CNN đưa tin các thợ lặn tìm thấy 48 thi thể nữ mặc áo phao trong một buồng ở của tàu Sewol. Nó cho thấy nhiều người dồn vào một khu vực khi tàu lật nghiêng trong những giây phút cuối cùng.
Ông Kim Jin Hwang, người chỉ đạo hoạt động cứu hộ của Hải quân Hàn Quốc, cho biết, mạn phải của tàu Sewol tiếp xúc với đáy biển. Hầu hết cửa sổ của tàu đã vỡ. Hiện tại, các thợ lặn đang tìm kiếm ở tầng 4, nơi phần lớn hành khách có thể mắc kẹt sau khi tàu đắm.
Thợ lặn chuẩn bị xuống nước để tìm người mất tích trong tàu Sewol hôm 22/4. Ảnh: Reuters |
Giới chức xác nhận rằng, tính tới 16h hôm 25/4, ít nhất 185 hành khách đã chết và 117 người khác vẫn mất tích. Phần lớn nạn nhân mất tích là học sinh.
"Tổng cộng 88 thợ lặn tham gia chiến dịch tìm người mất tích dưới nước. Họ sẽ tập trung vào các buồng ở tầng 3 và 4", ông Koh Myung Suk, một quan chức cấp cao của lực lượng tuần duyên, nói.
Lực lượng cứu hộ đang gặp rất nhiều trở ngại trong nỗ lực tiếp vào sâu bên trong con tàu đắm vì vật thể trôi nổi chắn lối hay một số cửa không thể mở vì áp lực của nước. Ngoài ra, dòng hải lưu mạnh tác động vào đường ống cung cấp dưỡng khí cho các thợ lặn, khiến họ không thể hoạt động quá lâu dưới đáy biển. Ở thời điểm hiện tại, họ đã kiểm tra những vị trí dễ tiếp cận. Người ta lo ngại nỗ lực cứu hộ sẽ trở nên khó khăn hơn vì các dòng hải lưu mạnh và điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Tàu cứu hộ USNS Safeguard thuộc biên chế Hạm đội 7, Hải quân Mỹ đã khởi hành để tới vùng biển tàu Sewol chìm. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc chưa công bố kế hoạch để tàu tham gia các hoạt động cứu hộ.
Ngoài ra, một lượng lớn thợ lặn dân sự đang túc trực ở khu vực tàu Sewol gặp nạn. Một trong số họ là Lee Jong In, người đứng đầu công ty cứu hộ Alpha từng tham gia cứu hộ trong vụ chiến hạm Cheonan chìm vào năm 2010.
Một trong những công cụ cứu hộ mà thợ lặn sử dụng trong năm 2010 là chuông lặn. Nó giúp họ tiếp cận các vị trí dễ dàng hơn và ở dưới nước lâu hơn. Nhưng giới chức chưa quyết định về việc sử dụng chuông lặn.