Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh cãi việc 'Facebook, Google phải đặt máy chủ ở Việt Nam'

Giám đốc Công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho rằng dù đã có Luật An toàn thông tin mạng rồi vẫn phải xây dựng Luật An ninh mạng vì phạm vi điều chỉnh hoàn toàn khác nhau.

Sáng 23/11, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4 khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật An ninh mạng.

"14 nước trên thế giới yêu cầu nhà mạng đặt máy chủ"

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng khoản 4, Điều 34 dự thảo Luật quy định nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam trái với cam kết Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) của Việt Nam.

an toan thong tin anh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội đoàn Đà Nẵng thông tin trong cam kết với WTO, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Cam kết của Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam cũng nêu tương tự.

Trái với phần thảo luận của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết khi nghiên cứu tại hiệp định TPP, không có quy định nào của hiệp định này ngăn chặn áp dụng các biện pháp cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến hòa bình, an ninh quốc tế hay bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia.

an toan thong tin anh 2
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng việc xây dựng Luật an ninh mạng là cần thiết. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng việc cung cấp dịch vụ Internet do các doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận. Đã kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam thì phải bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ dữ liệu, vì máy chủ dữ liệu cung cấp thông tin cho nhiều quốc gia chứ không riêng gì cho một nước cụ thể.

Theo Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An yêu cầu này đã được 14 nước trên thế giới, ví dụ như Mỹ, Nga, Úc, Canada, Colombia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ… đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện việc đặt máy chủ.

"Vì sao các nước đó làm được, Việt Nam lại không làm được? Nghiên cứu tại hiệp định TPP, không có quy định nào của hiệp định này ngăn chặn áp dụng các biện pháp cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến hòa bình, an ninh quốc tế hay bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.

Có luật chuyên sâu là bình thường

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt vấn đề Chính phủ và Quốc hội cân nhắc kỹ xem có cần thiết phải ban hành một luật riêng về an ninh mạng. Theo đại biểu Quốc hội đoàn Đà Nẵng, tờ trình của Chính phủ có nêu ra 10 lý do cần xây dựng, ban hành Luật  An ninh mạng nhưng những lý do này chưa thuyết phục.

Đại biểu Thúy dẫn chứng những lý do thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia đã được Luật An ninh quốc gia điều chỉnh còn nếu nói về lĩnh vực bảo vệ thông tin mạng thì điều này đã được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng.

Các quy định của 2 luật nói trên đã bao quát vấn đề an ninh mạng. Giả sử 2 luật còn bỏ sót quy định nào đó (ở các lý do từ 7 đến 10) liên quan đến vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia trên mạng thì có thể rà soát để bổ sung; không cần ban hành thêm một luật.

"Từ những điều đã trình bày ở trên, tôi đề nghị Chính phủ và Quốc hội cân nhắc kỹ xem có cần thiết phải ban hành một luật riêng về an ninh mạng, hay chỉ cần sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành", đại biểu Thúy nói.

Mỹ, Trung Quốc, Anh, Australia, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc đã có luật về an ninh mạng.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu

Trong khi đó đại tá Nguyễn Hữu Cầu đặt vấn đề vì sao đã có Bộ luật Hình sự để đấu tranh phòng chống tội phạm mà chúng ta lại phải xây dựng thêm luật chuyên ngành như luật Phòng, chống tham nhũng, luật Phòng chống mua bán người?

"Điều đó cũng giải thích vì sao đã có Luật An toàn thông tin mạng rồi mà vẫn phải xây dựng Luật An ninh mạng. Vì phạm vi điều chỉnh của nó hoàn toàn khác nhau", đại biểu Cầu diễn giải.

Cũng theo Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Luật An toàn thông tin mạng quy định bảo vệ an toàn tính nguyên vẹn của thông tin, tính khả dụng của thông tin. Còn Luật An ninh mạng tập trung quy định chống lại các thông tin độc hại, xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng.

“Tôi nghĩ rằng, sau này có thêm các luật khác chuyên sâu trên môi trường mạng thì đó là bình thường. Thực tế nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Australia, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc đã có luật về an ninh mạng", đại tá Nguyễn Hữu Cầu nói.

an toan thong tin anh 3
  Tính đến quý III/2017, Alphabet (công ty mẹ của Google) đạt doanh thu 27,7 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại sự kiện Google I/O (tháng 5/2017), họ công bố nền tảng Android có hơn 2 tỷ người dùng thường xuyên hàng tháng.

'Ý thức người dùng mạng ở Việt Nam thuộc nhóm yếu nhất thế giới'

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dân Việt Nam về an toàn, an ninh thông tin mạng thuộc nhóm yếu nhất trên thế giới.

Thắng Quang - Công Khanh

Bạn có thể quan tâm