Tiết mục của 2 thí sinh Bảo Ngọc và Thái Hùng Thiện trong tập 8 Học viện cải lương đang vướng chỉ trích vì nội dung được cho là nhạy cảm. Trong tiết mục, thí sinh Bảo Ngọc hát: "Sao anh không sử dụng bao cao su, để giờ đây sự việc mới tầy huầy". Thái Hùng Thiện đáp lời: "Sao em không quyết liệt ngăn lại hoặc là em phải siêng uống thuốc ngừa thai để cho mọi thứ an bài". Lời bài hát trên bị chỉ trích nhạy cảm, kém duyên và không phù hợp để đưa vào một tiết mục cải lương.
Trước những tranh cãi từ khán giả, đại diện chương trình Học viện cải lương cho biết sau mỗi tập phát sóng, ê-kíp đều quan sát phản ứng của khán giả. Vì thế, ê-kíp cũng nắm được phản ứng trái chiều về tác phẩm xuất hiện trong tập 8.
Theo ê-kíp sản xuất, đoạn trích nói về những người trẻ có quan niệm yêu cuồng sống vội, dẫn đến hậu quả có thai ngoài ý muốn. Thông qua đây, chương trình muốn cảnh báo giới trẻ về thực trạng trên, cũng như đề cao sự quan tâm đúng mực của gia đình, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Tiết mục của Bảo Ngọc và Thái Hùng Thiện vướng tranh cãi. |
“Trong tình huống này, các nhân vật rơi vào trạng thái bối rối, căng thẳng, phản ánh hiện thực của cuộc sống. Vì thế, tác giả Dunal Trần chọn cách thể hiện trực diện, không né tránh. Điều này phù hợp với diễn biến tâm lý thật của con người. Vì thế, ngôn ngữ cũng cần mang tính hiện thực. Hơn nữa, trong việc giáo dục giới tính, nhất là vấn đề sức khoẻ sinh sản của người vị thành niên, thành niên thì cần gọi tên đúng các hình thức, biện pháp, nhân tố… để mọi người có thể nắm, hiểu rõ”, đại diện chương trình giải thích.
Ê-kíp tiếp tục: “Việc thể hiện các nội dung này vào kịch bản không dễ, vì phải cân bằng giữa tính hiện thực và nghệ thuật. Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc đi thẳng vào vấn đề vẫn là lựa chọn tốt nhất, sau khi suy xét nhiều yếu tố. Thực tế cũng có những khán giả đón nhận bình thường, cởi mở. Nhìn rộng ra thì Thế giới ảo là lời cảnh tỉnh trước rất nhiều hiện trạng trong cuộc sống như nghiện game, sức khỏe sinh sản, mối quan hệ gia đình, bạn bè… Đoạn trích được lan truyền chỉ là một phần của tác phẩm lớn. Vì thế, hy vọng khán giả có cái nhìn cởi mở, đủ đầy hơn”.
Sau khi ê-kíp đưa ra lời giải thích trên, có nhiều khán giả đồng tình, ủng hộ nhưng cũng không ít người tiếp tục phản đối. Họ cho rằng việc phản ánh thực tế là cần thiết nhưng nên tế nhị, thẩm mỹ hơn, đặc biệt với cải lương.
“Tôi không bàn đến ý tứ của tác giả sâu xa như thế nào, cái tôi nhận được là thành phẩm. Những tác phẩm thí sinh thể hiện không mang tính thẩm mỹ. Phần lời quá thô thiển. Đồng ý là nghệ thuật nói chung và cải lương nói riêng bén rễ từ thực tại nhưng phải biến tấu và tô điểm cho nó trở nên đẹp đẽ hơn, ngay cả khi nói về cái xấu cũng phải lựa chọn cách nói giảm nói tránh. Không phải cứ phơi bày hết cái trần trụi của ngôn từ rồi cho rằng mình đang muốn nói trực diện vào vấn đề xã hội. Với tư cách một khán giả, tôi chân thành góp ý về cách chọn bài của chương trình, để không có những lỗi sai như thế này”, một tài khoản nhận xét.
Sách tham khảo: Cải lương Sài Gòn 1955-1975, một công trình biên khảo được những người làm sân khấu tâm tư và nỗ lực thực hiện trong suốt 4 năm qua. Nội dung sách biên khảo được tiếp cận từ góc độ khoa học liên ngành lịch sử, nghệ thuật sân khấu, lý luận văn học, văn hóa học… với cách thao tác căn cứ vào tài liệu được người đương thời ghi lại; những bài viết tham luận từ các cuộc tọa đàm, hội thảo; các phát biểu ghi âm từ các tác giả, soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà báo, nhà lý luận phê bình...