Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

“Rừng sâu và những truyện ngắn khác" là tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, do NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành.

Không lâu sau khi nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời, NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành Rừng sâu và những truyện ngắn khác. Tập truyện như cách tưởng nhớ một cây bút có nhiều cống hiến cho văn chương Việt.

Giống như những tác phẩm: Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Hòn đất của Anh Đức hay Sống như anh của Trần Đình Văn, tập truyện ngắn này mang đầy đủ hơi thở của thời kì ấy, khi vừa thể hiện được tính chất cách mạng và con người mới một cách rõ ràng mà đầy dấu ấn.

Có thể thấy trong mỗi truyện ngắn của mình, cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đều mang đến cho người đọc những góc nhìn rất khác nhau về cuộc sống thời hậu chiến. Ông nêu bật được tinh thần thép và đức hy sinh của những con người mới ở thời điểm ấy.

Rung sau va nhung truyen khac anh 1

Tập truyện ngắn "Rừng sâu" và những truyện ngắn khác của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: Ngô Minh.

Những câu chuyện mang hơi thở của thời đại

Ở đó, họ có thể là những chiến sĩ đương đầu trực tiếp với cuộc chiến như cô Thủy, anh Kha, bác Thuần trong Ghi chép cửa Gianh - làng tôi đánh giặc mà cũng có thể là chị Duyên, anh Tân, cụ Móm, cụ Cát, chị Hai Cầu trong Những gốc đa đầu làng.

Nhà văn không chỉ khắc họa tính cách ấy của con người mới ở mọi lứa tuổi, mà còn mang đến người đọc những góc nhìn khác nhau ở hai tuyến hậu phương - tiền phương. Nếu những người tiền phương luôn tiên phong trong công cuộc giải phóng, những chiến sĩ ở hậu phương là nguồn động viên, an ủi rất lớn.

Chính ở đây, ông đã khắc họa một cách khéo léo tinh thần yêu lao động của những con người mới thời ấy. Chị Thịnh anh Tân là những con người sản xuất ra gang, nhưng trong những trận chiến ác liệt họ vẫn không bỏ những cứ điểm của mình. Hay như cư dâm xóm Hòa, cho dù bom nổ trên mảnh ruộng mệnh danh "Túi bom", họ vẫn lạc quan cày cấy để có những vụ mùa nặng trĩu, phục vụ cách mạng.

Sự hy sinh là một mặt khác luôn đi song hành cùng chiến thắng và những lý tưởng. Ta có thể thấy những người lính ấy bỏ lại đằng sau vai mình những tình cảm thầm kín - đó có thể là những lễ cưới vắng mặt, những căn bệnh sốt rét, sự cách xa gia đình hay những gia đình có những người con không bao giờ trở về.

Trong mỗi truyện ngắn của ông, bên cạnh cái khí thế hào hùng ấy, ta vẫn thấy đâu đó những khúc ca trữ tình rất văn, rất thơ và đầy hy vọng. Có những lúc ngay cả một người đàn ông cũng có thể rơi nước mắt vì gia đình mình, như anh An anh Vinh trong truyện Ngày mưa.

Nguyễn Xuân Khánh không miêu tả họ một cách rập khuôn theo nhân dáng mẫu của những anh hùng điển hình, mà mỗi người họ là một hạt nhân với những vệ tinh xung quanh, của những cảm xúc hỷ nộ ái ố rất riêng và đầy đồng cảm.

Giọng văn của ông cũng đồng thời mềm mại, uyển chuyển; để trên nền những tư tưởng mạnh mẽ lúc ấy, ta cũng thấy được những đẹp đẽ của tình người, những sẻ chia và luôn luôn tồn tại hy vọng.

Đó có thể là truyện ngắn Rừng sâu với hình ảnh hai cha con bác Tư canh giữ kho súng sau khi hy sinh nằm dưới tán hoa đỏ chót của vùng núi cao như một biểu trưng đẹp đẽ cho phẩm chất con người cách mạng.

Ở những thời khắc gian lao như thế, những tiếng đờn tài tử của bác Bầu Diều, những cành sim tím mà cô Oanh hái cho anh Lý… như tình cảm thầm kín, sự động viên giữa người với người cho cuộc trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi.

Rung sau va nhung truyen khac anh 2

Cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: Hà Thủy Nguyễn.

Tính sử thi trong truyện ngắn của Nguyễn Xuân Khánh

Trong số những tác giả, tác phẩm viết về thời kỳ này, Nguyễn Xuân Khánh là một ngoại lệ. Ông cân bằng được tính sử thi cần thiết và pha lẫn vào đó nét trữ tình vốn có của một tác phẩm văn chương, dẫu cho mục tiêu chính vẫn là phản ánh thời đại.

Tuy hai giai đoạn sau này là những hướng đi khác về mặt thể loại của ông, rõ ràng, đây vẫn là điểm nhấn đậm nét mà ta có thể thấy trong phong cách sáng tác của ông, mà có thể chỉ ông và riêng mình ông mới họa được nên những vẻ đẹp này, mà ta rất dễ thấy ở những truyện như Đường trên biển.

Phản ánh thời đại vẫn luôn được coi là một trong những điều tiên quyết của văn chương, hơn hết là khi đặt vào bối cảnh của một cuộc chiến rất ác liệt lúc bấy giờ. Ông không che đậy hay núp bóng, trong những sáng tác của mình ta vẫn thấy ông vạch trần cái xấu xa, cái ác; không phải với mục đích đấu tố, mà đó là tấm gương để mỗi nhân vật tự soi chiếu mình và nhìn lại mình.

Nếu bác sĩ Hy mang đậm chủ nghĩa cá nhân khi đưa cái riêng đặt trên cái tôi chung của một thời kỳ cần sự chung sức chung lòng, thì y tá Oanh lại là một con người ngược lại.

Tuy bị ràng buộc bởi mối quan hệ vợ chồng, với cô, tinh thần cách mạng là quan trọng nhất, từ đó những lạc hậu, thiếu kém hay thiên kiến được vạch trần rõ, cho thấy những lổ hỏng vẫn còn tồn tại.

Một trong những điều khác mà ta không thể không thấy là Nguyễn Xuân Khánh nêu lên rất rõ một niềm hy vọng. Không phải ngẫu nhiên ông đưa những đứa trẻ làm trung tâm chính của nhiều truyện ngắn. Ông coi chúng như những trụ cột của đất nước, mà như trong truyện Một chuyện ở Đô Lương, anh Năng cũng nói rất rõ về thế hệ này, về những con người sẽ tiếp nối cha ông và xây dựng một đất nước ngày một lớn hơn.

Thể loại phong phú mà ông sử dụng cũng là nét chấm phá chính để ta thấy hiện thực thời đấy hiện lên rõ ràng. Từ truyện ngắn, truyện vừa đến bút ký, ghi chép, nhật ký… mỗi một thể loại truyền tải được hầu hết nội dung mà nó vốn chứa, giúp người đọc tiếp cận sâu hơn và rõ ràng hơn những câu chuyện trong này.

Với lối viết giản dị, mộc mạc nhưng chân thật và đầy cảm xúc, có thể nói “Rừng sâu" và những truyện khác là đỉnh cao sáng tác của thời kì hậu chiến, khi chiến tranh mới vừa nqua đi và những con người mới xã hội chủ nghĩa vừa đứng lên từ đống tro tàn.

Kết hợp nhuần nhuyễn giữa sự quan sát tinh tế cũng như yếu tố trữ tình cần có của các tác phẩm văn chương, cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã để lại một dấu ấn đậm nét, mà khi nhắc đến những tác phẩm viết về thời kì đầy gian khó này, ta không thể quên.

Nửa thế kỷ sáng tác của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có hơn 5 thập niên sáng tác văn học và để lại nhiều tác phẩm nổi bật như "Đội gạo lên chùa", "Hồ Quý Ly", "Mẫu Thượng ngàn".

Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm