Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ý thức người dùng mạng ở Việt Nam thuộc nhóm yếu nhất thế giới'

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dân Việt Nam về an toàn, an ninh thông tin mạng thuộc nhóm yếu nhất trên thế giới.

Chiều 17/11, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng,  trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết theo thống kê về ứng dụng công nghệ thông tin thì Việt Nam đứng thứ 80 thế giới (mức trung bình), nhưng an toàn đứng trên 100 (trung bình yếu). Tuy nhiên, chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dân thì Việt Nam thuộc nhóm yếu nhất trên thế giới. 

nguoi dung mang xa hoi anh 1
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Quochoi.vn.

Hiện trên thế giới cứ 1 giây có 176 sự cố liên quan đến mất an an ninh thông tin mạng, 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích và xuất hiện 4 mã độc. Năm 2016, Việt Nam có đến 71% các thiết bị lây nhiễm mã độc. Đây là con số khá cao so với các nước.

"Khi các tổ chức quốc tế khảo sát, trong khi người dân các nước 60% nhận thức được nguy cơ lây nhiễm mã độc thì chỉ 11% người dân Việt Nam nhận thức được sự nguy hiểm", Phó thủ tướng nói.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ngày xưa nói an toàn, an ninh thông tin chỉ nói đến những người làm công nghệ thông tin, máy tính. Bây giờ vạn vật kết nối, từ điện thoại di động, điện thoại, tivi nên tỷ lệ lây nhiễm từ thiết bị cá nhân ở Việt Nam cao nhất thế giới. 

Phó thủ tướng cũng thông tin Việt Nam có 67% người dân sử dụng Internet và 60% sử dụng mạng xã hội.

Ở Việt Nam, phần lớn khi nói về lĩnh vực này, khi nói về thị trường gần như là của các công ty nước ngoài. Mạng xã hội có 95% thị phần của nước ngoài. Công cụ tìm kiếm 98% là của nước ngoài. Về thư điện từ 98% là Yahoo và Gmail. Về thương mại điện tử 80% là của nước ngoài. Còn về trò chơi điện tử chúng ta còn 60%, cái còn giữ được tỷ lệ tốt nhất.

Hiện, thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam, Facebook và Youtube đã chiếm 80%, doanh thu của hai công ty này là 350 triệu USD.

"Vì vậy chúng ta phải có thái độ kiên quyết hơn. Các nước đều làm cả, như ở Trung Quốc có mạng xã hội của họ. Người ta làm đương nhiên có công cụ pháp luật và đương nhiên là có các nhà cung cấp dịch vụ khác. Người ta cũng có các biện pháp kỹ thuật như chặn, lọc và làm chậm lại khi cần thiết", Phó thủ tướng nói.

'Hy vọng 5-7 năm tới Việt Nam có ứng dụng thay thế Facebook, YouTube'

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng cần phải hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh thì mới hy vọng trong 5-7 năm tới Việt Nam có ứng dụng thay thế Facebook và YouTube.


Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm