Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

27 cuộc tấn công an ninh mạng trong dịp APEC

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ngay trong hội nghị APEC vừa rồi có 27 cuộc tấn công mạng có chủ đích ở trung tâm hội nghị cấp cao và trung tâm báo chí.

Những câu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn Trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 17/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhận được sự hài lòng từ đa số đại biểu.

4 nhóm vấn đề

- Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử

- Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông

- Việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình

- Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội

Chat van Bo truong Truong Minh Tuan anh 1
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Ai trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội này?

- Ngày 16/11: Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

- Chiều 16/11 - sáng 17/11: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

- Ngày 17/11: Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn

- Sáng 18/11: Chánh án TADN tối cao Nguyễn Hòa Bình

- Chiều 18/11: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 

Các thành viên khác của Chính phủ có thể cùng chia lửa với các vị trưởng ngành, tùy thuộc vào vấn đề đại biểu nêu.

  • Trong báo cáo trả lời với 4 nội dung chính trước phiên chất vấn gửi đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn đề cập giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hoá, đạo đức.

    Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, thông tin tiêu cực như xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá Nhà nước... chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm.

    "Trước đây các trang mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, nhưng gần như không bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam, dẫn đến tình trạng việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn", Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nêu.

    Tính đến 30/9, Facebook có khoảng 53 triệu thành viên, Youtube có 35 triệu thành viên tại Việt Nam. Đây là trang mạng phổ biến nhất ở Việt Nam hiện tại.

  • 'Có tài khoản YouTube đăng tải 500 clip bôi nhọ lãnh đạo'

    Trong lần trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 4, Bộ trưởng Tuấn cho hay các đơn vị chức năng đã yêu cầu Google gỡ bỏ 2.200 clip nói xấu bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube. Google đã gỡ bỏ hơn 1.000 clip trên YouTube. Trong đó, một tài khoản YouTube đăng tải 500 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo.

    Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn an toàn thông tin mạng Chiều 18/4, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn việc xử lý các cá nhân, tổ chức đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật gây hoang mang dư luận.
  • 70 đại biểu đăng ký chất vấn

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay có 70 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

    Phát biểu trước khi các đại biểu đặt câu hỏi, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề thuộc lĩnh vực của bộ quản lý. Với trách nhiệm của mình, Bộ đã trả lời theo quy định và bộ cũng đã trả lời trực tiếp trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 4/2017.

    "Việc trả lời chất vấn trước các đại biểu Quốc hội cũng là dịp để ngành Thông tin và Truyền thông lắng nghe các ý kiến đóng góp để hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao phó", Bộ trưởng chia sẻ.

    Chat van Bo truong Truong Minh Tuan anh 2
  • Giải pháp nào cho thông tin xấu độc, sai sự thật?

    Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp): Việc xây dựng Chính phủ điện tử lấy người dân, doanh nghiệp làm chính. Trong báo cáo, dù đã có cố gắng nhưng 2 năm thực hiện, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp, người dân chưa được hưởng dịch vụ công chưa tiện lợi, có biểu hiện lãng phí. Để xảy ra trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu? Thời gian tới có giải pháp nào đủ mạnh để khắc phục không?

    Thứ hai, xã hội hóa truyền hình là hướng đi đúng, thỏa mãn nhu cầu của người dân. Nhưng có hay không truyền hình thương mại đang lấn lướt truyền hình công. Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước như thế nào về vấn đề này?

    Chat van Bo truong Truong Minh Tuan anh 3

    Đại biểu Nông Văn Tình: Do nhiều nguyên nhân, hiện vẫn còn thông tin sai sự thật, thông tin thiếu chính xác xuất hiện trên báo chí làm giảm uy tín của nghề. Thậm chí thông tin sai sự thật sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng nghìn con người. Vậy, Bộ trưởng có giải pháp gì thể khắc phục tình trạng trên?

    Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh: Thông tin xấu, độc vẫn tồn tại trên mạng đã gây ảnh hưởng xấu tới Đảng và Nhà nước. Bộ trưởng có giải pháp đột phá nào để quản lý thông tin trên mạng xã hội?

    Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn: Bộ có giải pháp gì chấn chỉnh một số phóng viên vi phạm pháp luật, tống tiền doanh nghiệp. Hiện tượng này không phù hợp với tôn chỉ mục đích báo chí?

    Về vấn đề quản lý mạng xã hội, hiện có nhiều thông tin sai sự thật, giả mạo, xúc phạm nhân phẩm cá nhân, tổ chức, xuyên tạc chủ trương nhà nước. Những trang mạng này có tên miền, đăng ký nước ngoài như Facebook. Với vai trò "tư lệnh ngành", Bộ trưởng đưa ra giải pháp gì?

    Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình): Hiện, tình trạng một số cơ quan báo, một số phóng viên hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích. Vậy giải pháp của Bộ trưởng là gì?

    Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa): Theo báo của Bộ hiện có 363 mạng xã hội được cấp phép, 2 mạng xã hội nước ngoài. Tuy nhiên, 2 mạng xã hội này có đông người sử dụng nhất. Có hay không tình trạng thông tin mạng xã hội lấn át báo chí chính thống. Bộ trưởng làm gì để ngăn chặn thông tin độc hại trên mạng?

    Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên): Chúng ta không thể phủ nhận việc triển khai Chính phủ điện tử mang lại tiện ích cho doanh nghiệp, người dân. Nhưng việc triển khai chưa được tương xứng với kỳ vọng. Trách nhiệm của Bộ là như thế nào đối với việc lãng phí trong việc triển khai?

    Việc cảnh báo các nội dung xấu trên mạng xã hội được triển khai ra sao? Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng thực sự cấp bách nhưng chúng ta chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao và giải pháp như thế nào trong thời gian tới?

  • Chat van Bo truong Truong Minh Tuan anh 4

    Trả lời Nguyễn Thị Mai Hoa, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng hoạt động công nghệ ứng dụng thông tin cơ quan nhà nước được đẩy mạnh. Thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội có kết quả khả quan trong việc cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến các bộ ngành đã thực hiện ở mức cao, giúp tiện lợi cho người dân. 

    Hiện các địa phương có 14.000 dịch vụ trực tuyến ở mức độ 3, 4 đã được thực hiện. Người dân giảm được nhiều thời gian, công sức. Theo thống kê, ngành bảo hiểm xã hội 21 triệu hồ sơ bảo hiểm xã hội, ngành ngoại giao có 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến… 

    Tuy nhiên, việc thực hiện còn nhiều hạn chế. Xây dựng Chính phủ điện tử còn nhiều tồn tại ở một số bộ ngành. Đó là dịch vụ công trực tuyến ở các bộ ngành, địa phương chưa áp dụng.
    Nguyên nhân là người đứng đầu chưa quyết liệt áp dụng dịch vụ công; kinh phí đầu tư Chính phủ điện tử không đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu; lộ trình triển khai không theo kế hoạch; nguồn nhân lực công nghệ thông tin thiếu.

    Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả nâng dịch vụ công.


  • Không thể nói các chương trình thương mại lấn át truyền hình công

    Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Trong quá trình xã hội hóa truyền hình, chúng ta có thực hiện liên kết mà hầu hết các chương trình liên kết là chương trình giải trí. Và trong thực tế, nhiều chương trình xã hội hóa lớn, có nhiều chương trình có nhiều vấn đề… Bộ TT&TT thường xuyên tăng cường quản lý, nhắc nhở, xử lý và đưa ra cơ chế chương trình liên kết không được vượt quá khung 50%.

    Đó là một trong những nội dung cơ bản để tăng cường quản lý việc xã hội hóa truyền hình. Các chương trình truyền hình được xã hội hóa chủ yếu vẫn là các kênh giải trí. Vì vậy không thể gọi việc xã hộ hóa truyền hình lấn át các chương trình truyền.

  • Năm 2016 xử phạt gần 150 cơ quan báo chí

    Trả lời đại biểu Nông Văn Tình, đoàn Nghệ An, về việc vi phạm của báo chí, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề nhức nhối gần đây. Nhưng vai trò của báo chí từ trước đến nay rất rõ ràng. Báo chí luôn đồng hành tuyên truyền của đường lối của Đảng, Nhà nước. Báo chí luôn xuất hiện ở những nơi khó khăn.

    Gần đây, sai phạm của báo chí là rất lớn nhưng sai phạm đó không làm biến dạng dòng chảy chính của báo chí.

    Năm 2016, Bộ xử phạt gần 150 cơ quan báo chí, nhiều nhất từ trước đến nay. Việc đăng tải thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ lớn. Có thời điểm trong một tháng, có 70 cơ quan thông tin báo chí bị xử phạt. Riêng vụ nước mắm, hơn 50 cơ quan báo chí bị xử lý.

    Năm 2016, trước tình trạng một số cơ quan báo chí cấp loại thẻ giống thẻ nhà báo, Bộ đã xử lý, thu hồi, thậm chí xử lý một phó tổng biên tập.

    Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định theo quy định luật báo chí, các cơ quan báo chí có quyền lập cơ quan đại diện. Không có phóng viên thường trú sẽ không cập nhật được thông tin hay, nhanh, kịp thời. Phóng viên thường trú không chỉ khen mà phản bác, góp ý để địa phương tốt hơn.

    Gần đây có tình trạng phóng viên hù dọa doanh nghiệp. Bộ đã rất kiên quyết trong việc xử lý như xử phạt hành chính, đình bản… nhưng tình trạng không giảm. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc lựa chọn phóng viên thường trú không đủ tiêu chuẩn. Có phóng viên tìm mọi kẽ hở của địa phương để phản ánh; Phóng viên thường trú câu kết cộng tác đi hù dọa, đi gọi quảng cáo.

    Nhiều doanh nghiệp bị gọi quảng cáo, bị hù dọa nhưng không dám đứng ra tố cáo, sợ được vạ má đã sưng. Bộ phối hợp Ban tuyên giáo đã thành lập 5 đoàn kiểm tra các cơ quan báo chí. Bộ sẽ siết chặt vấn đề này.

  • Hạn chế tối đa nặng lượng xấu trên mạng xã hội

    Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: 'Hạn chế năng lượng xấu trên mạng xã hội' Bên cạnh những tiện ích rất lớn thì tác hại do mạng xã hội mang lại không phải là nhỏ. Đó là thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, chia rẽ dân tộc.

    Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Khoảng 15 năm trước dây chúng ta không nghĩ rằng mạng Internet mạng xã hội phát triển như hôm nay. Và chúng ta không lường trước được 15 năm trước chúng ta sẽ biết mạng xã hội phát triển ra sao. Mạng xã hội, Internet ra đời đã giúp con người xích lại gần nhau. Kho kiến thực đồ sộ của mạng xã hội làm chúng ta lúc nào cũng có cơ hội tìm kiếm kiến thức mọi nơi mọi lúc. Vai trò của Internet và mạng xã hội chúng ta không thể phủ nhận.

    Tuy nhiên bên cạnh những tiện ích rất lớn thì tác hại do mạng xã hội mang lại không phải là nhỏ. Đó là thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn.

    Nhiều người nói rằng mạng xã hội phát triển như vậy thì có nên sử dụng hay không? Nếu nói rằng mạng xã hội như một con đường thì trên con đường đó có cả kẻ cướp có cả người bình thường. Vì vậy vấn đề là ý thức của người đi trên con đường đó.

    Hầu hết những người sử dụng Facebook là người tốt, vẫn rất người với nhau. Nhưng dù chỉ có một bộ phận nhỏ, năng lượng đen, năng lượng xấu như ném đá nhau, nói xấu nhau vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Thậm chí từ 2014 tới nay có 5-6 trường hợp tự tử vì việc bị bôi nhọ trên mạng xã hội, vì tình trạng ném đá tập thể trên mạng xã hội. Người ta tung ra những lời nói bôi nhọ mà bất chấp nạn nhân là ai.

    Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã làm việc với các cơ quan liên quan để tăng cường năng lượng tốt, hạn chế tối đa năng lượng xấu trên mạng xã hội.

    Các mạng xã hội nước ngoài có mặt ở VN thì cũng phải tuân thủ pháp luật VN. Trong thời gian qua, chúng tôi đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài và tác động gỡ bỏ những nội dung xấu độc, xâm phạm lợi ích quốc gia và các cá nhân.

  • Thế nào là thông tin độc hại?

    Trả lời câu hỏi của đại biểu về khái niệm thông tin độc hại, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay Bộ đã phân loại thông tin độc hại gồm: Thông tin kích động chiến tranh, gây thù hằn dân tộc, đòi lật đổ chế độ. Thứ hai, thông tin độc hại xúc phạm nhân phẩm, danh dự cá nhân khi khai thác quá nhiều đời tư. Thứ ba, thông tin gây phương hại cho sức khỏe tính mạng, danh dự, nhân phẩm và tinh thần của con người.

  • Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau): Từ nhu cầu nào, cơ sở nào mà Mobifone sử dụng vốn chủ sở hữu Nhà nước để mua AVG. Hai là giá trị đích thực trong vụ giao dịch chuyển nhượng này là bao nhiêu? Ba là, từ khi AVG về Mobifone thì hoạt động của AVG ra sao, hiệu quả có tương xứng với đồng vốn bỏ ra hay không?

    Chat van Bo truong Truong Minh Tuan anh 5

    Đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên - Huế): Cơ sở dữ liệu mang tính riêng lẻ, phục vụ lưu trữ là chủ yếu. Xin Bộ trưởng cho biết xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia trong thời gian tới sẽ được như thế nào? Thứ hai, có ý kiến cử tri cho rằng, các chương trình thiếu nhi hiện nay nhẹ về giáo dục, chủ yếu là giải trí. Xin Bộ trưởng cho biết xử lý như thế nào?

    Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng): An toàn thông tin mạng là vấn đề đáng quan tâm. Nó ảnh hưởng đến các lĩnh vực xã hội. Công tác an toàn thông tin mạng đã được triển khai như thế nào ở thời điểm hiện tại và thời gian tới? Tốc độ phát triển thông tin mạng hiện nay rất nhanh. Hiện 70% người dân sử dụng điện thoại thông minh, Internet. Xử lý, kiểm tra các thông tin xấu, thất thiệt nhiều nhưng kết quả còn chưa cao. Thời gian tới Bộ trưởng sẽ xử lý như thế nào?

    Đại biểu Dương Tuấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu): Thuê bao di động dường như mất kiểm soát. Việc quản lý các thuê bao chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới tài nguyên kho số của quốc gia đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ an toàn, an ninh quốc gia. Trong thời gian vừa qua, nhiều cử tri phản ánh về việc thay đổi mã vùng đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết khi quyết định thay đổi mã vùng bộ đã đánh giá tác động hay chưa?

    Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) tranh luận: Tình trạng quảng cáo thuốc còn tràn lan trên cả truyền hình, phát thanh chứ không phải là mạng xã hội như Bộ trưởng có trình bày ở Quốc hội. Tôi cho rằng trong việc phối hợp với các bộ ngành, Bộ TTTT phải thể hiện sự sáng tạo hơn nữa. Cụ thể là phải quyết liệt, sáng tạo trong các vấn đề này Bộ trưởng TTTT vừa trình bày ở Quốc hội.

    Tôi cũng đặt câu hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế về quản lý thuốc và thực phẩm chức năng. Tôi đã đặt câu hỏi 6 tháng trước. Bộ Y tế nói rằng sẽ trả lời bằng văn bản nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự phản hồi.

    Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói về quảng cáo thuốc tràn lan trên mạng Trong thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng nhiều Bộ, ngành, tổ chức nước ngoài gỡ bỏ gần 400 đường link bán hàng bất hợp pháp.

  • Sau phần tranh luận của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết còn 2 đại biểu đăng ký chất vấn. Do thời gia làm việc buổi sáng đã hết, buổi chiều, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn tiếp tục trả lời câu hỏi chất vấn.

  • Cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển mạng xã hội

    Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng rất nhiều doanh nghiệp tham vọng xây dựng thương hiệu cạnh tranh với Facebook, Google.

     

    Từ năm 2008, chúng ta đã có những trang mạng xã hội được kỳ vọng có thể cạnh tranh với Facebook, Google nhưng chỉ hoạt động được một thời gian.

    Hiện, ứng dụng Zalo có khoảng 70 triệu tài khoản đăng ký và được coi là ứng dụng có người Việt Nam sử dụng nhiều nhất sau Facebook và Youtube.

    Chúng ta có thể thí điểm phát triển mạng xã hội trong nước nhưng phải có cơ chế đặc biệt, hỗ trợ.

  • Có những người được bảo kê khi sử dụng mạng xã hội?

    Trả lời câu hỏi của ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) về việc vì sao tình trạng thông tin trên mạng lại lấn át thông tin trên báo chí, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay:

    Nói như vậy là gần đúng vì thực tế thông tin trên mạng xã hội không lấn lướt thông tin trên báo chí. Nhưng tốc độ truyền tin trên mạng xã hội áp đảo so với báo chí. Người dân lấy thông tin báo chí để khẳng định thông tin đúng, thông tin trên báo chí đáng tin cậy hơn. Không riêng gì nước ta, các nước trên thế giới cũng chịu tác động của thông tin trên mạng xã hội. Ví dụ như tại Mỹ, đợt bầu cử tổng thống vừa qua cũng vậy.

    Tuy nhiên, do luật pháp của chúng ta chưa đầy đủ nên chưa đủ chế tài để xử phạt. Do vậy còn lúng túng trong việc xử lý. Đó là thực tế là Bộ không né tránh.

    Luật pháp của chúng ta chưa thực sự hoàn chỉnh nhưng vẫn đủ cơ sở để xử lý các hành vi trên mạng xã hội. Nhưng thực tế có nhiều trường hợp biết rõ danh tính, địa chỉ người dùng nhưng chúng ta chưa truy cứu trước pháp luật. Một vấn đề nữa là cùng một vi phạm, có lúc người này bị xử lý, người khác không bị xử lý. Chính vì vậy, có lời đồn đoán trên mạng xã hội rằng người này được bảo kê nên không bị xử lý. Vì vậy vấn đề không phải là luật mà nằm ở việc thực thi luật.

    Đã gỡ 5.000 video trên YouTube

    Theo Bộ trưởng Thông tin, đối với người dùng nặc danh trên mạng xã hội, Bộ đã làm việc với các nhà mạng yêu cầu họ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và luật quốc tế. Bộ đã rất cố gắng gỡ 5.000 video trên YouTube.

    Vừa rồi khi làm việc với Google và Facebook thì làm việc với Google có kết quả tốt hơn. Vừa qua, khi Tổng thống Mỹ sang Việt Nam, cơ quan hữu quan cũng làm việc với đại diện của Facebook. "Về vấn đề này, chúng tôi tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên mạng xã hội. Nhưng cũng rất mong các ĐBQH tiếp tục quan tâm giám sát chỉ ra hạn chế để chúng tôi tiếp tục vươn lên. Chúng tôi rất mong sự chia sẻ của các đại biểu Quốc hội", Bộ trưởng nói.

     

     

  • Vụ AVG: Chờ kết luận thanh tra để báo cáo đại biểu

    Trong phần điều hành buổi chiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng do đây là vấn đề đang được thanh tra nên khi có kết luận thì sẽ có cơ sở để báo cáo lại với đại biểu.

  • Google, Facebook doanh thu hàng trăm triệu USD nhưng không đóng thuế

    Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng: Hiện có tình trạng người bị xâm hại, bôi nhọ trên mạng xã hội không lên tiếng khi là nạn nhân. Chúng tôi không thể kiểm soát hết được 53 triệu người dùng mạng xã hội.

    Trong trường hợp không xác minh được danh tính người vi phạm, chúng tôi yêu cầu Facebook, Google phải gỡ bỏ các thông tin bôi nhọ, thông tin phản cảm, kích động biểu tình. Bộ phải điều phối xây dựng hệ thống chặn lọc thông tin vi phạm trên mạng. Bước đầu đạt được kết quả tốt.

    Lý giải những bất cập trên trên, Bộ trưởng cho rằng khó khăn đầu tiên là do hạn chế về giải pháp kỹ thuật. 

    Thứ hai, các đối tượng phát tán thông tin cải tiến biện pháp để phát tán thông tin. Họ sử dụng mạng xã hội để tiếp thị trực tuyến, lan truyền tốc độ nhanh. Lợi dụng mạng viễn thông để phát tán qua tin nhắn điện thoại.

    Một việc nữa là người dân ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội nước ngoài. Bởi nước ta chưa có sản phẩm tương tự để phục vụ người dân. Hiện nay, Google có chính sách chia sẻ doanh thu cho người sử dụng. Nhiều người xem thì càng được nhiều tiền. Các phần tử chống đối lợi dụng người cả tin, đăng tải các video chống phá nhà nước để kiếm tiền. Bộ Công an đã xử lý nhiều trường hợp. Việc ngăn chặn nguồn tiền bất hợp pháp là cần thiết.

    "Không có lý gì doanh thu trên lãnh thổ Việt Nam (năm 2016) hàng trăm triệu USD mà không đóng thuế. Bộ Công an, các địa phương cần vào cuộc điều tra, xử lý vấn đề này”, Bộ trưởng nói.

  • Bảo vệ trẻ em trước thông tin mạng xã hội độc hại

    Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, về bản chất, công nghệ Internet là mở, tùy thuộc vào động cơ, mục đích của cá nhân, tổ chức để họ đưa thông tin tiêu cực hay tích cực. Internet là môi trường trao đổi thông tin nhanh chóng, thuận tiện.

    Đối với trẻ em, tác động tích cực rất rõ ở học tập, giao lưu… Còn tác động tiêu cực là khi Internet ngày càng phát triển, xã hội ảo phát triển. Nhiều nội dung có tính chất báo động như dâm ô, bạo lực, quấy rối... Do trẻ em còn thiếu kỹ năng, kiến thức nên dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin độc hại.

    Một số hành vi phổ biến là gây tổn thương đến sức khỏe, tâm lý khi phát tán phim ảnh, game độc hại. Thậm chí, lợi dụng trẻ em để buôn bán chất cấm, buôn bán trẻ em.

    Bộ đang tập trung hoàn thiện văn bản pháp luật xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên Internet. Tăng cường công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp giữa gia đình, xã hội, nhà trường khi trẻ em sử dụng Internet; khuyến khích các nhà cung cấp nội dung phát triển các chương trình bổ ích cho trẻ em.

    Về các chương trình không phù hợp với trẻ em, trách nhiệm đầu tiên là của các nhà đài.

  • 27 cuộc tấn công an ninh mạng trong dịp APEC

    Tình hình tấn công mạng diễn ra nhiều nước trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hết tháng 10/2017, có hơn 11.000 cuộc tấn công mạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngay trong hội nghị APEC có 27 cuộc tấn công mạng có chủ đích ở trung tâm hội nghị cấp cao và trung tâm báo chí.

    Về nguyên tắc, không có hệ thống nào an toàn lâu dài. Vì vậy, công tác an ninh phải được thường xuyên thực hiện. Hiện có 51% cơ quan tổ chức chưa phản hồi, xử lý khi xảy ra sự cố. 73% cơ quan tổ chức chưa trang bị đảm bảo quy chuẩn an ninh thông tin mạng. Nhận thức đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng chưa đầy đủ. Nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng còn mỏng. Chúng ta chưa thu hút được các nhân tài do chế độ đãi ngộ hạn chế.

  • Google, Facebook làm sai phải có cách gì xử lý chứ không chỉ thể trách móc

    Bày tỏ sự hoang mang sau trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Vũ Trọng Kim nêu một số vấn đề tranh luận:

    Thứ nhất, mạng xã hội hiện nay áp đảo là áo đảo gì? Áp đảo dư luận xã hội hay áp đảo báo chí. Nếu vậy thì mặt trận chủ quyền Thông tin truyền thông cần phải xem lại.

    Thứ hai, khi Google, Facebook làm quá, làm sai phải có cách gì xử lý chứ không chỉ thể trách móc họ được. Đây là vấn đề cần phải chú ý để giữ vững mặt trận thông tin.

    Thứ 3, Việt Nam không phải là mảnh đất không chủ đất hoang mà kinh doanh thu hơn 100 triệu USD không đóng thuế. Trong trường hợp này, Bộ trưởng có cần phải yêu cầu Quốc hội ra nghị quyết để xử lý.

    Chat van Bo truong Truong Minh Tuan anh 6

  • Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Chỉ số Chính phủ điện tử Việt Nam đứng thứ 89

    Làm rõ thêm một số vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay: Về việc xây dựng Chính phủ điện tử, chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, chúng ta dù rất cố gắng nhưng cũng chỉ đứng ở vị trí 89. Người ta đánh giá bởi các tiêu chí là nhân lực, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Cả các mặt chúng ta còn nhiều hạn chế và cần phải làm tốt hơn.

    Về dịch vụ công trực tuyến, trong đó 95% từ cấp tỉnh trở xuống. Dù giao kế hoạch rất cụ thể, nhưng tới tháng 7 vừa rồi, ở các địa phương chỉ có 7% dịch vụ công ở mức độ 4, tức là kèm theo thanh toán. Đối với các bộ ngành, có bộ như Bộ LĐ, TB&XH chỉ có 0,4% đạt ở cấp độ 4.

    Chat van Bo truong Truong Minh Tuan anh 7

  • Cần có thái độ kiên quyết hơn với mạng xã hội

    Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam có 67% người dân sử dụng Internet và 60% sử dụng mạng xã hội. Ở Việt Nam, phần lớn khi nói về lĩnh vực này, khi nói về thị trường gần như là của các công ty nước ngoài. Mạng xã hội có 95% thị phần của nước ngoài. Công cụ tìm kiếm 98% là của nước ngoài. Về thư điện từ 98% là Yahoo và Gmail. Về thương mại điện tử 80% là của nước ngoài. Còn về trò chơi điện tử chúng ta còn 60%.

    Hiện, thị trường quảng cáo trực tuyến, Facebook và Youtube đã chiếm 80%, doanh thu của hai công ty này là 350 triệu USD. Vì vậy chúng ta phải có thái độ kiên quyết hơn. Các nước đều làm cả, như ở Trung Quốc có mạng xã hội của họ. Người ta làm đương nhiên có công cụ pháp luật và đương nhiên là có các nhà cung cấp dịch vụ khác. Người ta cũng có các biện pháp kỹ thuật như chặn, lọc và làm chậm lại khi cần thiết.

  • 61% máy tính ở Việt Nam dính mã độc

    Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết theo thống kê, hiện nay trên thế giới cứ 1 giây có 176 sự cố liên quan đến mất an an ninh thông tin mạng, 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích và xuất hiện 4 mã độc. Việt Nam đang đứng ở vị trí khoảng 100 trên thế giới về việc đảm bảo an ninh thông tin mạng.

    Việc mất an ninh mạng để lại hệ lụy rất lớn. Hiện nay vạn vật kết nối. Từ điện thoại đến máy tính, tivi, tủ lạnh…đều được kết nối. Chính vì vậy, việc lây lan mã độc tại chỗ vô cùng nhanh và nguy hiểm.

    Năm 2016, Việt Nam có đến 71% các thiết bị lây nhiễm mã độc. Đây là con số khá cao so với các nước. Khi các tổ chức quốc tế khảo sát, trong khi người dân các nước 60% nhận thức được nguy cơ lây nhiễm mã độc thì chỉ 11% người dân nhận thức được sự nguy hiểm. Hiện nay chúng ta có 61% máy tính nhiễm mã độc. Đây là con số cao gấp nhiều lần so với trung bình của thế giới

  • Xử lý trách nhiệm của lãnh đạo VNPT, Mobifone vì để phát tán tin rác

    Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn nạn SIM rác, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói: Tất cả doanh nghiệp viễn thông đều phải tuân thủ quy định của pháp luật. Bộ đã có nhiều quyết định xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp của bộ về vấn đề SIM rác. Trách nhiệm để phát tán tin nhắn là doanh nghiệp viễn thông chứ không như trước đây trách nhiệm chính là đại lý bán SIM.

    Doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đăng ký thông tin thuê bao. Bộ đánh giá đây là biện pháp mạnh mẽ hạn chế SIM rác. Trong thời gian qua, Bộ đã xử lý trách nhiệm của lãnh đạo VNPT, tới đây là lãnh đạo Mobifone về việc để phát tán tin rác.

  • Bộ Thông tin đã kiến nghị sớm có kết luận thanh tra AVG nhưng chưa nhận được dự thảo

    Trả lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM, về thông tin chuyển nhượng AVG, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Thanh tra Chính phủ đã thanh tra việc chuyển nhượng từ 9/2016. Trong quá trình xây dựng kết luận, Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo để đảm bảo kết luận thanh tra chính xác, đảm bảo lợi ích doanh nghiệp. Thời gian qua, Bộ đã có kiến nghị sớm có kết luận thanh tra nhưng đến nay chưa nhận được dự thảo kết luận thanh tra để tiếp thu, giải trình.

    “Chúng tôi chưa có nội dung gì hơn để thông tin”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

    Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Hiếu Duy.

    Chat van Bo truong Truong Minh Tuan anh 8

  • Tổng kết phần chất vấn của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã 55 đại biểu đăng ký chất vấn, 9 đại biểu tham gia tranh luận, 24 đại biểu đăng ký chưa chấn vấn, 2 ý kiến tranh luận sẽ được trả lời bằng văn bản.

    "Phó thủ tướng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã giải trình nhiều vấn đề liên quan. Các đại biểu hỏi rõ, đúng vấn đề. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời trước Quốc hội nhưng rất thẳng thắn. Việc trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Phó thủ tướng nhận được sự hài lòng của ĐBQH", Chủ tịch Quốc hội nói.

    Theo Chủ tịch Quốc hội, qua nội dung chất vấn, một số lĩnh vực tồn tại, hạn chế nhưng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có đề án, chủ động xử lý sai phạm, bước đầu có kết quả. Còn nhiều vấn đề cần phải nỗi lực mới có thể chuyển biến. Đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của đại biểu. Cụ thể là tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cải cách hành chính. Đầu tư hạ tầng thế thống thông tin để phát triển chính phủ điện tử; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến để đến hết năm 2018, hầu hết các dịch vụ công ở mức độ 4.

    Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc Bộ Thông tin khẩn trương sắp xếp, quy hoạch báo chí. Báo chí phải kịp thời thông tin định hướng xã hội, đảm bảo khách quan, giúp đẩy lùi các thông tin xấu, độc hại. Bên cạnh đó, Bộ cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Có các biện pháp yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài quản lý an toàn thông tin mạng theo pháp luật Việt Nam. Vấn đề hạn chế SIM rác cũng được xã hội hết sức quan tâm đòi hỏi Bộ phải quyết liệt hơn trong việc xử lý.

    Sáng mai (18/11), Quốc hội chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm