Tuyên bố đóng bãi thử hạt nhân Punggye-ri, mời các chuyên gia quốc tế tới theo dõi và giờ là phá bỏ một số tòa nhà ở bãi thử này… ít nhất Triều Tiên đang cho thế giới thấy được nước này nghiêm túc với cam kết của họ.
Các ảnh chụp vệ tinh mới nhất cho thấy Triều Tiên có thể đang thực hiện các bước đi sơ bộ nhằm đóng Punggye-ri, bãi thử hạt nhân duy nhất của nước này, theo tờ Washington Post (Mỹ) ngày 10/5.
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên chỉ cách biên giới Trung Quốc 80km. Ảnh: AFP. |
Cụ thể, các bức ảnh vệ tinh cho thấy kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4, số tòa nhà hiện diện ở bãi thử Punggye-ri đã giảm đi.
“Trong vòng hai tuần qua, khoảng 5-6 tòa nhà đã bị phá bỏ. Rõ ràng có điều gì đang diễn ra ở đó”, ông Jeffrey Lewis, Giám đốc chương trình Đông Á tại Trung tâm nghiên cứu Không phổ biến Hạt nhân James Martin (Mỹ), cho biết.
Ông Lewis dẫn các hình ảnh vệ tinh thương mại của công ty Planet Labs ở San Francisco đánh giá đây là một động thái đáng hoan nghênh của Triều Tiên.
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri hiện có ba cổng vào là ở phía bắc, phía tây và phía Nam. Quanh các cổng vào này có nhiều tòa nhà, trong đó có một trung tâm điều khiển, các tòa nhà hành chính, cùng nhiều tòa nhà nhỏ khác.
Phân tích của chuyên gia Mỹ về việc biến mất của các tòa nhà ở bãi thử Punggye-ri sau thượng đỉnh liên Triều. Ảnh: Washington Post. |
Trang 38 North cho biết hôm 20/4, tức trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều một tuần, hoạt động vẫn được ghi nhận ở cổng vào phía tây của bãi thử.
Theo ông Lewis, ngay sau thượng đỉnh liên Triều, các tòa nhà chính vẫn còn hiện diện ở bãi thử nhưng các tòa nhà thứ yếu nhỏ hơn ở cổng vào phía Bắc và phía Nam đã được phá bỏ.
Vị chuyên gia nhận định đây có thể là một phần trong kế hoạch của Triều Tiên để chuẩn bị mời các chuyên gia quốc tế đến quan sát việc đóng cửa bãi thử.
Tuy nhiên, ông Lewis vẫn tỏ vẻ hoài nghi: “Việc đóng cửa bãi thử là điều gì đó mà Triều Tiên có thể dễ dàng thực hiện. Họ có thể đóng các cửa hầm, nhưng họ vẫn có thể mở lại chúng. Và các hầm thử hạt nhân vẫn luôn hiện diện ở đó”. Theo vị chuyên gia, Triều Tiên nên cho nổ tung toàn bộ bãi thử này.
Thông tin về các động thái tích cực của Triều Tiên ở bãi thử Punggye-ri được tiết lộ giữa bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ được tổ chức ở đảo quốc Singapore vào ngày 12/6 tới.
Hồi cuối tháng 4, các nhà khoa học Trung Quốc xác nhận ngọn núi Mantap cao 2.100 m ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri đã đổ sập tan tành do sức công phá lớn của vụ thử hạt nhân lần sáu vào ngày 3/9/2017.
Với sức công phá ước tính lên tới 100 kitoton, tức mạnh gấp 7 lần quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945, núi Mantap đã bị hư hại nặng và nền đất không còn ổn định để có thể tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân khác.
Năm trong số 6 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã được tiến hành dưới ngọn núi này. Bãi thử Punggye-ri nằm trong lòng huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong, phía bắc Triều Tiên. Bãi thử này nằm cách biên giới Trung Quốc chỉ 80 km.
Trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều, ông Kim Jong Un đã tuyên bố sẽ đóng cửa bãi thử Punggye-ri. Ngay trong cuộc gặp thành công với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đề cập tới cam kết này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Ảnh: Reuters. |
Theo thông tin được Nhà Xanh công bố sau đó, ông Kim Jong Un cho biết ông sẽ mời các chuyên gia an ninh cùng báo chí quốc tế tới Triều Tiên để theo dõi việc đóng cơ sở thử hạt nhân duy nhất của chính quyền Bình Nhưỡng.
Bãi thử này có thể bị “xóa sổ”, cũng như tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên có thể diễn ra thuận lời hay không…tất cả phụ thuộc rất lớn vào sự thành bại của cuộc gặp lịch sử tới đây giữa ông Trump và ông Kim.