Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Tượng đài Nữ hoàng Elizabeth II giữa kỷ nguyên nhiều biến động

Trong gần 70 năm trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II được xem là biểu tượng cho sự ổn định giữa một kỷ nguyên nhiều biến động của Vương quốc Anh.

Nữ hoàng Elizabeth II, vị quân vương trị vì lâu nhất của Vương quốc Anh, đã trải qua những thay đổi trong xã hội thời hậu đế quốc, cũng như hàng loạt sóng gió liên tiếp xảy đến với gia đình bà.

Những thập niên trị vì của Nữ hoàng Elizabeth là khoảng thời gian nhiều biến động. Bà tìm cách xây dựng và bảo vệ hoàng gia như một pháo đài trường tồn hiếm có giữa một thế giới chứng kiến nhiều giá trị đang thay đổi, theo New York Times.

Những thập kỷ trị vì đầy biến động

Nữ hoàng Elizabeth II đăng quang vào ngày 2/6/1953, một năm sau khi lên ngôi. Lúc đó, Vương quốc Anh vẫn là một đế chế với độ phủ địa lý lớn đến mức có câu nói "mặt trời chưa bao giờ lặn" trên lãnh thổ. Tuy nhiên, cho đến thế kỷ mới, ranh giới ấy đã bị thu hẹp lại.

Khi Anh chuẩn bị rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2020, Scotland nhen nhóm lời kêu gọi đòi độc lập, có nguy cơ khiến vương quốc này thu hẹp hơn nữa.

Lễ đăng quang của bà là sự kiện đăng quang đầu tiên của hoàng gia được phát sóng gần như toàn bộ trên truyền hình. Tuy nhiên, đó là một dấu hiệu của những thay đổi. Nữ hoàng thu hút sự chú ý trên toàn cầu, và quãng thời gian trị vì của bà trở thành chủ đề của các bộ phim Hollywood.

Nữ hoàng Anh tại Cung điện Buckingham vào tháng 6/1953, sau khi bà đăng quang. Ảnh: AP.
nu hoang Anh anh 1
nu hoang Anh anh 1

Nữ hoàng Anh tại Cung điện Buckingham vào tháng 6/1953, sau khi bà đăng quang. Ảnh: AP.

Trong bối cảnh dư luận Anh xuất hiện nhiều ý kiến về nền quân chủ, Nữ hoàng Elizabeth II vẫn kiên quyết duy trì sự kín kẽ và bí ẩn, vốn làm nền tảng cho sự tồn tại của chế độ quân chủ. Cách cư xử nhã nhặn và dè dặt của bà không có nhiều thay đổi.

Khi đợt bùng phát Covid-19 ở Anh vào năm 2020, nữ hoàng rời Cung điện Buckingham đến lâu đài Windsor, phía tây thủ đô London. Động thái này đã gợi lại những ký ức hàng thập kỷ của người dân.

Windsor là nơi nữ hoàng cùng em gái - Công chúa Margaret - được đưa đến để tránh bom đạn của Đức sau khi Thế chiến II bùng nổ vào năm 1939. Cũng chính từ Windsor, bà lần đầu lên sóng radio trong tư cách công chúa, theo Ben Pimlott - người viết tiểu sử về nữ hoàng.

“Em gái tôi, Margaret Rose, và tôi, đồng cảm với các bạn, vì từ trải nghiệm của mình, chúng tôi hiểu việc phải rời xa những điều yêu quý nhất là như thế nào”, bà nói.

Vào ngày 5/4/2020, trong một phát biểu trên truyền hình gợi lại chương trình phát sóng năm 1940, bà kêu gọi người dân chiến đấu với Covid-19 bằng sự kiên cường như những người Anh thời chiến.

Bà xây dựng và bảo vệ hoàng gia như một pháo đài trường tồn hiếm có, giữa một thế giới chứng kiến nhiều giá trị đang thay đổi.

Năm 2017, Nữ hoàng Elizabeth kỷ niệm 70 năm ngày kết hôn với cố Hoàng tế Philip, người qua đời vào tháng 4/2021. Ông thường đi sau nữ hoàng 2 bước và luôn hỗ trợ bà. Theo Hoàng tử Andrew, sự ra đi của Hoàng tế Philip “để lại một khoảng trống lớn trong cuộc đời nữ hoàng”.

Một số người dự đoán rằng Nữ hoàng Elizabeth II sẽ lui về hậu trường sau sự ra đi của Hoàng tế Philip, như cách Nữ hoàng Victoria từng làm.

Tuy nhiên, bà gây bất ngờ khi tái xuất trước công chúng trong nhiều sự kiện, chẳng hạn việc tiếp đãi các nhà lãnh đạo thế giới tại cuộc họp thượng đỉnh ở Cornwall vào tháng 6/2021.

Tuy nhiên, lịch trình bận rộn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bà. Giới báo chí chụp lại khoảnh khắc Nữ hoàng Elizabeth II chống gậy để đi, cho thấy bà gặp vấn đề ở đầu gối. Bà cũng phải qua đêm tại bệnh viện ở London vào tháng 10/2021 sau một giai đoạn kiệt sức.

Bên cạnh đó, nữ hoàng phải đối mặt với một loạt sóng gió trong gia đình, mà nổi bật là việc Vua Charles III khi còn là thái tử đã đồng ý ly thân với Công nương Diana năm 1992. Cùng với một loạt các biến động khác, nữ hoàng coi năm 1992 là "annus horribilis" (Tạm dịch: Năm khủng khiếp).

Chế độ quân chủ vẫn tồn tại ở Anh, nhưng nhiều thách thức xuất hiện khi bước sang thế kỷ 21.

Trong bài diễn văn Giáng sinh vào năm 2019, nữ hoàng mô tả năm này là năm "gập ghềnh". Nhưng khoảng thời gian sau đó cũng vẫn có nhiều biến động. Hoàng tử Harry và Công nương Meghan Markle khiến hoàng gia bất ngờ khi thông báo rút lui khỏi các hoạt động của hoàng gia, kéo theo nhiều sóng gió sau đó.

Bất chấp những thách thức, Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì của nữ hoàng đã được tổ chức vào tháng 6 năm nay, thu hút sự quan tâm lớn, không chỉ ở Anh hoặc các nước trong khối Thịnh vượng chung, mà trên thế giới.

nu hoang Anh anh 2

Nữ hoàng Elizabeth II tại Đại lễ Bạch kim. Ảnh: Reuters.

Vị quân vương trị vì lâu nhất thế giới

Vào tháng 5, bà lần đầu vắng mặt tại lễ khai mạc Quốc hội khóa mới. Đây là lần đầu tiên sau gần 60 năm bà bỏ lỡ sự kiện này. Khi đó, Thái tử Charles, người thừa kế ngai vàng, thay mặt bà đọc bài phát biểu, với chiếc vương miện của nữ hoàng đặt bên cạnh, như khẳng định sự hiện diện mang tính biểu tượng của bà.

Vào ngày 9/9/2015, bà vượt qua Nữ hoàng Victoria để trở thành quốc vương trị vì lâu nhất của Vương quốc Anh. Sau đó, bà cũng trở thành người trị vì lâu nhất trên thế giới hiện đại.

Đại lễ Kim cương của nữ hoàng cũng thu hút sự chú ý của công chúng, dường như củng cố vị trí của gia đình hoàng gia trong xã hội Anh.

Theo New York Times, nhiều lo ngại liên quan đến sức khỏe của nữ hoàng xuất hiện kể từ khi bà bỏ lỡ các buổi lễ ở nhà thờ vào ngày Giáng sinh năm 2016 và vào ngày năm mới 2017. Đó là những lần đầu tiên trong 30 năm bà vắng mặt tại các sự kiện như vậy.

Nữ hoàng Anh có thời gian trị vì lâu đến mức triều đại của bà chứng kiến nhiệm kỳ của 15 thủ tướng Anh và 14 tổng thống Mỹ.

Nữ hoàng xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên trong năm 2017 vào ngày 8/1, sau một tháng vắng bóng. Tháng tiếp theo, bà tổ chức Đại lễ Sapphire, trở thành quân vương Anh đầu tiên trị vì trong 65 năm.

Cách cư xử lịch sự và dè dặt của Nữ hoàng Elizabeth II không có nhiều thay đổi kể từ khi Vương quốc Anh từ bỏ đế chế ở nước ngoài và đi từ một quốc gia nghèo nàn hậu Thế chiến II trở thành một đất nước giàu có.

Nữ hoàng Anh có thời gian trị vì trên ngai vàng lâu đến mức triều đại của bà chứng kiến nhiệm kỳ của tất cả 15 thủ tướng Anh - từ ông Winston Churchill đến bà Liz Truss - và 14 tổng thống Mỹ, từ ông Harry S. Truman đến ông Joseph R. Biden Jr.

Mặc dù vai trò của bà chủ yếu mang tính chất nghi lễ, như một quốc vương lập hiến không tham gia hành pháp, những người ủng hộ vẫn cho rằng bà đóng vai trò quan trọng như mỏ neo của quốc gia.

Dù bà không nắm giữ quyền lực chính trị chính thức, những buổi gặp hàng tuần với các thủ tướng giúp bà hiểu rõ hơn về tình hình của quốc gia. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của bà tại các cuộc họp quốc tế được coi là nâng cao uy tín của Anh.

Thậm chí, có những dịp sự hiện diện của bà còn góp phần củng cố các chính sách chính thức. Vào tháng 6/2012, sự kiện nữ hoàng bắt tay với ông Martin McGuinness, chỉ huy một thời của Quân đội Cộng hòa Ireland, được coi là sự kiện khó tin nhất có thể xảy ra.

Sự kín kẽ và bí hiểm

Những hành động của nữ hoàng dường như không bao giờ bị chê trách hoặc dính líu tới bất cứ bê bối nào - dù là nhỏ nhất. Nữ hoàng Elizabeth là một tấm gương phản chiếu của các tiêu chuẩn đạo đức mà nhiều người khao khát.

Hình ảnh trước công chúng của nữ hoàng được quản lý cẩn thận và chặt chẽ nhất. Việc chế độ quân chủ giữ cho mình sự bí hiểm cũng không phải là điều gây bất ngờ. Nữ hoàng được sinh ra ở một thế giới khác biệt. Bà không bao giờ tham gia lớp học tại trường lớp mà được nuôi dưỡng và giáo dục tại nhà bởi các bảo mẫu và gia sư riêng.

Ngay từ ban đầu, những cuộc gặp gỡ của bà với công chúng đều được lên kịch bản và có giới hạn nhất định. Kể từ thời điểm Vua Edward VIII - bác của bà - thoái vị trong vụ bê bối về mối quan hệ với một người Mỹ đã ly hôn, nữ hoàng tương lai mới 10 tuổi. Từ đó, bà đã bước vào hàng ngũ kế vị.

Khi Vua George VI - cha của bà - qua đời, bà mới 25 tuổi và chỉ là một phụ nữ trẻ thích cưỡi ngựa.

Nhưng chính sự nuôi dạy, ngập tràn trong các giá trị của chế độ quân chủ, khiến bà có phần dè chừng trong việc thích nghi với một thế giới khác nhiều so với thế giới mà bà được sinh ra.

nu hoang Anh anh 3

Nữ hoàng trò chuyện cùng cựu Thủ tướng Winston Churchill. Ảnh: AP.

Công chúa của nước Anh

Công chúa Elizabeth Alexandra Mary, con gái của Nữ công tước và Công tước xứ York, được sinh ra trên phố Bruton, trung tâm London năm 1926. Khi chào đời, bà đứng thứ ba trong hàng ngai vàng sau bác và cha mình, nhưng viễn cảnh bà đạt được vương miện khi đó có vẻ xa vời.

Gia đình bà nhanh chóng chuyển đến một ngôi nhà phố quý tộc trên đường Piccadilly. Khi mới chập chững biết đi, bà đã dành nhiều thời gian ở các lâu đài của Scotland ở Glamis và Balmoral.

Từ năm 7 tuổi cho đến trước khi kết hôn vào năm 1947, Công chúa Elizabeth và Công chúa Margaret Rose được chăm sóc bởi nữ gia sư Marion Crawford. Bà Crawford từng bị coi là phản bội hoàng gia vì đã xuất bản hồi ký của mình năm 1950, đi ngược lại mong muốn của họ.

Cuộc đời thời trẻ của Nữ hoàng Elizabeth đã có sự thay đổi đáng kể sau khi người ông nội là Vua George V qua đời vào đầu năm 1936, rồi đến bác của bà thoái vị vào cuối năm đó, đưa cha bà lên ngôi. Kể từ đó, bà là người xếp đầu tiên trong hàng ngũ thừa kế ngai vàng.

nu hoang Anh anh 4

Nữ hoàng trong lễ kết hôn với Hoàng tế Philip. Ảnh: New York Times.

Công chúa Elizabeth thời trẻ là người có khả năng cưỡi ngựa cừ khôi. Công chúng dần biết đến bà nhiều hơn. Bà không theo học tại các trường cao đẳng hoặc đại học giống như những thanh thiếu niên khác. Đến năm 18 tuổi, bà thay mặt cha thực hiện các nhiệm vụ hiến định khi ông đến Italy vào năm 1944.

Đối với công chúng và đối với gia đình bà, vấn đề được quan tâm nhất kể từ khi kỷ nguyên mới bắt đầu ở Anh thời hậu chiến tranh là bà sẽ kết hôn với ai.

Ứng cử viên phù hợp nhất được cho là Hoàng tử Philip của Hy Lạp và Đan Mạch. Vào ngày 20/11/1947, Công chúa Elizabeth kết hôn với Hoàng tử Philip, và mặc dù tình trạng kinh tế Anh thời hậu chiến còn nhiều khó khăn, đám cưới vẫn diễn ra đầy đủ các thủ tục.

Phượng hoàng tái sinh từ tro tàn

Khi hạ sinh Thái tử Charles, bà mới 22 tuổi, một năm sau khi kết hôn với Hoàng tử Philip. Năm 1950, hai người có thêm Công chúa Anne.

Bà nhanh chóng bắt nhịp với tư cách đại diện hoàng gia. Mùa thu năm 1951, Công chúa Elizabeth và chồng đã đi thăm Canada và Mỹ trước khi bắt đầu chuyến đi dài ngày đến Australia và New Zealand.

Khi dừng chân tại Kenya, thuộc địa của Anh vào thời điểm đó, bà đã trở thành nữ hoàng. Tại quê nhà, Vua George VI băng hà trong yên bình vào ngày 6/2/1952 sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư.

Do những khó khăn về liên lạc, phải đến bốn tiếng sau, Công chúa Elizabeth mới biết rằng cha bà đã qua đời. Bà trở thành tân vương nước Anh vào tuổi 25.

Lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II diễn ra vào ngày 2/6/1953. Khoảnh khắc này được Công chúa Margaret mô tả giống như phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn, biểu tượng của sự phục hồi sau chiến tranh.

nu hoang Anh anh 5

Công chúa Elizabeth (ngoài cùng bên trái) vào năm 1945. Ảnh: New York Times.

Lễ đăng quang là sự đan xen giữa nghi thức cổ xưa và công nghệ đương đại. Trên khắp đất nước, người Anh túm tụm trước những chiếc tivi đen trắng hoặc ăn mừng với những bữa tiệc đường phố.

Buổi lễ diễn ra tại Tu viện Westminter với sự tham dự của hơn 8.000 khách mời. Dù vậy, nghi lễ phong vương được thực hiện kín đáo, tránh khỏi tầm mắt của người tham gia và máy ảnh.

Sau đó, nữ hoàng mới đăng quang trở lại Điện Buckingham với quyền trượng và quả cầu tượng trưng cho quyền lực. Gần 30.000 binh sĩ, 29 ban nhạc và 27 xe ngựa đi cùng bà. Ba triệu người xếp hàng dọc theo các tuyến đường chào mừng tân nữ hoàng.

Vài tháng sau, nữ hoàng và chồng tiếp tục chuyến công du từ Bermuda đến Australia. Năm 1957, lần đầu tiên nữ hoàng đồng ý xuất hiện trên truyền hình với thông điệp ngày Giáng sinh. Những năm trước, thông điệp thường được phát sóng bằng đài phát thanh.

Nước Anh cũng đang thay đổi khi đế chế dần bị thu hẹp. Bên kia eo biển, ý tưởng về Liên minh châu Âu bắt đầu nảy mầm vào cuối những năm 1950.

Lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II diễn ra vào ngày 2/6/1953. Khoảnh khắc này được Công chúa Margaret mô tả giống như phượng hoàng tái sinh từ tro tàn - biểu tượng của sự phục hồi sau chiến tranh.

Những năm 1960 đem lại một cuộc cách mạng văn hóa mới tại Anh, được xây dựng xung quanh các ban nhạc như The Beatles và Rolling Stones. Các chương trình truyền hình giải trí phá vỡ những điều cấm kỵ từ lâu.

Các nhà sản xuất của BBC đã hợp tác cùng nữ hoàng sản xuất một bộ phim tài liệu, giúp hoàng gia xích lại gần với công chúng hơn. Sau này, nữ hoàng có thêm 2 người con trai, Hoàng tử Andrew và Hoàng tử Edward.

Có một sự thay đổi trong nhận thức của công chúng Anh về chế độ quân chủ. Giọng điệu của những báo cáo hoàng gia ngày càng gay gắt. Gia đình hoàng gia cho thấy mình dễ bị tổn thương và căng thẳng trước sự thay đổi của thời đại.

Công chúa Magaret và chồng ly hôn vào năm 1978. Đến năm 1979, hoàng gia rung chuyển vì cái chết của Bá tước Louis Mountbatten. Ông bị ám sát bởi Quân đội Cộng hòa Ireland lâm thời (IRA).

Khi Thái tử Charles kết hôn với Công nương Diana, nữ hoàng phải đối mặt với nhiều thách thức. Đất nước ngày càng chia rẽ giữa những người ủng hộ thái tử và con dâu của bà. Câu chuyện về cặp vợ chồng hoàng gia không hạnh phúc phủ kín các phương tiện truyền thông.

Những thách thức không dừng lại ở đó. Vào tháng 11/1992, một đám cháy đã bùng phát tại lâu đài Windsor, gây ra thiệt hại hàng triệu USD. Nữ hoàng phải đối mặt với lời chỉ trích vì được miễn nộp thuế. Các cuộc hôn nhân hoàng gia cũng tan vỡ.

“Năm 1992 không phải là một năm tôi sẽ nhìn lại với những niềm vui. Thật là một năm khủng khiếp”, nữ hoàng nói.

Thay đổi muộn màng

Ngày 9/12/1992, Thái tử Charles và Công nương Diana tuyên bố ly thân sau 11 năm hôn nhân không hạnh phúc. Tai nạn xảy đến với Công nương Diana vào năm 1997 cũng khiến chế độ quân chủ Anh chấn động.

Tuy nhiên, Nữ hoàng Elizabeth II vẫn tiếp tục bảo vệ hoàng gia với quyết tâm không thể lay chuyển.

Những bữa tiệc lớn diễn ra trong khuôn viên Điện Buckingham với hàng trăm vị khách mời. Nữ hoàng được các trợ lý hộ tống và giới thiệu với những vị khách mà bà chưa từng gặp trước đây.

Nhiều người ngạc nhiên trước tầm vóc nhỏ bé nhưng phong thái uy nghi và cách hành xử điềm tĩnh của bà.

Nữ hoàng và gia đình tiếp tục tôn vinh công dân bằng các giải thưởng, huy chương và danh hiệu. Các quan chức nước ngoài được chiêu đãi bữa tối và đi trên xe ngựa mạ vàng dọc theo Điện Buckingham đến Quảng trường Trafalgar.

Nữ hoàng kiểm soát tốc độ thay đổi của hoàng gia, thiết lập một kỷ nguyên công khai và hiện đại hơn của chế độ quân chủ. Mức độ thành công của nữ hoàng được thể hiện rõ ràng vào năm 2002 khi bà kỷ niệm 50 năm tại vị.

nu hoang Anh anh 6

Nữ hoàng tiếp tân Thủ tướng Anh Liz Truss vào hôm 6/9. Ảnh: Reuters.

Sự thay đổi so với những ngày đầu của chế độ quân chủ được phản ánh qua việc một triệu người tụ tập bên ngoài cổng Điện Buckingham để xem một buổi hòa nhạc. Brian May, tay guitar chính của ban nhạc Queen, đã biểu diễn quốc ca Anh “Chúa phù hộ nữ hoàng” từ nóc cung điện.

“Các bản tin đen trắng từ năm 1952 cho thấy một đất nước rất khác so với đất nước mà chúng ta đang sống ngày nay. Nữ hoàng đã giúp chế độ quân chủ thích nghi thành công với thế giới hiện đại”, cựu Thủ tướng Tony Blair nâng ly chúc mừng nữ hoàng vào năm 2002.

Một phần sự đồng cảm của công chúng dành cho nữ hoàng có thể bắt nguồn từ những mất mát cá nhân của bà. Thái hậu và Công chúa Margaret đều qua đời vào năm đó.

Bà khéo léo sử dụng vị trí của mình để mang lại sự an ủi cho những người phải đối mặt với mất mát.

Trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, nữ hoàng đã gửi lời nhắn cho người dân New York, nói rằng “đau buồn là cái giá chúng ta phải trả cho tình yêu”.

“Những hành động tàn bạo như thế này chỉ đơn giản là củng cố ý thức cộng đồng, nhân loại và niềm tin của chúng ta vào nhà nước pháp quyền”, nữ hoàng nói với người dân London sau cuộc tấn công ngày 7/7/2005 khiến 52 người thiệt mạng.

Khoảnh khắc tin Nữ hoàng Anh qua đời ập đến giữa họp báo Nhà Trắng
00:00
/
Video sẽ chạy sau3
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
Khoảnh khắc tin Nữ hoàng Anh qua đời ập đến giữa họp báo Nhà Trắng Khi Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre phát biểu trong buổi họp báo hôm 8/9, các phóng viên bất ngờ chen ngang và cho biết Nữ hoàng Elizabeth II đã băng hà.
Bài liên quan

Đức Mạnh - Tuấn Đạt - Vân Đinh

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm