Chuyên gia cho rằng cần để thị trường xăng dầu tự vận hành và điều tiết theo nguyên tắc cạnh tranh. Ảnh: T.L. |
Năm nay, Bộ Công Thương dự báo tổng nguồn cung tối thiểu xăng dầu các loại là gần 28,42 triệu m3/tấn. Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công Thương, cho biết con số này căn cứ kết quả nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu năm 2023; đăng ký cho năm 2024 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; khả năng nhập khẩu, pha chế, mua từ nguồn sản xuất trong nước của doanh nghiệp.
Theo ông Chinh, giá xăng dầu trong nước đang chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: Mỏ dầu Sharara của Libya, công suất 300.000 thùng/ngày ngừng sản xuất làm gia tăng lo ngại căng thẳng Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu, các cuộc tấn công tàu trên Biển Đỏ chưa dừng lại, trong khi các quốc gia OPEC+ xem xét cắt giảm sản lượng dầu.
Bộ Công Thương đưa ra mức dự báo “an toàn” và “phù hợp” với mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5% năm 2024, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu giá cả và thị trường, Bộ Tài chính, trao đổi với Tri Thức - Znews. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là “xác định nguồn cung” để đảm bảo không thiếu hụt xăng dầu trong năm nay như Thủ tướng yêu cầu.
Theo Bộ Công Thương, năm 2023, tổng nguồn xăng dầu các loại nhập khẩu, mua từ nguồn sản xuất trong nước và pha chế ước khoảng 26,02 triệu m3/tấn, sản lượng nhập khẩu xăng dầu các loại ước khoảng 10,2 triệu m3/tấn.
Việt Nam đang sở hữu hệ thống kinh doanh xăng dầu đa tầng, với doanh nghiệp đầu mối, phân phối và bán lẻ. Việc thương nhân đầu mối đặt ra yêu cầu phải có hệ thống bán lẻ là không hợp lý. Khi nguồn cung căng thẳng, các đơn vị này sẽ chỉ ưu tiên bán lẻ và bỏ qua các cửa hàng ngoài hệ thống.
TS Ánh quan ngại chính sách về chiết khấu và mục tiêu đảm bảo nguồn cung đầy đủ có thể dẫn đến “phân biệt đối xử” giữa bán lẻ trong và ngoài hệ thống của doanh nghiệp đầu mối.
Trước đó, những bất cập trong quy định về chiết khấu cũng là lý do chính dẫn đến những bất thường trên thị trường xăng dầu năm 2023 và đứt gãy chuỗi cung trong năm 2022.
“Cái gốc của vấn đề là Nhà nước phải tạo ra thị trường xăng dầu thực sự, để thị trường tự vận hành và điều tiết theo nguyên tắc cạnh tranh”, TS Ánh nói. Đầu tiên là thống nhất về quản lý Nhà nước, chuyển toàn bộ quản lý giá xăng dầu, quản lý dự trữ xăng dầu về Bộ Công Thương.
Theo TS Ánh, một thị trường cạnh tranh chỉ được tạo ra khi nhà Nước giao chỉ tiêu tối thiểu nhập khẩu xăng dầu cho thương nhân đầu mối, không can thiệp vào giá nhập khẩu, khối lượng nhập khẩu hay mua lại bao nhiêu từ các nhà máy trong nước.
Ông cho rằng nếu sắp xếp lại hệ thống, tạo cạnh tranh giữa các đầu mối, giá đầu vào sẽ giảm xuống mức thấp nhất, qua đó giảm được giá đầu ra và kiểm soát chi phí. Muốn vậy, thương nhân phân phối phải cạnh tranh để tạo ra lớp thương nhân đầu mối có thể mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp. Tương tự, tách rời thương nhân bán lẻ, tránh tạo ra độc quyền nhóm, vốn là nút thắt của ngành xăng dầu.
Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng dự trữ xăng dầu chiến lược để ứng phó tình huống khẩn cấp và trấn an tâm lý người dân trong khủng hoảng, tương tự cách Mỹ đã làm nhiều năm qua. “Chúng ta có thể mua vào ở thời điểm giá thấp, đưa ra khi giá thế giới bất ổn, giá tăng đột biến, để đảm bảo nguồn cung”, ông Ánh nói.
Tại Việt Nam, theo TS Ánh, Quỹ bình ổn giá đã làm “méo mó” thị trường xăng dầu, khi doanh nghiệp nắm giữ nguồn tiền từ trích lập bình ổn giá, nhưng việc sử dụng lại do cơ quan Nhà nước quyết định. Điều này, hoàn toàn mâu thuẫn với nguyên tắc thị trường và quản lý Nhà nước.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.