Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là cây đại thụ của văn xuôi hiện đại. Khi ông qua đời hồi tháng sáu, bên cạnh sự tiếc thương, nhiều người đã nhìn lại và thêm trân trọng sự nghiệp của tác giả Đội gạo lên chùa. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói Nguyễn Xuân Khánh là biểu tượng cho bản lĩnh của người cầm bút.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - nơi gắn bó với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - đã thực hiện hai cuốn sách do ông viết và sách về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn. Sách dự kiến phát hành vào cuối tháng chín.
Bức tranh tổng quát về cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Xuân Khánh
Nguyễn Xuân Khánh - Một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi là cuốn sách do Đoàn Ánh Dương biên soạn, tập hợp nhiều bài viết của giới phê bình, văn chương.
Sách Nguyễn Xuân Khánh - Một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Sách là tuyển chọn các bài viết hay về đời văn Nguyễn Xuân Khánh, khắc họa con người và sự nghiệp của ông.
Sách gồm hai phần, phần đầu là chân dung Nguyễn Xuân Khánh qua góc nhìn của những người bạn, đồng thời là những nhà văn, nhà nghiên cứu nổi tiếng như nhà văn Châu Diên (Phạm Toàn), nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà văn Hoàng Quốc Hải… Nguyễn Xuân Khánh hiện diện trong mắt bạn bè là người hiền từ, hóm hỉnh, uyên bác.
Phần thứ hai là những đánh giá về văn nghiệp của Nguyễn Xuân Khánh hoặc bài phê bình trên từng tác phẩm riêng của ông. Ở đó là những đánh giá về Miền hoang tưởng, Chuyện ngõ nghèo, Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa, Mẫu Thượng Ngàn… qua ngòi bút của Nhị Ca, Lã Nguyên, Nguyên Ngọc, Hồ Anh Thái, Đỗ Hải Ninh…
Sự nghiệp Nguyễn Xuân Khánh trải dài ở lĩnh vực truyện ngắn, tiểu thuyết, dịch thuật, song tiểu thuyết lịch sử văn hóa là nơi ghi dấu chân ông vào lịch sử văn chương Việt.
“Những tiểu thuyết có khuynh hướng lịch sử văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh hấp dẫn ở những khảo tả mang dáng dấp những công trình nhân học văn hóa giàu chất văn chương, ở năng lực ghi nhận và thể hiện chính xác và sinh động phong tục và tập quán, ở sự chiêm nghiệm và diễn giải về đất nước và con người”, nhà phê bình Đoàn Ánh Dương nhận xét.
Đọc những tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, độc giả như tìm thấy hình bóng ông bà tổ tiên, thấy chiều sâu và bề dày của văn hóa dân tộc, nguồn cội của mình.
Sách Tiếng người trong văn. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Cái nhìn của Nguyễn Xuân Khánh về cuộc đời
Năm 2011, khi Nguyễn Xuân Khánh ra mắt Đội gạo lên chùa, ông đã ở tuổi 79. Thời đểm sách phát hành, ông nói đã dồn tất cả vốn sống và trải nghiệm của cuộc đời mình vào tác phẩm. Ông muốn khép lại sự nghiệp của mình bằng tiểu thuyết đồ sộ này, dù bạn đọc muốn ông viết tiếp.
Sau năm 2011, một số tiểu thuyết khác của Nguyễn Xuân Khánh được phát hành như Miền hoang tưởng, Chuyện ngõ nghèo, tuy nhiên đây đều là tác phẩm đã viết từ lâu của ông. Người đọc trông đợi Nguyễn Xuân Khánh viết tiếp về Hà Nội hoặc một cuốn hồi ký mà qua cuộc đời ông, có thể thấy được một giai đoạn văn chương Việt.
Với mong muốn của bạn đọc về một cuốn hồi ký, Nguyễn Xuân Khánh cho rằng ông cũng giống bao người vô danh ngoài dòng đời, đều góp phần làm nên lịch sử. Thay bằng việc kể về bản thân, ông có thể sẽ hoàn thiện một số chân dung bạn bè, đồng nghiệp.
Cuốn sách Tiếng người trong văn mà nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam thực hiện tập hợp các bài Nguyễn Xuân Khánh viết về bạn văn, người thân và một số chuyện liên quan các tác phẩm của ông.
Cuốn sách này được thực hiện để tri ân những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh. Ông là hiện thân cho tình yêu, lòng kiên trì và sự gắn bó sâu nặng với văn chương chữ nghĩa.
Đoàn Ánh Dương
Một số bài viết trong đó đã được ông hoàn thiện lúc cuối đời, như lời tâm sự, nụ cười hiền gửi tới những người mà vì họ cuộc sống của ông thêm đẹp, vui, ý nghĩa.
Nguyễn Xuân Khánh viết về Dương Tường, Châu Diên, Trần Dần, Đoàn Lê… Nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương nhận định qua việc Nguyễn Xuân Khánh phác thảo chân dung bạn bè, người đọc phần nào thấy hình bóng ông trong đó và thấy nhiều hơn về thế giới phong phú mà ta đang sống.
Về tổng thể, cuốn sách như một dạng hồi ký. Không chỉ có những người bạn nổi tiếng, tác giả Mẫu Thượng Ngàn viết về một ông anh họ, qua đó người đọc thấy được tuổi thơ của nhà văn. Ông viết về chuyện ở những trại sáng tác, chuyện ông đi dạy… giúp người đọc hiểu hơn về cuộc đời và quan niệm nhân sinh của ông.
Bà Ánh Ngân, biên tập viết cuốn sách, cho biết những bài viết được hình thành khi nhà văn đã chín muồi, vì thế có sự chín chắn khi ông nhìn lại một thời lịch sử đã qua. Dù cuộc đời gặp khúc quanh, nhưng lời kể của ông vẫn chân thành, cái nhìn nhân hậu.
“Tôi thích nhất ở ông là khi nhìn lại những gì đã qua, ông không chỉ trích, mà chỉ có cái nhìn minh triết về cuộc đời, rằng đời là thế, khốn khổ là vậy, có lúc bổng, lúc trầm, lúc bình yên. Cái nhìn ấy thể hiện tầm tư tưởng của Nguyễn Xuân Khánh”, biên tập viên Ánh Ngân nhận định.
Cả hai cuốn sách, dù là những đánh giá về con người, sự nghiệp Nguyễn Xuân Khánh hay những câu chữ ông viết ra, đều thể hiện sự tri ân của hậu thế với đóng góp của ông. Đó là sự tri ân với một nhà văn mang tình yêu, lòng kiên trì và sự gắn bó sâu nặng với chữ nghĩa.