Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Trao 'cần câu thay con cá', Bình Dương giúp người dân thoát nghèo

Nhiều người nghèo, người khuyết tật được tỉnh Bình Dương hỗ trợ kinh phí học nghề. Nhờ vậy, họ có việc làm ổn định, đủ thu nhập chăm lo cho bản thân và gia đình.

Binh Duong anh 1

"Nhà nghèo, một mình mẹ gồng gánh lo kinh tế nên tôi đã nghỉ học từ lớp 10. May mắn được hỗ trợ học nghề, bây giờ tôi đã có việc làm, có thể lo cho gia đình có cuộc sống tốt hơn", anh Trần Ngọc Thịnh (20 tuổi, ngụ huyện Dầu Tiếng) chia sẻ về cơ duyên đến với nghề sửa chữa ôtô.

Chàng trai này là một trong 57 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật được hỗ trợ kinh phí học nghề theo mô hình “Dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người nghèo dựa vào cộng đồng” của tỉnh Bình Dương. Với những mô hình hay, cách làm hiệu quả, Bình Dương đã hỗ trợ nhiều người thoát nghèo bền vững.

Người thất nghiệp thoát nghèo

Ngọc Thịnh kể vào tháng 7/2018, nắm bắt sở thích của cậu, các cán bộ địa phương đã kết nối anh với chủ garage Minh Thành để học nghề sửa chữa ôtô.

Cậu thanh niên từ việc chưa có kiến thức gì về ôtô đã được tạo điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại garage, học từng thao tác, kỹ thuật sửa chữa và thực hành trực tiếp trên ôtô. Sau khi lành nghề, Thịnh được nhận lại cơ sở làm việc với mức lương 10 triệu đồng/tháng, tay nghề ngày càng vững hơn.

Giống như Thịnh, chị Nguyễn Thị Thanh Huệ (35 tuổi, ngụ huyện Phú Giáo) cũng có cuộc sống chạy ăn từng bữa khi nghề cạo mủ cao su bấp bênh, lại phải gồng gánh nuôi 3 con ăn học. Từ khi được hỗ trợ học nghề lái ôtô, người phụ nữ này vay mượn thêm để mua xe tải cũ làm phương tiện nhận chở thuê hàng hóa cho người dân trong vùng.

Hiện nay thu nhập của chị Huệ luôn duy trì ở mức 6-8 triệu đồng/tháng, đủ điều kiện để chăm lo cho các con. Mức thu nhập của chị Huệ cao hơn gần 4 lần so với chuẩn nghèo chung của tỉnh, ở mức 2,1 triệu đồng/người/tháng.

Binh Duong anh 2

Người lao động làm việc trong một công ty gỗ tại Bình Dương. Ảnh: Hoàng Giám.

“Thời gian đầu, khi học lý thuyết về luật giao thông đường bộ, thực hành lái xe tôi từng muốn bỏ cuộc vì vượt quá khả năng. Nhờ sự động viên, khuyến khích của chính quyền địa phương, tôi đã được nhận được bằng lái ôtô như mình mong ước. Có một nghề trong tay đã giúp tôi thay đổi cuộc sống”, chị Huệ cho biết.

Mô hình dạy nghề trên được triển khai thí điểm lần đầu tiên vào năm 2018, tại huyện Dầu Tiếng, sau đó tiếp tục nhân rộng ra TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, thị xã Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo.

Người nghèo phải được thực học, thực làm thì mới có thể thay đổi số phận.

Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh - Xã hội Bình Dương Hà Minh Trung

Trao đổi với Zing, ông Hà Minh Trung, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh - Xã hội Bình Dương, thông tin những người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, còn khả năng lao động, có mong muốn tìm việc làm sẽ được địa phương lập danh sách đề xuất lên sở.

Thay vì đủ số lượng học viên mới mở lớp dạy nghề, chính quyền cấp kinh phí để mỗi người tự học theo nguyện vọng cá nhân, với đủ các nghề như sửa xe máy, ôtô, trang điểm, làm tóc, chụp hình,...

Kinh phí được địa phương hỗ trợ là 10 triệu đồng/người, số tiền còn thiếu sẽ vận động xã hội hóa. Sau học nghề, chính quyền tiếp tục hỗ trợ cấp phương tiện sản xuất để người lao động có thể hành nghề. Nếu cần nhiều vốn hơn để lập nghiệp, những người học nghề có thể vay ngân hàng chính sách với lãi suất ưu đãi.

"Chúng tôi quan niệm phải trao được cần câu thay vì trao con cá. Người nghèo phải được thực học, thực làm thì mới có thể thay đổi số phận", ông Trung bày tỏ.

Trao cần câu cơm

Vị đại diện Sở Lao động Thương binh - Xã hội Bình Dương đánh giá ưu điểm của mô hình là luôn động viên, khuyến khích người học đến khi thành nghề. Họ được cầm tay chỉ việc, va chạm thực tế nên dễ nâng cao tay nghề. Trong thời gian đó, cán bộ phụ trách sẽ thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn để người học không bỏ học giữa chừng.

Ngoài ra, ông Trung cho hay mô hình này nhận được sự hỗ trợ lớn từ cộng đồng. Nhiều cơ sở dạy nghề chủ động giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn để người nghèo yên tâm học tập mà không áp lực tài chính. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nhận người học ở làm việc nếu đạt yêu cầu.

Binh Duong anh 3
Bình Dương xây dựng nhiều khu nhà ở cho người thu nhập thấp. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thành lập tỉnh từ năm 1997, Bình Dương khi đó là một tỉnh thuần nông với gần 1.000 hộ thiếu đói, 14.662 hộ nghèo, chiếm tới 12% dân số.

Sau 25 năm chia tách, địa phương này đã có sự phát triển đột phá về kinh tế. Từ đó đến nay, tỉnh đã 9 lần xây dựng chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo chung của Trung ương. Điều này đồng nghĩa Bình Dương không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.

Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Bình Dương khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026) vào tháng 7 vừa thông qua Nghị quyết Quy định chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2025.

Trong đó, nâng mức chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn từ 1,5 triệu đồng/người/tháng lên 2,1 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị từ 2 triệu đồng/người/tháng lên 2,6 triệu đồng/người/tháng. Con số này cao hơn mức chuẩn của Trung ương gần 1,4 lần.

Dự kiến, khi thực hiện nghị quyết này, tỉnh tăng lên khoảng 8.000 hộ nghèo và 5.000 hộ cận nghèo. Ngân sách tỉnh phải chi cho an sinh xã hội tới năm 2025 là hơn 140 tỷ đồng, tăng thêm hơn 78 tỷ đồng so với thực hiện mức chuẩn nghèo Trung ương.

"Chuẩn nghèo nâng lên thì số hộ nghèo sẽ tăng. Điều này vừa là áp lực cũng là động lực để địa phương dành nguồn lực nhiều hơn cho công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân", ông Trung nhận định.

Trước sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, cùng với đó là những thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương xác định: Không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với tầm nhìn đó, tỉnh Bình Dương đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.

Những cuốn sách hay về miền Nam

Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.

Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.

Bình Dương chi trợ cấp qua ngân hàng, dùng căn cước thay thẻ bảo hiểm

Bình Dương đang nỗ lực chạy nước rút để hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án 06. Từ đầu năm 2023, 45.000 người có công, bảo trợ xã hội sẽ được chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt.

Anh Nhàn

Bạn có thể quan tâm