“Do chính quyền Mỹ và Hàn Quốc lộ rõ tham vọng gây hấn, họ không còn lý do gì để đổ lỗi cho hoạt động củng cố năng lực tự vệ của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK)”, Kim Myong Chol - nhà phê bình quan hệ quốc tế - viết trong bài đăng ngày 31/5 trên hãng thông tấn trung ương KCNA.
Trước đó, sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với người đồng cấp Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea In ngày 21/5 thông báo việc hai bên đồng ý dỡ bỏ hướng dẫn chung về giới hạn tầm bắn tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc ở mức 800 km.
Trước động thái này, bài viết trên KCNA cáo buộc Mỹ "hai mặt", khi Washington luôn muốn tìm cách cấm Bình Nhưỡng phát triển tên lửa đạn đạo, theo Reuters.
Tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2 và Hyunmoo-3 được trưng bày tại sự kiện năm 2017, kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang Hàn Quốc tại Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Mỹ chỉ “quan tâm đến mâu thuẫn, dù ngoài miệng nói muốn đối thoại”, ông Kim cáo buộc. “Động thái trên là lời nhắc nhở rõ ràng về thái độ thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên, cũng như sự hai mặt của nước này”.
Theo ông Kim, mục tiêu của Triều Tiên là Mỹ, không phải quân đội Hàn Quốc. Triều Tiên sẽ chống trả Mỹ trên “tinh thần dùng sức mạnh đáp trả sức mạnh”, ông Kim nói.
Ông Kim còn lên án thái độ hoan nghênh việc dỡ bỏ giới hạn của Tổng thống Moon là “ghê tởm và thiếu đứng đắn”.
Năm 1979, Hàn Quốc đồng ý áp dụng bản hướng dẫn giới hạn tầm bắn và tải trọng của tên lửa đạn đạo lần lượt ở mức 180 km và 500 kg, để đổi lấy chuyển giao công nghệ từ đồng minh.
Trải qua 4 lần điều chỉnh, giới hạn tầm bắn tên lửa Hàn Quốc được nới lỏng đến mức 800 km, trước khi được dỡ bỏ hoàn toàn.