Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Là địa phương có lượng lao động nhập cư chiếm hơn một nửa dân số, Bình Dương xác định mục tiêu đảm bảo người thu nhập thấp vẫn có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội tốt nhất.

“10 năm ở TP.HCM, tôi không chắc mình có thể mua được nhà, nhưng chỉ hơn một nửa thời gian đó, tôi đã có thể mua được một căn nhà xã hội khi lập nghiệp ở Bình Dương”, anh Nguyễn Hữu Tuấn (34 tuổi, quê Bình Phước) chia sẻ lý do rời TP.HCM sau thời gian gắn bó để chuyển đến an cư tại TP Thủ Dầu Một.

Nhìn thấy nhu cầu cấp thiết này của người lao động, lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhiều năm qua luôn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng thêm nhiều khu nhà ở xã hội, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho lao động thu nhập trung bình, thấp trên địa bàn.

Tính đến năm 2022, Bình Dương có khoảng 2,7 triệu dân với khoảng 1,5 triệu lao động đang ở nhà thuê. Toàn tỉnh hiện có 25 dự án nhà ở xã hội với trên 1,4 triệu m2 sàn. Gần nhất, dự án nhà ở xã hội quy mô gần 1.000 căn ở TP Thủ Dầu Một vừa được khởi công hồi tháng 9, đáp ứng nhà ở cho lượng lớn người lao động đang tăng tại địa phương.

Giấc mơ có thật

Năm 2018, vợ chồng anh Tuấn mua được căn nhà ở xã hội thuộc khu Nhà ở xã hội Định Hòa (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một) rộng 30 m2, có một gác lửng 10 m2. Đến lúc nhận chìa khóa căn nhà, anh Tuấn mới tin giấc mơ thành sự thật sau nhiều năm làm việc xa xứ.

Tôi vẫn chưa tin mình đã có nhà sau vài năm lập nghiệp ở Bình Dương.

Anh Nguyễn Hữu Tuấn

Căn nhà mới chỉ cách nơi làm việc của vợ chồng anh Tuấn 10 phút chạy xe, bên dưới là khu vui chơi cho trẻ em, bãi đỗ xe và các gian hàng bán thức ăn, tạp hóa, làm tóc.

“Nhà lớn hay nhà nhỏ cũng được, miễn là của mình. Nếu ở trọ thì mỗi tháng phải đóng hơn 2 triệu đồng, 1 năm mất khoảng 25 triệu đồng. So với giá trị căn nhà ở xã hội này, thì công nhân chỉ cần tiết kiệm vài năm đã có thể mua được nhà”, người đàn ông nói.

Cùng hoàn cảnh với anh Tuấn, một số người lao động ở Bình Dương chưa có nhà, hay những người từ địa phương khác đến lập nghiệp đa phần đều ở trọ. Để tiết kiệm chi phí, căn nhà trọ họ thuê hầu hết đều ẩm thấp, thiếu sáng, vừa đủ cho 3-4 con người chen chúc tạm bợ.

“Khi dọn vào nhà ở xã hội, người lao động bớt gánh nặng lo mỗi tháng phải đóng tiền trọ chiếm một phần tiền lương, hay nơm nớp lo mất cắp tài sản vì an ninh không đảm bảo”, anh Tuấn chia sẻ.

Không gian căn hộ của gia đình anh Nguyễn Hữu Tuấn. Ảnh: Quỳnh Danh.
Binh Duong anh 2
Binh Duong anh 2

Không gian căn hộ của gia đình anh Nguyễn Hữu Tuấn. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cách căn hộ của anh Tuấn một tầng lầu, chị Khánh Hà (33 tuổi) cho biết chỉ vừa chuyển đến mua nhà ở xã hội sau nhiều năm ở trọ. Người phụ nữ cho biết luôn mong muốn mua nhà liền thổ, nhưng với thu nhập trung bình, giá nhà ở xã hội vẫn là lựa chọn phù hợp cho gia đình chị.

“Nơi đây vừa như ở phố, lại vừa như ở quê vậy. Giống ở phố vì chỉ chạy xe vài phút là tới công ty, dịch vụ đa dạng. Vừa như ở quê vì mức sống phù hợp, không gian mát mẻ, hàng xóm thân tình”, chị Hà hài lòng.

Áp lực lớn

Năm 2007, tổng số công nhân ở Bình Dương có 610.209 người; mười năm sau, đến 2017 là hơn 1,5 triệu người, trong đó công nhân nhập cư chiếm 80-85% và có từ 70% đến 75% là phụ nữ - tức là cứ 10 công nhân ở Bình Dương thì có hơn 8 người nhập cư, trong đó từ 5 đến 6 người là phụ nữ.

Lao động nhập cư là nguồn nhân lực quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế Bình Dương.

TS Nguyễn Hữu Nguyên

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM nhìn nhận hầu hết công nhân nhập cư tại Bình Dương kéo theo gia đình của họ đã làm thay đổi cơ cấu dân số của tỉnh, từ đó tỷ lệ dân số nhập cư chiếm hơn một nửa dân số toàn tỉnh.

Theo phân tích của chuyên gia, vào năm 2007, công nhân nhập cư hầu như phải tự tìm nhà trọ, tỷ lệ 98,5%. Mười năm sau, tình hình có cải thiện nhưng vẫn còn 70% người lao động phải tự lo nhà trọ, chỉ có 30% còn lại được giải quyết nhà ở xã hội.

Cùng thời điểm, mức thu nhập tiền lương của người lao động thấp nhất là 865.000 đồng và cao nhất là 1.207.000 đồng (năm 2006); sau đó tăng 15-20% vào năm 2017, và năm 2022, mức thu nhập của công nhân dao động 5-7 triệu đồng.

“Số liệu trên phản ánh thực tế là đời sống công nhân nhập cư rất khó khăn, các cuộc khảo sát về những khu nhà trọ cũng cho thấy vừa chật hẹp, ô nhiễm môi trường, thiếu tiện nghi sinh hoạt, và việc học hành của con em của họ cũng gặp nhiều khó khăn...”, ông Nguyên nói.

Binh Duong anh 3

Không gian sinh hoạt công cộng tại khu nhà ở xã hội thuộc TP Thủ Dầu Một. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chuyên gia nhận định lao động nhập cư là nguồn nhân lực quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định điều này tạo áp lực rất lớn cho chính quyền Bình Dương trong việc giải quyết nhà ở và an sinh xã hội.

Ông Nguyên cho biết nhiều năm qua, Bình Dương cũng đã chú trọng đến việc phát triển các dự án nhà ở đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nhà ở xã hội được coi là một trong những chính sách có tác động lớn đối với người lao động ở tỉnh này.

Thêm 20.000 nhà ở xã hội năm 2023

Mặc dù Bình Dương đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo nhà ở cho người lao động, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Bình Dương đã xây dựng được khoảng 1,3 triệu m2 sàn nhà ở dành cho công nhân lao động nói chung, đạt khoảng 65% so với kế hoạch đã đặt ra.

Dự kiến cuối năm 2023, Bình Dương có thêm 20.000 nhà ở xã hội mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội nhằm thực hiện chính sách xã hội hóa việc xây dựng nhà ở để bán và cho thuê đối với người có thu nhập thấp.

Đồng thời, chính quyền Bình Dương cũng liên tục chỉ đạo các ngành, cấp khẩn trương quy hoạch các dự án nhà ở xã hội vào các quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là phải tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm ổn định cuộc sống cho người lao động, đóng góp lâu dài cho sự phát triển chung của Bình Dương.

Theo ông Minh, tại Bình Dương, giai đoạn 1 của các dự án nhà ở xã hội đã được Becamex IDC xây dựng và đưa vào sử dụng trên 47.500 căn hộ ở TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, Bàu Bàng và thị xã Bến Cát… Giai đoạn 2, tỉnh dự kiến xây dựng tổng cộng trên 118.234 căn hộ.

Binh Duong anh 4

Khu nhà ở xã hội quy mô lớn nhất của tỉnh Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo đó, dự kiến đến cuối năm 2023, Bình Dương khởi động và hoàn thành xây dựng thêm 20.000 căn hộ nhà ở xã hội mới.

Ngoài ra, Bình Dương hiện có 600.000 phòng trọ cho thuê, đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho hơn 1,5 triệu người. UBND Bình Dương cũng ban hành chỉ thị nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển phân khúc nhà ở cho thuê theo tiêu chuẩn nhà ở xã hội, nhằm từng bước nâng cao chất lượng nhà ở cho người lao động nhập cư.

Trước sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, cùng với đó là những thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương xác định: Không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với tầm nhìn đó, tỉnh Bình Dương đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.

Những cuốn sách hay về miền Nam

Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.

Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.

Bài liên quan

Thư Trần - Anh Nhàn

Bạn có thể quan tâm