Bạn trẻ tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Thanh Trần. |
Sau hai năm gián đoạn vì dịch Covid-19, sáng ngày 10/1 Hội Nhà văn TP.HCM đã có buổi gặp gỡ để tổng kết hoạt động, trao giải thưởng văn học cho năm 2022 và kết nạp Hội viên mới.
Trẻ hóa độ tuổi sáng tác và đưa văn học Việt ra thế giới
“Trẻ hóa độ tuổi sáng tác là một nhiệm vụ rất cấp thiết, không chỉ đối với Hội Nhà văn TP.HCM mà còn đối với Hội Nhà văn Việt Nam”, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - khẳng định.
Theo bà, hiện tại khoảng 3/4 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở độ tuổi trên 65 và chỉ khoảng 90/1.000 nhà văn là dưới 50 tuổi. "Rất nhiều nhà văn đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp văn chương, vì thế cần có một đội ngũ trẻ dần dần thay thế và tiếp nối thế hệ nhà văn đi trước”, bà chia sẻ.
Để đạt được mục tiêu đó, từ năm 2021, Hội Nhà văn TP.HCM đã dành riêng một trại sáng tác cho các tác giả trẻ và được duy trì hàng năm nhằm tìm kiếm và bồi dưỡng những cây viết trẻ. Trại sáng tác trẻ đầu tiên được tổ chức tại nhà sáng tác Đà Lạt bao gồm nhiều hoạt động như tổ chức buổi tọa đàm, mời các dịch giả, tác giả nổi tiếng trên thế giới đến trao đổi và chia sẻ về công việc sáng tác…
“Có thể thấy điểm nổi bật trong năm 2022 của Hội Nhà văn TP.HCM đó là sự chú trọng vào công tác chuyên môn của nhà văn với những cuộc thi, ra mắt sách, các hoạt động sáng tác và đặc biệt là mọi hoạt động đều hướng đến các hội viên trẻ. Đó là một hướng hoạt động rất hay để hội viên có điều kiện đi nhiều và sáng tác nhiều”, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh nhận xét.
Năm 2022 cũng đánh dấu lần đầu tiên sau 40 năm thành lập, Hội Nhà văn TP.HCM có Hội đồng văn học dịch. Theo nhà văn Bích Ngân, tuy hội đồng chỉ mới hoạt động được vài tháng nhưng đã có được những tín hiệu tốt. Trong số những hội viên mới được kết nạp của Hội Nhà văn TP.HCM có 6 hội viên là dịch giả.
“Đây là một tin rất vui vì năm trước chỉ có 2 dịch giả, những năm trước nữa hầu như không có dịch giả nào. Đây là bước đầu tiên trên một hành trình dài và gian nan hơn đó là giới thiệu những tác phẩm văn học của TP.HCM và Việt Nam ra thế giới”, bà chia sẻ.
Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - tổng kết lại hoạt động trong năm 2022 và nêu định hướng, kế hoạch cho 2023. Ảnh: Thanh Trần. |
Định hướng phát triển năm 2023
Bước sang 2023, Hội Nhà văn TP.HCM xác định mục tiêu hoạt động xuyên suốt của năm là khuyến khích các sáng tác đậm chất văn chương, giàu giá trị nhân văn; chú trọng viết về cuộc sống, ưu tiên các hoạt động về chuyên môn nghề nghiệp nhằm từng bước nâng cao chất lượng nghệ thuật, hướng đến tính chuyên nghiệp trong sáng tạo.
Bên cạnh đó, nhà văn Bích Ngân cũng khẳng định việc tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ viết trẻ là trách nhiệm của từng thành viên Ban chấp hành, nhằm xây dựng một đội ngũ tác giả trẻ có khả năng văn chương. Đồng thời cũng cần quan tâm đặc biệt đến mảng văn học dịch và đội ngũ dịch giả tại TP.HCM.
Ngoài ra, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đặt mục tiêu phát triển trang web riêng trong năm 2023. Trong thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hội Nhà văn TP.HCM đã cho ra mắt trang web riêng là “Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh”.
Theo nhà văn Bùi Anh Tấn, kể từ khi đi vào hoạt động chính thức, trang web Hội nhà văn TP.HCM phát huy mạnh mẽ vai trò truyền tải thông tin, kết nối những cây viết, kết nối bạn đọc. Trang web cũng góp phần lan tỏa các cuộc thi của Hội đến người viết, người đọc cả nước. Trang thông tin điện tử của Hội đã có trên 3 triệu lượt truy cập.