh có phần hài hước “Bé thích ôm xương rồng/ Xời cái đó anh nhà trồng”.
Trúc Nhân có nỗ lực mang đến những yếu tố khác biệt so với âm nhạc của anh trước đây. |
Producer chính của Không ra gì cũng là một cái tên quen thuộc vơi Trúc Nhân, đó là TDK - người cũng đã thực hiện Sáng mắt chưa và Có không giữ mất đừng tìm. Tuy nhiên, thay vì thực hiện một mình, TDK hợp tác với cả DTAP trong mặt phối khí, chính vì thế các âm thanh trong Không ra gì có phần vừa quen vừa lạ. Ở những phân đoạn dịu nhẹ trong bài, TDK sử dụng tiếng guitar rất tương đồng với Có không giữ mất đừng tìm. Nhưng khi chuyển đến những phân đoạn dữ dội hơn, bài được phủ một lớp bass rất dày, xử lý phần rap theo hướng house thời thượng, và sử dụng cả một beat drop rất đặc trưng trong âm nhạc của DTAP. Mỗi producer đều tung ra thế mạnh của mình, cộng thêm cả những toan tính riêng của Mew Amazing, khiến cho cấu trúc của bài trở nên khá khó đoán, không tuân theo bố cục quen tai trong nhạc pop.
Ở ca khúc này, Trúc Nhân còn thực hiện một phân đoạn rap. Anh cũng đã từng rap trước đó trong Sáng mắt chưa, nhưng phân đoạn đó được xử lý theo hướng chanting (cổ động) thường được dùng trong nhạc pop, lấy cảm hứng từ văn hóa Cheerleading. Còn phân đoạn ở Không ra gì thuần túy theo hướng rap/hiphop hiện đại hơn. Đây cũng là một điểm cho thấy sự nỗ lực đổi mới sau hơn 2 năm im ắng của Trúc Nhân.
Chưa thực sự mới mẻ
Không ra gì không phải là một sản phẩm âm nhạc dở. Nhưng nếu như so với một nghệ sĩ đã không phát hành sản phẩm nào trong vòng hơn 2 năm, thì rõ ràng đây không phải là một single thỏa mãn được sự kỳ vọng về phần nghe. Trong khoảng thời gian từ Có không giữ mất đừng tìm và Không ra gì là những sự thay đổi đến chóng mặt của Vpop. Việc phát hành một ca khúc đơn lẻ với những sự thay đổi nhỏ giọt không còn là thứ hợp thời nữa.
Cụ thể, các sự “thay đổi” trong mặt âm thanh của Trúc Nhân đều đã được thực hiện đến quen tai tại Vpop trước đó. Đoạn drop EDM mà DTAP làm trong ca khúc này có thể lần đầu tiên thấy trong âm nhạc của Trúc Nhân, nhưng thực tế nhóm đã thực hiện rất nhiều, trước đó là trong 2 album Hoàng và Link cho Hoàng Thùy Linh, và gần đây các phần trình diễn trong Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2023 cũng ngập tràn những âm thanh này. Rap trên beat nhạc house cũng đã được các rapper trong nước sử dụng nhiều, gần đây tại Rap Việt 2024 có Mason Nguyễn được xem là người làm thể loại này rất tốt.
Sở hữu một MV rất độc đáo, nhưng tiếc là âm nhạc của Không ra gì lại không "hoành tráng" được như hình ảnh. |
Ngay cả việc kết hợp nhiều yếu tố âm nhạc khác nhau trong một ca khúc và xáo trộn cấu trúc bài có vẻ là một cách làm thú vị, nhưng thực tế Wren Evans đã thực hiện từ năm 2022 và bùng nổ với loạt hit trong năm 2023. Nếu so sánh với những sự sáng tạo của các nghệ sĩ gen Z, sự phối hợp các thể loại trong Không ra gì còn sượng và lặp lại, không đủ để tạo bất ngờ hay mới mẻ cho người nghe.
Đặc biệt, ở single Không ra gì, người nghe không thấy được định hướng tiếp theo mà Trúc Nhân muốn hướng tới là gì. Những gì hay và thú vị đều được đội ngũ sản xuất dồn vào trong ca khúc này nhưng nó vẫn chủ yếu là lặp lại những thế mạnh của từng producer cùng với cá tính xéo xắt đã quen thuộc ở Trúc Nhân. Sản phẩm không cho thấy một hướng đi gì thêm phía sau Không ra gì, khiến nó là một single đơn lẻ đúng nghĩa, đứng độc lập trong sự nghiệp của Trúc Nhân mà không cho thấy một tầm nhìn dài hạn trong tương lai của nam ca sĩ.
Trong một thị trường âm nhạc rộng lớn, không nhất thiết tất cả các nghệ sĩ đều phải có những định hướng giống nhau. Sơn Tùng M-TP vẫn trung thành với cách thức phát hành sản phẩm của mình bao lâu nay và vẫn thành công. Đối với Trúc Nhân cũng vậy. Việc anh hoạt động chậm hơn, đứng ngoài mọi trào lưu của các đồng nghiệp khác thì cũng không có gì là sai. Chỉ có điều, single Không ra gì lại chưa cho thấy được một sự đầu tư xứng đáng về mặt âm nhạc sau quãng thời gian nghỉ rất dài, và nó khiến cho âm nhạc của anh trở nên tụt hậu so với thời đại.
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.
Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.