Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự ra đời của truyền hình điện tử

Hai nhà tiên phong chính của truyền hình điện tử là Shoenberg và Zworykin đều sinh ra ở Nga. Chính Zworykin là người đã phát triển thành công ống máy quay đầu tiên.

Truyền hình điện tử đã thay đổi cách giải trí của con người. Tranh trong sách.

John Logie Baird đã rất nỗ lực và dành sự quan tâm cho truyền hình. Ông dùng một đĩa quay để quét ánh sáng đèn lên đối tượng được truyền hình, với một đĩa khớp ở phía đầu nhận. Hệ thống cơ học này không thể tạo ra hình ảnh đủ tốt để cạnh tranh với thiết bị điện tử.

Thứ bảy, ngày 30 tháng 1 năm 1937 là một ngày buồn đối với nhà tiên phong trong lĩnh vực truyền hình người Scotland John Logie Baird. Đó là khi Tập đoàn Phát thanh truyền hình Anh (BBC) từ bỏ hệ thống truyền hình cơ học của ông, với bánh xe quay và hóa chất lộn xộn. Ông đã đi một chặng đường dài kể từ những thử nghiệm đầu tiên với tivi vào năm 1923, nhưng như thế vẫn chưa đủ xa. Giấc mơ của ông đã kết thúc.

Tương lai chính là điện tử. Ba tháng trước, ngày 2 tháng 11 năm 1936, BBC bắt đầu dịch vụ phát sóng truyền hình công cộng thường xuyên với độ nét cao đầu tiên trên thế giới. Luân phiên mỗi tuần, họ sử dụng hai bộ thiết bị khác nhau. Ý định của họ là thử nghiệm hai hệ thống đối thủ. Một là của Baird; còn lại là của một nhóm tại công ty Công nghiệp Điện và Nhạc (EMI) do kỹ sư gốc Nga Isaac Shoenberg dẫn đầu.

Hệ thống EMI hoàn toàn điện tử đã dễ dàng giành chiến thắng. Hình ảnh sắc nét hơn, máy quay cơ động hơn, đáng tin cậy hơn và chi phí thấp hơn. Nói chung, trừ vài thứ vụn vặt ra thì đó là hệ thống chúng ta sử dụng ngày nay.

Truyen hinh dien tu anh 1

Máy thu hình đầu tiên của Anh rất đắt tiền, chỉ hoạt động ở London và có một kênh duy nhất. Nhưng đó chính là khởi đầu của một thứ lớn lao. Ảnh trong sách.

Nhóm của Shoenberg đã được thành lập 5 năm trước đó. Họ đã làm việc với tốc độ đáng nể, nhưng không phải là những người đầu tiên nghiên cứu về truyền hình hoàn toàn điện tử. Ở phía bên kia Đại Tây Dương, một nhà tiên phong đơn độc tên là Philo T Farnsworth đã bắt đầu nghiên cứu “máy tách hình ảnh” điện tử của mình từ năm 1926.

Ông có buổi trình diễn đầu tiên về truyền hình điện tử vào năm 1934. Thật không may, máy quay của ông cần quá nhiều ánh sáng và nỗ lực của ông đi vào ngõ cụt.

Truyền hình hiện đại mang ơn một kỹ sư khác nhiều hơn, đó là Vladimir Zworykin, một người Mỹ gốc Nga. Ông là người đầu tiên tiếp nhận đề xuất do kỹ sư người Scotland Alan Campbell Swinton đưa ra vào năm 1908, rằng một ống tia âm cực có thể tạo ra cũng như hiển thị hình ảnh.

Năm 1929, Zworykin phụ trách phát triển truyền hình tại công ty điện tử Radio Corporation of America RCA. Đến năm 1931, ông và nhóm của mình đã chế tạo thành công ống phát hình điện tử đầu tiên, Iconoscope. Nhóm Shoenberg sau đó đã sử dụng ý tưởng cơ bản của Zworykin để phát triển ống Emitron của riêng họ, hình thành nên trái tim của các máy quay mà họ thiết kế cho BBC.

Ngày 1 tháng 9 năm 1939, khi chiến tranh bùng nổ ở châu Âu, dịch vụ truyền hình BBC bị đóng cửa. Chỉ bốn tháng trước đó, dịch vụ truyền hình thông thường đầu tiên của Mỹ đã khai trương khi Công ty Phát thanh Quốc gia (NBC) phát sóng lễ khai mạc Hội chợ Thế giới New York. Zworykin, Shoenberg cùng một loạt kỹ sư và những người đam mê khác cuối cùng đã biến giấc mơ truyền hình thành hiện thực.

Truyền hình thông thường ở Mỹ khởi đầu muộn hơn Anh, nhưng mở rộng nhanh chóng hơn. Phòng thu của Công ty Phát thanh Quốc gia trong bức ảnh năm 1939 này, do RCA trang bị, đã tiếp tục cuộc hành trình từ nơi BBC phải dừng lại vì chiến tranh.

Roger Bridgman / Zenbooks và NXB Dân trí

SÁCH HAY