Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bình Dương chi trợ cấp qua ngân hàng, dùng căn cước thay thẻ bảo hiểm

Bình Dương đang nỗ lực chạy nước rút để hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án 06. Từ đầu năm 2023, 45.000 người có công, bảo trợ xã hội sẽ được chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt.

an sinh xa hoi anh 1

Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) đang được Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương thực hiện quyết liệt.

Trong những ngày cuối năm 2022, các sở, ngành tại Bình Dương đang triển khai "cao điểm 45 ngày đêm" để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ của đề án này.

Chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt

Trong đợt này, Bình Dương chọn Sở Lao động, Thương binh và Xã hội làm đơn vị chủ điểm triển khai "cao điểm 10 ngày đêm" thực hiện xác thực cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt cho 45.000 người diện có công và bảo trợ xã hội trên địa bàn.

Đến ngày 1/1/2023, người có công và bảo trợ xã hội sẽ được chi trả trợ cấp qua ngân hàng thay vì nhận tiền mặt.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương Trịnh Đức Tài

Trao đổi với Zing, ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, nhìn nhận người có công và bảo trợ xã hội thường đang được chi trợ cấp thường xuyên hàng tháng. Những người này đi lại khó khăn, nên việc chi trả trợ cấp qua tài khoản giúp họ tiết kiệm được thời gian, công sức. Phía cơ quan quản lý cũng thuận tiện hơn khi thống nhất được cơ sở dữ liệu.

“Đến ngày 1/1/2023, lần đầu tiên kể từ khi thành lập tỉnh, người có công và bảo trợ xã hội sẽ được chi trả trợ cấp qua ngân hàng thay vì nhận tiền mặt”, ông Tài nói.

Người đứng đầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết từ nay đến hết năm 2022, sở sẽ cung cấp cho ngân hàng danh sách người có công, bảo trợ xã hội và người nhận ủy quyền giám hộ sau khi đã hoàn thành việc đối chiếu, xác thực của công an. Ngoài ra, 4.000 người khiếm thị, khuyết tật, không có khả năng nhận qua tài khoản ngân hàng, không có người ủy quyền hoặc giám hộ vẫn được chi trả bằng tiền mặt qua bưu điện.

an sinh xa hoi anh 2

Người dân Bình Dương có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip thay thế bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh. Ảnh: Phạm Ngôn.

Với công tác chuyển đổi số trong ngành y tế, Sở Y tế đã tiếp nhận 5 thiết bị đọc mã vạch 2D và bàn giao cho bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế thành phố Thuận An, Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc. Người dân khi tới các cơ sở y tế trên khám bệnh chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế bảo hiểm y tế.

Có hơn 1,3 triệu thẻ bảo hiểm y tế đã được tích hợp, xác thực với căn cước công dân. Tất cả cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân với hơn 160.000 lượt tra cứu thành công.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương, thông tin ngành y tế còn đặt mục tiêu kết nối dữ liệu từ bệnh viện tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở, phát triển các ứng dụng có khả năng giám sát dịch bệnh nguy hiểm, ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải y tế, xây dựng bệnh viện thông minh ở tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện.

Trong ngành giáo dục đào tạo, Sở GDĐT tỉnh đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt ở tất cả các cơ sở giáo dục. Người học khi nộp học phí, lệ phí tuyển sinh,... sẽ chuyển khoản qua ngân hàng, ví điện tử thay cho trả tiền mặt.

Nhập liệu hơn 860.000 hộ tịch

Thống kê đến tháng 12, Công an tỉnh Bình Dương đã cấp hơn 1,5 triệu căn cước công dân gắn chip cho người dân. Toàn tỉnh có 54% cơ sở thực hiện thông báo lưu trú qua các tiện ích ứng dụng phần mềm quản lý lưu trú (dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VNeID trên thiết bị di động).

Toàn tỉnh Bình Dương đã nhập dữ liệu hộ tịch hơn 860.000 trường hợp, đạt tỷ lệ 89%

Đại tá Trần Văn Chính, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương

Đại tá Trần Văn Chính, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho hay công an tỉnh đã thu nhận hơn 855.000 trên tổng số hơn 1 triệu hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử. Toàn tỉnh đã nhập dữ liệu hộ tịch hơn 860.000 trường hợp, đạt tỷ lệ 89%.

Từ cuối tháng 11, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương cũng đã thí điểm mô hình hợp nhất giữa Cổng Dịch vụ công trực tuyến với Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Bình Dương thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

7 sở, ngành tham gia thí điểm tại hệ thống này gồm: Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tài chính.

an sinh xa hoi anh 3

Công an Bình Dương kiểm soát người tham gia giao thông bằng mã QR, trong đợt dịch Covid-19 tháng 9/2021. Ảnh: Phạm Ngôn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh yêu cầu các sở, ban, ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu. Trong đó, 100% dịch vụ công do Bộ Công an chủ trì sẽ tiếp nhận hoàn toàn trực tuyến mà không tiếp nhận trực tiếp và 14/25 dịch vụ công do bộ, ngành chủ trì có tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt 50%.

Bên cạnh đó, ông Võ Văn Minh giao các sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia và của tỉnh đang cung cấp, thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Những việc này giúp người dân thấy rõ lợi ích mà dịch vụ công mang lại, phía cơ quan nhà nước cũng ngày càng hoàn thiện các dịch vụ để phục vụ nhân dân hiệu quả hơn.

Trước sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, cùng với đó là những thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương xác định: Không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với tầm nhìn đó, tỉnh Bình Dương đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.

Những cuốn sách hay về miền Nam

Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.

Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.

Bình Dương nỗ lực hiện thực giấc mơ nhà ở cho triệu lao động nhập cư

Là địa phương có lượng lao động nhập cư chiếm hơn một nửa dân số, Bình Dương xác định mục tiêu đảm bảo người thu nhập thấp vẫn có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội tốt nhất.

Anh Nhàn

Bạn có thể quan tâm