Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn nào của Việt Nam xứng đáng được giải Nobel

Nobel là giải thưởng danh giá. Trong lịch sử 121 năm, đã có 43 quốc gia có nhà văn được giải Nobel Văn học. Đâu là cơ may để các nhà văn Việt Nam có cơ hội được lựa chọn?

Ba nhà văn Việt giàu thành tựu, từ phải qua: Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Quang Thiều, Bảo Ninh.

Theo di chúc của Alfred Nobel, Giải Nobel Văn học được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao từ năm 1901. Viện Hàn lâm Thụy Điển được thành lập vào năm 1786 bởi Vua Thụy Điển Gustav III. Viện Hàn lâm bao gồm 18 thành viên có nhiệm kỳ trọn đời. Được biết đến với cái tên “De Aderton” (Mười tám). Viện Hàn lâm Thụy Điển chịu trách nhiệm lựa chọn những người đoạt giải Nobel văn học, Hội đồng Nobel Văn học là cơ quan làm việc đánh giá các đề cử và trình bày các khuyến nghị của mình cho Viện Hàn lâm Thụy Điển. Hội đồng Nobel bao gồm từ bốn đến năm thành viên, được bầu từ các thành viên Viện Hàn lâm với nhiệm kỳ ba năm.

Quy trình đề cử và lựa chọn

Muốn lọt vào danh sách ứng viên giải thưởng, nhà văn cần phải được đề cử với Hội đồng Nobel Văn học. Vào tháng 9, Ủy ban sẽ gửi thư mời đến những người đủ tiêu chuẩn để đề cử Giải Nobel Văn học.

Năm 2021, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thông báo ông nhận được thư mời đề cử giải Nobel. Vậy những ai đủ tiêu chuẩn để đề cử giải Nobel? Sự thực là một quy trình chặt chẽ để tuyển lựa những người được mời đề cử, tức là những người muốn đề cử cũng phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định.

Nobel Van hoc anh 1

Quy trình chọn giải Nobel Văn học. Việt hóa: Hà Chi.

Theo quy định của Hội đồng giải Nobel thì những người có quyền gửi đề cử giải Nobel Văn học sẽ thuộc một trong bốn nhóm:

1. Các thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển và của các học viện, tổ chức và xã hội khác tương tự nó về xây dựng và mục đích;

2. Giáo sư văn học và ngôn ngữ học tại các trường đại học và cao đẳng đại học;

3. Những người từng đoạt giải Nobel Văn học;

4. Chủ tịch các hiệp hội văn bút, hội nhà văn đại diện cho văn đàn ở các quốc gia.

Việc ông Nguyễn Quang Thiều đương nhiệm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận được thư mời đề cử của Hội đồng Nobel là điều không mới lạ. Chủ tịch Hội Nhà văn sẽ là người đưa ra những cái tên ứng viên cho Hội đồng Nobel để hội đồng tuyển chọn.

Các ứng cử viên đủ điều kiện cho giải thưởng Nobel Văn học là những nhà văn được đề cử bởi những người đủ tiêu chuẩn đề cử, những người đã nhận được thư mời đề cử từ Hội đồng Nobel. Mỗi năm, có hàng nghìn thư đề nghị đề cử được gửi đi và chỉ nhận lại khoảng 50 đề cử phản hồi. Những người trong bốn nhóm đủ tiêu chuẩn để đề cử trên nhưng chưa nhận được thư mời cũng có thể chủ động gửi đề cử. Nhưng không ai có thể tự đề cử chính mình.

Quy chế của Quỹ Nobel hạn chế tiết lộ thông tin về các đề cử, dù công khai hay riêng tư, thời hạn bảo mật là 50 năm. Các hạn chế này bao gồm thông tin về người đề cử, người được đề cử, các cuộc điều tra, tìm hiểu và ý kiến ​​liên quan đến việc trao giải thưởng.

Như vậy, theo quy chế trao giải Nobel văn học, ngoài ông Nguyễn Quang Thiều, chúng ta vẫn có nhiều người có thể được phép đề cử ứng viên cho giải Nobel. Các giáo sư Văn học, Ngôn ngữ học tại các trường đại học của Việt Nam hoàn toàn có đủ thẩm quyền để làm công việc này.

Câu hỏi đặt ra ở đây là sẽ đề cử ai?

Cơ hội nào cho nhà văn Việt Nam?

Dĩ nhiên ai cũng có lựa chọn cho riêng mình. Nhưng hội đồng xét giải sẽ phải đọc toàn bộ tác phẩm của nhà văn ấy và chắc hẳn Hội đồng Nobel khó đọc được văn chương viết bằng tiếng Việt. Vậy muốn được giải, trước hết phải có tác phẩm văn học Việt Nam dịch ra tiếng Anh và các ngôn ngữ thông dụng khác.

Đến bước này, chúng ta đã có thể loại bớt nhiều cái tên.

Trước tiên cần phải nhắc tới thi hào Nguyễn Du và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - hai tác giả có tác phẩm được dịch nhiều nhất trên văn đàn. Tuy nhiên, cả hai đều đã qua đời mà giải Nobel chỉ trao cho tác giả còn đang sống.

Một cái tên được nhiều người ca tụng, xứng đáng đề cử giải Nobel của Việt Nam là Bảo Ninh. Cho đến thời điểm này, người ta vẫn gọi “Bảo Ninh, nhà văn có một tác phẩm”. Với Nỗi buồn chiến tranh ông vẫn xứng ngôi vị chủ soái về tiểu thuyết trên văn đàn Việt, tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được các nhà phê bình ca tụng.

Ngoài Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh cũng có một số truyện ngắn gây ấn tượng mạnh với người đọc như: Trại bảy chú lùn, Gió dại… Nhưng Nobel văn học là giải trao cho văn nghiệp chứ không trao cho một tác phẩm nào. Với một tác phẩm tiểu thuyết như thế, liệu Bảo Ninh được Hội đồng Nobel đánh giá ra sao?

Một cái tên khác đáng lưu ý - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Thơ của ông được Martha Collins và Bruce Weigl dịch nhiều sang tiếng Anh. Trong thời gian gần đây, ông vẫn tiếp tục sáng tác, trường ca thơ Slaughterhouse gây ấn tượng mặc dù tập thơ này chưa được xuất bản ở Việt Nam. Nhưng có lẽ số lượng dịch chừng đó là chưa đủ, và việc dịch chưa đủ tập trung và đầu tư, chưa đủ sự quảng bá.

Nhưng nếu nói tới nhà thơ được đầu tư bài bản, chất lượng dịch ổn, phải kể đến tên Mai Văn Phấn. Ông được xem là gương mặt thơ ca tiêu biểu của Việt Nam trong 20 năm qua bởi những cố gắng cách tân không mệt mỏi. Mai Văn Phấn đang hướng đến một giọng thơ dựa trên thẩm mỹ quan cá nhân độc lập. Cảm quan thơ ca của ông chỉ ra tính bất khả xâm phạm của đời sống.

Thơ Mai Văn Phấn được dịch sang 24 ngôn ngữ, xuất hiện trong hơn 50 tuyển tập thơ và tạp chí quốc tế. Có thể thấy Mai Văn Phấn là người nỗ lực không mệt mỏi trong việc giao lưu và hệ thống sự nghiệp thi ca của mình một cách bài bản. Cho đến hiện tại, nếu chỉ xét thuần túy về các điều kiện cơ bản, có lẽ Mai Văn Phấn là cái tên xứng đáng được đề cử giải Nobel nhất của văn đàn trong nước.

Nguyễn Bình Phương - nhà văn được coi là hàng đầu hiện nay, với số lượng công trình đồ sộ. Tiếc nỗi, tác phẩm của ông chưa được dịch nhiều ra tiếng nước ngoài, mặc dù nhiều tác phẩm của ông về thủ pháp viết sánh cùng nhiều tác phẩm đương đại trên thế giới. Lấy ví dụ, nếu so với nhà văn Olga Tokarczuk, người đoạt giải Nobel 2018, về thủ pháp phân mảnh có nhiều điểm tương đồng, trong khi đó tác phẩm của Nguyễn Bình Phương còn xuất bản trước.

Nhưng cũng có thể "bụt chùa nhà không thiêng", các nhà phê bình đang mê mải với các tác phẩm đoạt giải Nobel Văn học nên hẳn chưa chú ý đến việc so sánh thủ pháp của hai nhà văn này chăng? Nếu văn chương của Nguyễn Bình Phương được dịch ra tiếng Anh thì đây sẽ là một cái tên sáng giá cho các đề cử giải Nobel Văn học. Nhưng ở điều kiện hiện nay, tác phẩm được dịch ít, đồng nghĩa với cơ hội chưa nhiều.

Nobel Van hoc anh 2

Huy chương Nobel. Ảnh: BBC.

Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài

Tại sao văn chương nước ta, khi cần một cái tên đưa ra quốc tế lại khó khăn đến thế? Bởi thực tế là phần nhiều các tác phẩm dịch của văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài chỉ mang nặng tính ngoại giao văn hóa, văn học nghệ thuật hơn là do tự thân chất lượng văn học của tác phẩm.

Các tác phẩm có giá trị chưa được đầu tư đúng đắn để dịch và quảng bá ra thế giới, văn học Việt cũng chỉ là áo gấm đi đêm mà thôi. Công tác quảng bá văn học Việt Nam ra quốc tế cần được đầu tư và thực hiện hiệu quả hơn, để tương xứng với sự phát triển và thành quả của văn học Việt Nam.

Với các tác phẩm văn chương không phải là ngôn ngữ phổ biến, làm cách nào để có thể được dịch và thu hút sự chú ý của văn đàn thế giới?

Thường các nhà xuất bản sẽ làm công việc tự quảng bá, họ sẽ dịch vài trang, tóm tắt tác phẩm, giới thiệu tác giả và gửi đi chào mời các đối tác trên thế giới. Các nhà xuất bản đối tác nếu quan tâm, sẽ đặt vấn đề mua tác quyền, tổ chức dịch thuật, in ấn và phát hành. Các nhà xuất bản khi bán sách dịch sẽ thu được lợi nhuận xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Bên cạnh đó, nhà văn được chọn đã có được một tác phẩm dịch ra tiếng nước ngoài, thường là ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc…

Tuy nhiên với các nền văn học thiểu số thì cơ hội này gần như không có. Bởi các nhà xuất bản đối tác cũng không nhìn thấy lợi nhuận xứng đáng để họ phải đầu tư vào các khâu tốn kém: mua bản quyền, tổ chức dịch thuật, in ấn. Hệ quả tất yếu là các tác phẩm văn học Việt sẽ mất toàn bộ cơ hội được dịch ra tiếng nước ngoài.

Như vậy chúng ta cần chủ động sử dụng các nguồn lực trong nước để dịch các tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài. Việc dịch thuật có hệ thống và quảng bá bài bản cần một lượng kinh phí lớn, và tổ chức bài bản. Bài toán này tất nhiên phải nhờ đến vai trò điều phối của nhà nước và hội nhà văn để quảng bá được văn học Việt Nam ra thế giới, trước khi nhắm đến mục tiêu to tát hơn là giải Nobel văn học.

Nobel Văn học được chọn lựa kỹ càng hay chỉ là quay số trúng thưởng

Ở một khía cạnh nào đó, chính sự không nổi tiếng của các tác gia đoạt giải Nobel đã làm gia tăng sự phong phú và đa dạng của văn học thế giới.

Phần thưởng cho những nhà xuất bản hết lòng với văn chương

Seven Stories Press, Fitzcarraldo là những nhà xuất bản in sách của Annie Ernaux từ khi bà chưa nổi tiếng ở Anh, Mỹ. Sau giải Nobel, họ có thể thu quả ngọt.

Co giao 'cham sach' hinh anh

Cô giáo 'chạm sách'

0

“Chạm sách” là hoạt động khuyến khích học sinh trường THPT Hòa Ninh (Long Hồ, Vĩnh Long) đọc sách, yêu quý sách do thạc sĩ Văn học nước ngoài Trần Huỳnh Nhị chủ trương.

Lam sao de co duoc nang luc lam Dan hinh anh

Làm sao để có được năng lực làm Dân

0

Không ai sinh ra đã là con người đúng nghĩa. Tương tự vậy, để trở thành một công dân biết làm “đúng việc” của mình, mỗi người cũng cần phải trải qua một hành trình khai minh để hiểu “làm dân” nghĩa là gì và trang bị cho mình những năng lực cần thiết để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đó. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Hà Chi

Bạn có thể quan tâm