Với 70 năm mang thân phận trữ quân, Vua Charles III có lẽ là người có thời gian chuẩn bị lâu nhất trong lịch sử cho vị trí quốc vương. Suốt 70 năm, ông đã chứng kiến nhiều thế hệ lãnh đạo đến rồi đi dưới sự trị vì của thân mẫu, bao gồm 15 đời thủ tướng Anh và 14 đời tổng thống Mỹ.
Thời khắc tấn phong cuối cùng cũng đến với Vua Charles III vào hôm 10/9. Nhưng khi tiếng đại bác chào mừng lắng xuống, vị tân vương sẽ bắt gặp ánh mắt kỳ vọng của người dân. Họ sẽ muốn biết nhà vua có tầm nhìn ra sao, và ông có những quan tâm gì trong triều đại mới.
Bà Laura Mayhall, giáo sư lịch sử nước Anh hiện đại thuộc Đại học Công giáo Mỹ (Mỹ). Bà đã viết về hoàng gia Anh và từng xuất hiện trong một số phim tài liệu về hoàng gia với tư cách chuyên gia. Ảnh: ABC. |
“Vua Charles là vị vua cho thế kỷ 21”, bà Laura Mayhall, giáo sư lịch sử nước Anh hiện đại thuộc Đại học Công giáo Mỹ (Mỹ), nói với Zing. “Những mối quan tâm của ông ấy về môi trường, về sự đa dạng (trong xã hội) đều phản ánh những điều cần thiết của thế kỷ 21”.
Nhưng là quân vương, Vua Charles III sẽ cần thận trọng hơn khi theo đuổi những mối quan tâm nói trên để tránh bị xem là can thiệp sâu vào chính trị, theo bà Mayhall, người đã viết về hoàng gia Anh và từng xuất hiện trong một số phim tài liệu về hoàng gia với tư cách chuyên gia.
Ngoài những mối quan tâm trên, các chuyên gia trao đổi với Zing cho rằng Vua Charles III cũng dự định uốn nắn lại hoàng gia cho phù hợp với đặc điểm thời đại. Điều này có nghĩa quy mô hoàng gia có thể thu gọn hơn nữa để giảm phí tổn.
Tân vương quan tâm những gì
Nước Anh mà Vua Charles III thừa hưởng lúc này đa dạng hơn rất nhiều so với nước Anh mà Nữ hoàng Elizabeth II thừa hưởng từ thân mẫu của bà.
Vì thế, vị tân vương được cho là sẽ cố tạo kết nối với một nước Anh đa văn hóa, đa tín ngưỡng. Ông sẽ cố đưa mình trở thành biểu tượng của sự đoàn kết và nỗ lực gắn kết với các nhóm thiểu số.
“Ông ấy có thể là tiếng nói cho sự đa dạng, ủng hộ những nhóm người ở ngoài rìa và đưa họ tới trung tâm”, giáo sư Mayhall nói.
Người dân đặt hoa bày tỏ tình cảm tiếc thương với Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: New York Times. |
Vua Charles III dường như cũng ý thức được điều này, thể hiện qua bài phát biểu đầu tiên trước người dân toàn quốc sau khi được tấn phong.
“Bất kể bạn sống ở đâu ở Vương quốc Anh, hay ở các công quốc và vùng lãnh thổ khắp thế giới, và bất kể bạn có xuất thân hay tín ngưỡng thế nào, tôi đều sẽ nỗ lực phụng sự bạn bằng sự trung thành, tôn trọng và tình yêu, như cách tôi đã làm suốt đời mình”, vị vua nói.
Từ những năm 1960, Vua Charles III đã nhận ra biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất, không chỉ với Vương quốc Anh mà với toàn thế giới. Nhà vua từng bị giễu cợt vì quan tâm tới vấn đề môi trường nhưng thực tế hiện nay đã chứng minh tầm nhìn của ông.
“Mối quan tâm của ông, như về biến đổi khí hậu và sự mất đa dạng sinh học trên thế giới, đều là những vấn đề nhận được sự tán thành của người dân khắp thế giới, đặc biệt là giới trẻ”, giáo sư Mayhall nói với Zing. “Vì thế, nhà vua sẽ có thể nêu bật sự cấp thiết của vấn đề môi trường. Đây là điều chưa bao giờ xuất hiện trong những gì cố nữ hoàng từng làm”.
Vua Charles là vị vua cho thế kỷ 21. Những mối quan tâm của ông ấy về môi trường, về sự đa dạng (trong xã hội) đều phản ánh những điều cần thiết của thế kỷ 21.
Laura Mayhall, giáo sư lịch sử nước Anh hiện đại thuộc Đại học Công giáo Mỹ
Để theo đuổi tầm nhìn của mình, ông Charles vào năm 1976 đã thành lập Quỹ Hoàng tử - tổ chức từ thiện cung cấp hỗ trợ tài chính cho thanh thiếu niên. Tổ chức này là sự khởi đầu của một mạng lưới hàng trăm tổ chức thiện nguyện, bao gồm các sáng kiến cho các doanh nghiệp ưu tiên tính bền vững.
Trong bài phát biểu đầu tiên, Vua Charles III thừa nhận khi đã lên ngôi, ông không còn có thể “dành nhiều thời gian và năng lượng cho những tổ chức từ thiện và vấn đề ông quan tâm sâu sắc”.
Nhưng giới chuyên gia và người thân cận với tân vương cho rằng người đứng đầu hoàng gia Anh sẽ không đoạn tuyệt với các vấn đề ông quan tâm như chống biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững.
“Nhiều khả năng những hoạt động từ thiện này sẽ được nhà vua chuyển sang cho Hoàng tử William và Công nương Kate”, bà Julie Taddeo, giáo sư lịch sử nước Anh thuộc Đại học Maryland (Mỹ), nói với Zing. “Nhưng tôi tin rằng ông ấy sẽ tiếp tục ủng hộ hoạt động môi trường”.
Vua Charles III lên ngôi vào thời điểm nền kinh tế Vương quốc Anh đang gặp khó khăn. Người dân ở đây đối diện mức lạm phát cao, sự mất giá của đồng bảng Anh và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ.
Tân vương hứa hẹn thu gọn quy mô hoàng gia với một nhóm “thành viên làm việc” cốt lõi lấy trung tâm là Vua Charles III và Vương hậu Camilla, Hoàng tử William và Công nương Kate. Ảnh: New York Times. |
Có lẽ cũng vì thế, tân vương đã hứa hẹn thu gọn quy mô hoàng gia để giảm áp lực lên người đóng thuế, theo giáo sư Mayhall. Vương thất của Vua Charles III được cho là sẽ chỉ xoay quanh một nhóm “thành viên làm việc” cốt lõi, với trung tâm là ông và Vương hậu Camilla, Hoàng tử William và Công nương Kate.
Trên thực tế, dự định trên của Vua Charles III là sự tiếp nối xu hướng cắt giảm chi phí do Nữ hoàng Elizabeth II khởi xướng. Dưới thời cố nữ hoàng, số thành viên hoàng gia nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các chi phí khác đã bị cắt giảm.
Gia đình hoàng gia đã không còn sử dụng máy bay không quân để di chuyển, du thuyền hoàng gia cũng được ngưng sử dụng vào năm 1997. Bắt đầu từ năm 1992, vương thất Anh đóng thuế thu nhập và thuế trên thặng dư vốn đối với tài sản cá nhân.
Thách thức và thuận lợi
Vua Charles III có một số điều kiện thuận lợi để xây dựng vương triều mới. Trước khi mất, Nữ hoàng Elizabeth II đã ủng hộ việc phu nhân của Vua Charles III, bà Camilla, được gọi là vương hậu, thay vì chỉ là vương phi.
Theo BBC, bà Camilla sẽ là một chỗ dựa quan trọng khi Vua Charles III bắt đầu một trong những vai trò quan trọng nhất trên thế giới ở độ tuổi mà hầu hết mọi người đã nghỉ hưu.
Ngoài ra, thời gian Vua Charles III chuẩn bị nối ngôi cũng là một trong những thuận lợi lớn nhất. Theo giáo sư Taddeo, ông Charles từ năm 3 tuổi đã biết rằng một ngày nào đó mình sẽ trở thành vua.
“Nhà vua rõ ràng đã dành nhiều thời gian hơn ai hết để chuẩn bị cho công việc này. Và như vậy, ông ấy cũng mang tới cho ngôi vua một mức độ chuyên môn và kinh nghiệm nhất định mà những người thừa kế khác không có”, giáo sư Mayhall chỉ ra.
Vua Charles III dừng lại để nói chuyện với đám đông bên ngoài Điện Buckingham. Theo giáo sư Mayhall, đây được coi là tín hiệu cho thấy ông ấy sẽ giảm bớt sự trịnh trọng trong cách tương tác với người dân. Ảnh: New York Times. |
Những kinh nghiệm ấy giúp Vua Charles III nhận ra rằng thể chế quân chủ lập hiến của Vương quốc Anh yêu cầu quân vương phải trung lập về chính trị. Ông đã sớm biết là khi lên ngôi, ông không thể mạnh mẽ lên tiếng vì những lý tưởng mình quan tâm như khi còn là thái tử.
“Tôi nhận thức rõ rằng việc làm vua sẽ rất khác. Thật không đúng khi cho rằng tôi vẫn sẽ giữ nguyên cách hành xử nếu kế vị”, ông Charles trả lời BBC trong bộ phim tài liệu kỷ niệm 70 năm ngày sinh, khi được hỏi về những lần ông bị cho là “can thiệp chính trị”.
Như vậy, một bài toán đối với nhà vua, theo giáo sư Mayhall, sẽ là tìm ra cách để lên tiếng về các vấn đề ông quan tâm mà không tạo ra sự tranh cãi.
Lợi thế của Vua Charles III là ông ấy đã có khoảng thời gian dài để chuẩn bị cho vai trò mới. Từ năm 3 tuổi, ông ấy đã biết rằng một ngày nào đó mình sẽ trở thành vua.
Julie Taddeo, giáo sư lịch sử nước Anh thuộc Đại học Maryland (Mỹ)
Một bài toán khác sẽ là cách Vua Charles III tương tác với truyền thông để xây dựng hình ảnh tích cực cho hoàng gia. Nhà vua hiểu rằng hoàng gia thời hiện đại cần phải xuất hiện nhiều hơn trước ống kính để kết nối với người dân.
Đây sẽ là điểm khác biệt lớn của triều đại Charles III so với Elizabeth II. Cố nữ hoàng sinh thời chưa từng trả lời phỏng vấn truyền thông, trong khi con trai bà đã xuất hiện nhiều lần.
“Ngay vừa qua, trong lúc tới Điện Buckingham sau khi thân mẫu qua đời, Vua Charles III đã dừng lại để nói chuyện với đám đông”, giáo sư Mayhall nói. “Điều này được coi là tín hiệu cho thấy ông ấy sẽ giảm bớt sự trịnh trọng trong cách tương tác với người dân”.
Theo BBC, thách thức lớn nhất của tân vương là làm sao xây dựng mối quan hệ hiện đại với khối Thịnh vượng chung, trong bối cảnh một số nước trong khối tỏ ý muốn xóa bỏ vị trí nguyên thủ của quốc vương Anh và trở thành nước cộng hòa.
Giữa những khó khăn, hoàng gia Anh đổi người lãnh đạo. Nhưng dù đó là những thách thức gì đi chăng nữa, thời khắc trị vì của vị tân vương đã đến. Đây là thời đại của Vua Charles III.