Bình Nhưỡng khẳng định những vụ bắt cóc công dân Nhật Bản từ thời Chiến tranh Lạnh đã được "giải quyết" và cáo buộc Tokyo cố gắng phá hoại những tiến bộ gần đây của tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Cơ quan thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA chỉ trích tuyên bố từ Nhật Bản về việc không bình thường hóa quan hệ ngoại giao cho đến khi giải quyết được những vụ bắt cóc ít nhất 10 công dân Nhật trong những năm 1970-1980.
Megumi Yokota bị gián điệp Triều Tiên bắt cóc vào ngày 15/11/1977 khi mới 13 tuổi. Số phận Yokota hiện vẫn còn là ẩn số. Ảnh: AP. |
"Nhật Bản đang thổi phồng 'vấn đề bắt cóc' vốn đã được giải quyết", KCNA nói. "Đây là hành vi nhỏ nhen và ngu ngốc nhằm ngăn chặn xu thế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên được cộng đồng quốc tế đồng lòng hoan nghênh".
"Trong khi toàn thế giới tích cực ủng hộ và chào đón hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sắp tới như bước tiến đến tương lai tươi sáng cho bán đảo Triều Tiên, thì Nhật Bản lại một mình đi ngược lại xu thế này", KCNA bổ sung.
Bình Nhưỡng cho phép năm người bị bắt cóc từng dạy ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản cho các điệp viên Triều Tiên hồi hương năm 2002, nhưng nhấn mạnh rằng tám người khác đã qua đời và bốn người còn lại chưa từng bước chân vào Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nên hiểu rằng ngay cả khi đạt được thỏa thuận với Mỹ và Hàn Quốc về vũ khí hạt nhân và quan hệ liên Triều, Tokyo cũng sẽ không viện trợ hoặc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, trừ khi những vụ bắt cóc được giải quyết.
"Điểm mấu chốt là để nhà lãnh đạo Triều Tiên quyết định", Abe nói trên Fuji TV tuần trước. "Điều cực kỳ quan trọng đối với Triều Tiên là bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Nhật Bản để họ đi đúng đường như một phần của xã hội quốc tế".
Ông Shigeo Iizuka cầm bức ảnh của em gái của mình, Yaeko Taguchi, người bị bắt cóc từ Nhật Bản bởi gián điệp Triều Tiên vào năm 1978. Ảnh: Guardian. |
Abe cho biết ông để ngỏ khả năng gặp thượng đỉnh với ông Kim, nhưng nói thêm rằng mình "sẽ không chỉ ngồi và nói chuyện vô ích. Không có chuyện chúng tôi cung cấp hỗ trợ kinh tế lớn khi vấn đề bắt cóc chưa được giải quyết".
Abe đã hối thúc Tổng thống Trump đề cập vấn đề bắt cóc tại cuộc gặp với ông Kim ở Singapore vào ngày 12/6, và đưa ra yêu cầu tương tự cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, trước khi ông này gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên vào cuối tháng trước.
Trong các cuộc nói chuyện với ông Moon, ông Kim đã hỏi tại sao Nhật Bản tiếp tục dựa vào Washington và Seoul để nói về vấn đề bắt cóc trong khi lại từ chối thảo luận trực tiếp với ông, nâng cao hy vọng rằng một số người trong số họ có thể còn sống.
Các gia đình Nhật Bản và Hàn Quốc có người thân bị bắt cóc lo sợ rằng số phận của họ bị lãng quên trong bối cảnh ngoại giao tập trung vào vũ khí hạt nhân và việc ba người Mỹ bị giam giữ ở Triều Tiên được trả tự do hồi tuần trước.
Truyền thông Nhật Bản cho hay Trump và Abe có khả năng sẽ gặp nhau hai lần trong khoảng thời gian một tuần vào tháng tới, trước và sau hội nghị thượng đỉnh của tổng thống Mỹ với Kim Jong Un.