Từ khi lên nắm quyền vào năm 2011 đến nay, ông Kim Jong Un mới có hai chuyến công du nước ngoài, trong đó chỉ một lần di chuyển bằng máy bay. Đó là chuyến đi tới Đại Liên hồi giữa tuần để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tháp tùng chiếc Ilyushin-62M của ông Kim Jong Un là một máy bay vận tải Ilyushin-76. Cả hai đều là các dòng máy bay của Liên Xô.
Ông Kim Jong Un ngồi trên chuyên cơ cùng một tướng lĩnh. Ảnh được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 15/2/2015. Ảnh: KCNA. |
“Chuyến đi tới Đại Liên rất có khả năng là một đợt diễn tập”, Reuters dẫn lời Andray Abrahamian, nghiên cứu viên tại Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
Tuy nhiên, chuyến đi tới Singapore sẽ còn nhiều thách thức hơn. Lee Yun Keol, một cựu quan chức Triều Tiên đào tẩu, nay là Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Thông tin Chiến lược Triều Tiên ở Seoul, dự đoán chuyến đi đòi hỏi di chuyển hàng chục nhân viên an ninh cùng trang thiết bị.
Khoảng cách 4.700 km từ sân bay Sunan ở Bình Nhưỡng đến Singapore không gây nhiều khó khăn cho chiếc Ilyunshin-62M chở ông Kim. Mẫu máy bay bốn động cơ phản lực này có tầm bay tối đa lên đến 10.000 km.
Trong khi đó, nếu máy bay vận tải Ilyushin-76 di chuyển liên tục với trọng tải tối đa thì nó chỉ bay được hơn 3.000 km. Nó buộc phải dừng tại một địa điểm nào đó trên đường đến Singapore để tiếp liệu, hoặc cần giảm lượng hàng hóa chở theo. Phi cơ này được cho là sẽ chuyên chở xe limousine và lượng thiết bị hậu cần đáng kể phục vụ ông Kim.
Một máy bay vận tải Ilyushin-76 của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo đáp xuống sân bay Đại Liên ngày 8/5. Ảnh: Kyodo |
Ilyushin-76 ban đầu được thiết kế để vận chuyển máy móc hạng nặng đến các vùng xa xôi của Liên Xô. Khoang hàng máy bay có thể chứa vừa một xe buýt hoặc hai container, theo công ty vận tải hàng không Antartic Logistics & Expeditions.
Từng có một số sự cố an toàn hàng không liên quan đến dòng máy bay này. Tháng trước, một chiếc Ilyushin-76 rơi ngay sau khi cất cánh từ căn cứ không quân của Algeria khiến 257 người thiệt mạng.
Ngoài ra, nhiên liệu cũng là một bài toán khó khăn cho chuyến công du của ông Kim vì đó là mặt hàng nằm trong danh sách cấm vận của Liên Hợp Quốc thời gian qua. Ngay cả Trung Quốc, nguồn cung cấp chủ yếu cho Triều Tiên, cũng chỉ xuất sang nước láng giềng có 3 tấn hồi tháng 3. Tuy nhiên, Triều Tiên có lẽ đủ khả năng giải quyết vấn đề này do có lượng nhiên liệu tích trữ phục vụ chương trình tên lửa.
Theo các chuyên gia, việc lựa chọn Singapore làm địa điểm tổ chức làm cuộc gặp thượng đỉnh một phần do đây là điểm đến thực tế nhất về thời gian di chuyển và quãng đường bay cho ông Kim Jong Un. Trước đó, Geneva mới là lựa chọn mà phía Mỹ ưu tiên, một quan chức Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tiết lộ.