Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Theo chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, trong thời đại của trí tuệ nhân tạo, AI không chỉ thay đổi cách con người xử lý thông tin mà còn thách thức năng lực tư duy phản biện của con người. Chính vì vậy chỉ số thông minh không phải là yếu tố duy nhất các nhà tuyển dụng tương lai quan tâm đối với gen Z.
Chia sẻ với tạp chí Tri Thức - Znews tại sự kiện ra mắt cuốn sách Trò chuyện cùng Gen Z chiều ngày 15/10, ông Trần Sĩ Chương cho biết: “Sức sáng tạo và khả năng kết nối với người khác là những điểm người trẻ cần cải thiện”.
Tốc độ thay đổi khiến giới trẻ mất phương hướng
Thế hệ trẻ hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn trong một thế giới không ngừng biến đổi trên các phương diện. Theo tác giả Trần Sĩ Chương, cơn khủng hoảng kinh tế trên thế giới gián tiếp gây áp lực lên mọi tầng lớp xã hội. Hơn hết, chúng còn làm thay đổi sâu sắc mối quan hệ giữa con người với con người, cũng như giữa các quốc gia với nhau. Điều này khiến người trẻ thế hệ Z cảm thấy hoang mang và thiếu ổn định khi tìm định hướng tương lai của mình.
Thông qua những lần trò chuyện với sinh viên, ông Trần Sĩ Chương nhận thấy rằng nhiều bạn trẻ đang lo lắng về công việc và cuộc sống trong một thế giới thay đổi chóng mặt. Khác với thế hệ trước, Gen Z phải đối mặt với việc các công cụ dự báo khó có thể đưa ra được kết quả chính xác về những xu hướng. Trong một thời kỳ mà mọi thứ thay đổi theo từng ngày, các bạn trẻ không còn chắc chắn rằng việc học và làm theo một ngành nghề nhất định sẽ đảm bảo một tương lai ổn định.
Ông Trần Sĩ Chương chia sẻ tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Đức Huy. |
“Sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động và ngành nghề khiến nhiều người trẻ cảm thấy bối rối. Ngay cả những nhà tuyển dụng cũng không thể chắc chắn về nhu cầu công việc trong tương lai, điều này khiến việc định hướng học tập và nghề nghiệp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết”, ông Trần Sĩ Chương nhận định
Tác giả Trò chuyện với Gen Z cho biết rằng đây không chỉ là thách thức đối với thanh niên Việt Nam mà còn là một vấn đề chung trên toàn cầu. Điều đặc biệt trong xã hội số ngày nay là con người đang sống chung với máy móc. Có những lúc máy móc đã đưa ra quyết định thay người sử dụng chúng. Chẳng hạn, các nội dung trên mạng xã hội, kết quả tìm kiếm trên Google, đều có một bàn tay vô tình của AI chi phối.
Vì vậy, khả năng thích nghi, phản biện và đặt vấn đề đều là những yếu tố quan trọng thế hệ trẻ cần phải trau dồi thêm trong quá trình tích lũy kiến thức văn hóa.
Sự xuất hiện của AI khiến con người nhìn nhận khác đi
Trong thời đại trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ, những tác động của công nghệ này lên suy nghĩ và hành vi của con người đang trở thành vấn đề quan trọng. Với AI, một người giảng dạy bậc đại học hay một học sinh cấp ba cũng có thể giải được bài toán cao cấp nhờ vài câu lệnh đơn giản. Rõ ràng, các nhà tuyển dụng hay giáo dục cần phải có một hệ thống đánh giá khác đi. Từ đó, yêu cầu mới cũng được đặt ra cho thế hệ trẻ.
Một trong những yếu tố được tác giả Trần Sĩ Chương nhấn mạnh là khả năng đặt vấn đề. Trong bối cảnh công nghệ hiện đại, không phải việc có câu trả lời đúng là điều quan trọng nhất, mà là biết cách đặt câu hỏi để phân tích vấn đề một cách chính xác. Thay vì hoang mang trước sự phát triển của AI, thế hệ trẻ cần học cách tư duy phản biện và biết đánh giá vấn đề một cách chính xác.
Ngoài ra, AI còn khiến những khái niệm truyền thống về IQ (chỉ số thông minh) trở nên lỗi thời. Trước đây, một người được xem là thông minh nếu có khả năng tính toán nhanh hay xử lý vấn đề logic hiệu quả. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các công cụ như ChatGPT, những kỹ năng đó đã không còn là ưu thế. Thay vào đó, giá trị của một cá nhân hiện nay phụ thuộc vào EQ (chỉ số trí tuệ cảm xúc) - khả năng hiểu và hòa hợp với người khác, cũng như tư duy sáng tạo, biết cách đặt câu hỏi đúng để nhận được thông tin cần thiết.
Cuốn sách Trò chuyện cùng Gen Z. |
“AI có thể giúp tạo ra các giải pháp, nhưng con người cần biết cách hỏi đúng để công nghệ phục vụ cho nhu cầu của mình. Đây chính là khả năng sáng tạo của con người dựa trên chỉ số EQ. Sáng tạo cũng là thứ mà nhà tuyển dụng muốn tìm kiếm ở ứng cử viên”, tác giả Trần Sĩ Chương chia sẻ.
Công nghệ AI tạo ra những thách thức không nhỏ, nhưng nó cũng mở ra cơ hội để thế hệ trẻ phát triển theo hướng mới. Thay vì chỉ dựa vào kiến thức kỹ thuật hay logic đơn thuần, con người cần học cách xây dựng lối sống đẹp và phát triển khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả.
Những nhà tuyển dụng tương lai không chỉ đòi hỏi kỹ năng chuyên môn mà còn khả năng tư duy linh hoạt để đối diện với sự thay đổi bất ngờ. Thế hệ Z phải học cách thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của xã hội, trong khi vẫn giữ vững được giá trị cốt lõi về tư duy và cảm xúc để dẫn dắt cuộc cách mạng công nghệ.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.