Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trái tim người Hàn tan nát vì vụ tàu chìm

Mấy ngày trước cô giáo Kim đứng trên đảo Jindo và nhìn ra biển. Cô khóc và gọi tên con gái khi những con sóng đang xô vào bờ.

Đặc điểm nhận dạng

Một cái mụn mọc trên trán của Jin Woo Hyuk. Cậu sở hữu cơ thể gầy gò và đeo niềng răng ở miệng. Khi thợ lặn tìm thấy thi thể của Jin trong con tàu chìm, cậu mặc chiếc quần jean và áo màu xanh lá cây. Người ta ghi những chi tiết đơn giản về Jin trên một tấm bảng.

Người dân Hàn Quốc tiếc thương các nạn nhân vụ chìm tàu Sewol trong một tang lễ diễn ra tại thành phố Seoul hôm 19/4. Ảnh: Getty.
Người dân Hàn Quốc tưởng nhớ các nạn nhân vụ chìm tàu Sewol trong một tang lễ diễn ra tại thành phố Seoul hôm 19/4. Ảnh: Getty Images

Lực lượng cứu hộ phải gắn số lên nhiều tử thi khác vì giới chức chưa thể xác định danh tính của họ. Chẳng hạn, nạn nhân số 63 là một sinh viên nữ đeo thắt lưng hình bông hoa và mang giầy Adidas. Thi thể mang số 62 là một nữ giới với mái tóc dài, đeo một chuỗi tràng hạt màu đen.

Những thi thể xấu số thuộc nhóm 325 học sinh của trường trung học Danwon, thành phố Ansan trên tàu Sewol gặp nạn vào hôm 16/4. Khoảng 2/3 trong 476 hành khách trên tàu là học sinh. Chỉ 75 em sống sót. 250 học sinh khác đã chết hoặc mất tích.

“Đại ca, bạn phải sống”

Không khí tang thương bao trùm trường trung học Danwon sau thảm họa chìm tàu. Các em học sinh treo những dải ruy băng vàng xung quanh cổng trường. Những dải ruy băng tượng trưng cho niềm hy vọng và tình đoàn kết - thông điệp mà học sinh trường Danwon muốn gửi tới những người bạn học và gia đình có người thân thiệt mạng.

Một đài tưởng niệm tạm thời xuất hiện trong trường. Mọi người đặt hoa và những tờ giấy nhắn xung quanh nó.

“Đại ca, bạn phải sống. Bạn phải quay trở lại nhé!”, một học sinh viết trên giấy.

Một học sinh khác viết: “Tớ muốn trông thấy các bạn. Chúng tớ luôn yêu và cầu nguyện cho mọi người”.

Nhiều lời nhắn từ các em học sinh bày tỏ sự hối tiếc vì không thể giúp đỡ các bạn trên con tàu khởi hành từ thành phố cảng Incheon tới đảo Jeju khi nó chìm dần.

Trường Danwon hoạt động trở lại từ hôm 24/4 nhưng chỉ những học sinh năm cuối tới trường. Số học sinh còn lại sẽ tiếp tục chương trình học vào thứ hai tuần tới. Không khí ảm đạm bao trùm khuôn viên trường. Khoảng 100 bác sĩ tâm lý và nhân viên hỗ trợ luôn ở trong trường để có thể tư vấn kịp thời cho các em. Một số em đội mũ hoặc che mặt khi thấy các nhà báo.  

Không khí tang thương trong ngày đầu tựu trường sau vụ Sewol

Việc đối mặt với cảnh lớp học đông vui ngày nào giờ vắng bóng đến lạnh người có lẽ là nỗi đau khó có thể vượt qua của học sinh trường Danwon trong ngày đầu trở lại sau vụ tàu chìm.


“Tất cả chúng tôi đều quá đau đớn”

Khoảnh khắc một người cha của nạn nhân vụ chìm tàu đau đớn trước nỗi đau mất con. Ảnh: EPA.
Khoảnh khắc một người cha của nạn nhân vụ chìm tàu đau đớn trước nỗi đau mất con. Ảnh: EPA

Tang lễ của các em học sinh thiệt mạng diễn ra trong những ngày gần đây. Trước khi các nghi lễ diễn ra, xe tang đi vòng qua sân trường lần cuối.

Thảm họa chìm tàu ảnh hưởng sâu sắc tới người dân địa phương. “Tôi cứ ngỡ trái tim tôi đang tan nát. 3 ngày qua, tôi đã không ăn. Tất cả mọi người đều đau xót", Ryu Chang Ryul, một người dân sống gần trường học, nói.

Kim Young Sook, chủ một tạp hóa nhỏ gần trường học, khóc khi nói rằng học sinh là những khách hàng thường xuyên của cô. Sau đó, Kim bật đoạn video về một cậu bé 17 tuổi đang chơi guitar. “Thằng bé thường gọi tôi là dì. Chuyến tham quan lần này rất ý nghĩa với nó”, cô nói.

Nỗi đau của một người mẹ

Trong khi đó, cha, mẹ của các học sinh thiệt mạng dường như quá tuyệt vọng. Họ chỉ có thể giữ chặt những bức hình và dõi theo đoạn video về con trong nước mắt.

Christine Kim là giáo viên dạy tiếng Anh. Con gái út của cô, Billy, là một trong số những học sinh trên tàu. Billy là một cô bé hồn nhiên, vô tư. Kim gọi con là Billy vì hồi nhỏ, em rất thích những con dê. Tuần trước, Kim đứng trên đảo Jindo và nhìn ra biển. Cô gào khóc rồi gọi con trong vô vọng,  giữa những con sóng đang xô bờ: “Mẹ đây. Mẹ đây mà!”.

Nỗi đau mất vợ của ông lão lục tuần trong vụ tàu chìm

Ông lão 67 tuổi thẫn thờ ngắm bức ảnh vợ trong căn phòng dành cho thân nhân hành khách chết và mất tích sau khi tàu Sewol chìm.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm