Tối 7/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bước lên chiếc Boeing 757 đặc dụng rời căn cứ không quân Andrews bên ngoài Washington. Ông đang trên đường đến Bình Nhưỡng, nơi ông sẽ chốt chương trình nghị sự cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Chia sẻ với hai phóng viên hiếm hoi được phép tháp tùng chuyến bay, một đến từ hãng tin AP và một thuộc tờ Washington Post, ông hứa sẽ đề cập đến 3 công dân Mỹ đang bị tạm giữ tại Triều Tiên là: Kim Dong Chul, Tony Kim và Kim Hak Song nhưng liệu họ sẽ được thả tự do? Ông không dám nói trước.
“Tôi mong Triều Tiên sẽ hành động đúng đắn. Chúng tôi đã yêu cầu họ thả tự do những tù nhân này trong 17 tháng qua. Các bên sẽ một lần nữa trao đổi về điều này. Nếu họ chấp nhận, đó sẽ là một hành xử tuyệt vời”, ông cho biết.
(Từ trái sang) Kim Dong Chul, Tony Kim và Kim Hak Song là 3 công dân Mỹ cuối cùng bị Triều Tiên giam giữ. Ảnh: AP |
Chuyến bay đêm đi Bình Nhưỡng
Mike Pompeo khi đó thậm chí còn chưa được biết mình sẽ làm việc với ai tại Bình Nhưỡng. Vị tân Ngoại trưởng Mỹ cũng không đoán được rằng sau những cuộc họp dài liên miên, những ly rượu vang và những cuộc đàm phán trong 1,5 ngày tới, ông sẽ lập nên chiến tích đối ngoại ngoạn mục nhất của chính phủ Trump từ đầu nhiệm kỳ đến nay: Trả tự do cho cả 3 công dân Mỹ và đưa họ về nước.
Chính phủ Trump đã bóng gió về điều này nhiều ngày qua. Nhưng chuyến công tác của Mike Pompeo được giữ tuyệt mật. Đến tận ngày 8/5, trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump mới thông báo đã biệt phái quan chức ngoại giao hàng đầu đến Triều Tiên.
Đi cùng ngoại trưởng Mỹ là một đội ngũ nhỏ, gồm: Brian Hook, lãnh đạo bộ phận hoạch định chính sách Bộ Ngoại giao; Matt Pottinger thuộc Hội đồng an ninh quốc gia; Lisa Kenna, thư ký điều hành; và Heather Nauert, quyền Thứ trưởng Ngoại giao chuyên trách ngoại giao công chúng và các vấn đề đối ngoại.
Chiếc chuyên cơ C-32A cất cánh vào khoảng 21h30 tối 7/5 (giờ địa phương), sau đó tiếp nhiên liệu tại sân bay quốc tế Ted Stevens ở Anchorage, bang Alaska, trước khi đến Nhật Bản. Phải gần 24 giờ đồng hồ sau khi rời căn cứ không quân ngoại ô Washington, chiếc chuyên cơ mới hạ cánh xuống Bình Nhưỡng.
Thể hiện quyền lực
Tại đường băng, Ngoại trưởng Pompeo được đón tiếp bởi nhiều quan chức cấp cao của Triều Tiên. Nổi bật nhất là Kim Yong Chol, phó chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên, phụ trách quan hệ liên Triều. Đi cùng ông là Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho.
Vị cựu giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) được mời lên chiếc limousine Mercedes màu đen. Phần còn lại của phái đoàn chia nhau ngồi trên xe buýt và xe bán tải Chevrolet cho chặng di chuyển dài 23 km đến thủ đô.
Đoàn xe chạy băng băng qua những cánh đồng, dãy nhà nối tiếp dãy nhà, trước ánh mắt tò mò của người đi đường. Nhà báo Matt Lee của AP, từng tháp tùng cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đến đàm phán với Triều Tiên vào năm 2000, nhận thấy thành phố đã phát triển rõ rệt.
Đến khách sạn Koryo, Ngoại trưởng Mỹ họp với ông Kim Yong Chol gần 1 giờ đồng hồ về thượng đỉnh Trump – Kim và lịch trình của ông tại Bình Nhưỡng. Phái đoàn sau đó dự tiệc trưa tại lầu 39 của khách sạn – “địa chỉ” quen thuộc mỗi khi ông Kim Yong Chol tiếp đón các nhân vật đến từ nước Mỹ, theo CNN.
Các quan chức cấp cao của Triều Tiên đón Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng. Ảnh: AP |
Nâng ly rượu vang trên tay, vị quan chức cấp cao 72 tuổi của Triều Tiên mở lời trước các quan khách về triển vọng cải thiện quan hệ song phương. “Các bạn đến Bình Nhưỡng vào đúng thời điểm thật đẹp. Mùa xuân vẫn còn ấm áp và dễ chịu. Hai miền Nam – Bắc đã có được một bầu không khí hòa dịu. Mọi thứ tại Bình Nhưỡng lúc này đều diễn ra tốt đẹp”
Ông không quên đề cập một số vấn đề chính trị khi nhắc rằng “chúng tôi đã phát triển năng lực hạt nhân đến mức hoàn hảo”. Ông nhấn mạnh “đây không phải là hệ quả của những trừng phạt kinh tế áp đặt từ bên ngoài”.
“Chính sách của chúng tôi hiện nay là tập trung tất cả mọi nguồn lực vào sự phát triển kinh tế đất nước. Chúng tôi mong nước Mỹ sẽ lấy làm hài lòng trước sự thành công của chúng tôi. Tôi kỳ vọng Mỹ sẽ giữ vai trò lớn trong thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, ông kết lời bằng ly rượu mời hướng về Mike Pompeo.
Ngoại trưởng Mỹ đứng lịch sự đáp lời, khẳng định rằng toàn bộ đội ngũ mà ông mang đến Bình Nhưỡng đều quyết tâm hợp tác với Triều Tiên để đạt được chính xác những gì người vừa mời rượu đề cập: Hòa bình trên bán đảo.
“Suốt nhiều thập niên qua, chúng ta là kẻ thù của nhau”. Tuy nhiên, ông hy vọng hai phía có thể cùng hợp tác để giải quyết xung đột, chấm dứt những mối đe dọa với thế giới và giúp Triều Tiên có tất cả những cơ hội mà nhân dân nước này xứng đáng có được.
“Dẫu còn nhiều thách thức trên con đường phía trước, các bạn đã chứng tỏ mình là một đối tác tuyệt vời trong nỗ lực đảm bảo cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước chúng ta diễn ra thành công”, Ngoại trưởng Mỹ gửi lời khen đến đội ngũ của Bình Nhưỡng.
Cuộc gặp bất ngờ
Không lâu sau buổi yến tiệc tại khách sạn Kyoro, ngoại trưởng Mỹ được cho biết ông sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Cuộc họp kín thảo luận về kế hoạch thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra 1 giờ sau đó và kéo dài 90 phút.
Khi Mike Pompeo trở lại khách sạn, cánh phóng viên đương nhiên không quên nhắc lại lời hứa của ông trên chuyến bay: Liệu sẽ có tin lành hay tin dữ về số phận của những tù nhân người Mỹ?
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp ông Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng để thảo luận về thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ảnh: AP |
Cả 3 người – Kim Dong Chul, Kim Hak Song và Tony Kim – đã bị giam giữ tại Triều Tiên hơn một năm qua. Tony Kim và Kim Hak Song, hai cựu giảng viên Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng, bị bắt vào giữa năm 2017 với cáo buộc “có hành động thù địch” chống chính quyền. Người bị giam giữ lâu nhất là Kim Dong Chul, bị bắt vào năm 2015 với cáo buộc hoạt động gián điệp.
Câu trả lời của Pompeo được đưa ra trong sự im lặng: Hai ngón tay vắt chéo cầu may.
Không mất quá nhiều thời gian để lời cầu nguyện của ông được hồi đáp. Một quan chức Triều Tiên ít lâu sau đã đến khách sạn Koryo mang theo thông điệp: Lãnh đạo Kim Jong Un sẽ thả tự do cho những người Mỹ.
“Chúng tôi sẽ ân xá cho cả 3 công dân Mỹ đang bị giam giữ. Lệnh ân xá lập tức cho họ đã được đưa ra”, đại diện của chính phủ Triều Tiên cho biết.
“Tuyệt vời”, Ngoại trưởng Pompeo đáp.
“Đây là một quyết định rất khó khăn. Sẽ có một buổi lễ ngắn (theo đúng quy trình pháp luật). Các bạn nên đảm bảo họ sẽ không tái phạm những sai lầm. Đây thật sự là một quyết định khó”, vị quan chức của Bình Nhưỡng nhấn mạnh nhiều lần về tầm quan trọng của sự kiện. Ông cho biết 3 tù nhân sẽ được thả tự do vào lúc 19h (giờ địa phương).
Carl Risch, trợ lý ngoại trưởng chuyên trách các vấn đề lãnh sự, cùng một bác sĩ phải đến một khách sạn khác để đón 3 công dân Mỹ vừa được phóng thích. Vào lúc 19h45, cả 5 người rời đi trên một chiếc bán tải và phải 40 phút sau họ mới đến được sân bay.
Mike Pompeo và đội ngũ chào đón những người đồng hương vừa được trả lại tự do. Họ được bố trí ngồi ở khu vực giữa máy bay, sau tấm màn kín cùng các nhân viên y tế.
Chiếc C-32A của ngoại trưởng Mỹ rời bánh khỏi đường băng sân bay quốc tế Bình Nhưỡng vào lúc 20h42 tối, hướng đến căn cứ không quân Yokota của Mỹ ở Nhật Bản. Mike Pompeo đỏ mặt vì chiến tích ngoạn mục lần này. Ông bước xuống khu cuối máy bay để chia sẻ niềm vui mừng với các phóng viên.
“Quả là một ngày dài. Nhưng không có một giây phút nào tôi đánh mất cảm giác hôm nay sẽ là một ngày thành công. Một ngày thật dài nhưng rất xứng đáng”, ông chia sẻ.
Chiến tích đầu tiên
Những công dân Mỹ được thả tự do đều trong tình trạng sức khỏe tốt. Điều này khiến Pompeo vô cùng phấn khích. “Tất cả các dấu hiệu lúc này cho thấy sức khỏe của họ đang trong tình trạng tốt nhất có thể, đặt trong bối cảnh họ đã bị giam giữ một thời gian”.
Ông Trump đến tận cửa máy bay đón 3 cựu tù nhân Mỹ hạ cánh xuống sân bay quân sự Andrews vào rạng sáng ngày 10/5 (giờ Mỹ). Ảnh: Washington Post |
Cuộc thảo luận với ông Kim Jong Un chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ - Triều đã diễn ra “với nhiều nội dung và tốt đẹp”, ông Mike Pompeo tiết lộ. Nhà Trắng sẽ sớm công bố thời gian và địa điểm tổ chức cuộc gặp Trump – Kim.
“Công đoạn đó đã kết thúc. Các bên đã có cơ hội thảo luận sâu về những nội dung dự kiến trong chương trình nghị sự, cũng như cách xúc tiến phối hợp trong những ngày sắp tới. Cả hai đều tự tin sẽ tạo đủ điều kiện để cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra thành công”, vị ngoại trưởng nhấn mạnh. Ông cũng chia sẻ cảm giác nhà lãnh đạo Triều Tiên đang “rất cố gắng tạo điều kiện tốt đẹp cho cuộc gặp thượng đỉnh”.
Khi chiếc C-32A đáp xuống sân bay quân sự tại Nhật Bản, cả Kim Dong Chul, Kim Hak Song và Tony Kim đều được chuyển sang một máy bay đang chờ sẵn. Hai máy bay nhanh chóng bắt đầu hành trình dài 10 giờ đồng hồ đến Anchorage, Alaska, cho 1 tiếng tiếp nhiên liệu trước khi trở về căn cứ không quân Andrews vào rạng sáng ngày 10/5. Ở đây, 3 cựu tù nhân Mỹ và phái đoàn sẽ được Tổng thống Trump đích thân đón.
Một phóng viên chợt hỏi liệu có khoảnh khắc nào trong suốt hơn 13 giờ qua, vị tân ngoại trưởng cảm thấy tự tặng cho mình một lời khen trước chiến tích ngoại giao đầu tay.
“Vẫn còn nhiều việc cần làm. Tôi rất vui vì có thể đưa những công dân Mỹ trở về nhà. Chính Tổng thống Trump đã tạo điều kiện để điều này có thể diễn ra và nó khiến tôi thấy rất hài lòng. Nhưng trước mắt vẫn còn rất nhiều việc cần làm để đạt được mục tiêu cuối cùng”, Mike Pompeo đáp.