Đã thành thông lệ từ nhiều năm nay, Đường sách Tết (do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức) diễn ra ngày 29/1-4/2 (tức 27 tháng chạp năm Tân Sửu đến mùng 4 Tết Nhâm Dần) với chủ đề “Xuân quê hương - Ấm tình nhân ái” tại TP.HCM.
Tại thủ đô, Phố sách xuân cũng được UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức với chủ đề “Cánh én chào xuân - Nâng tầm tri thức”. Chương trình diễn ra ngày 29/1-6/2 (tức 27 tháng chạp năm Tân Sửu đến mùng 6 Tết Nhâm Dần).
Sau một mùa tham gia tổ chức và làm việc tại lễ hội Đường sách Tết Nhâm Dần, chị Quỳnh My - nhân viên Truyền thông Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - chia sẻ: “Tôi nhớ mãi hình ảnh các em bé được ẵm trên tay bố mẹ, những ông bà lớn tuổi, thiếu nhi, sinh viên… đến tham quan và mua sách dưới ánh nắng của những ngày đầu xuân”.
Điều chị My ấn tượng cũng là niềm vui của nhiều người làm công tác xuất bản khi tham gia trưng bày, bán sách tại lễ hội Đường sách Tết (TP.HCM) và Phố sách xuân (Hà Nội) trong những ngày qua.
Lễ hội Đường sách Tết được coi là điểm hẹn văn hóa của người yêu sách tại TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Điểm hẹn văn hóa của người yêu sách
Cùng một số nhân viên khác làm việc tại đường sách ở phố Nguyễn Huệ và Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) từ 27 Tết, chị Quỳnh My cho biết năm nay, mọi người tham quan và mua sách rất đông. Họ chọn cho mình nhiều đầu sách để mang về đọc trong những ngày nghỉ Tết.
“Độc giả đến từ nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau. Có nhiều người xa quê phải ở lại TP.HCM ăn Tết. Với họ, đây là món quà đầu năm và điểm hẹn văn hóa lý tưởng để gặp gỡ, chia sẻ không khí Tết bên trang sách”, chị My nói.
Lễ hội Đường sách TP.HCM trưng bày khoảng 50.000 tựa sách của các đơn vị xuất bản, phát hành trên địa bàn thành phố. Theo quan sát của chị My, bạn đọc không cố định chọn sách theo khuôn khổ. Đa phần, những cuốn sách được tìm mua nhiều nhất là dòng sách Tết, kỹ năng, lối sống tích cực, kinh doanh và sách về chủ đề văn hóa, lịch sử như: Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, Có những ngày chông chênh giữa phố, Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ, Mái nhà của con…
Điểm đáng chú ý là giới trẻ chủ yếu mua sách về chủ đề phong tục, lễ Tết. “Mọi người mua sách như đem về một món ăn tinh thần về nhà cho ngày Tết, để vừa đón năm mới, vừa đọc và suy ngẫm nhiều hơn. Con người rất cần sách để làm ấm thêm tinh thần, bớt trống trải và suy nghĩ tích cực hơn sau khoảng thời gian giãn cách vừa qua”, chị My chia sẻ.
Tại điểm đến cho người yêu sách ở đầu cầu Hà Nội, chị Nguyễn Thu Hồng - Giám đốc Nhà sách Thái Hà Books - bày tỏ sự bất ngờ vì trong điều kiện dịch bệnh, lượng người đến tham quan Phố sách xuân rất đông.
“Số lượng độc giả đến đây nằm ngoài dự đoán của chúng tôi. Từ chiều mùng 1 Tết, nhiều bạn đọc đã du xuân tại phố sách. Đến mùng 2 Tết, số lượng đông một cách bất ngờ”, chị Hồng cho hay.
Giám đốc Nhà sách Thái Hà Books lý giải một trong những nguyên nhân là trong điều kiện dịch bệnh, nhiều địa điểm vui chơi của Hà Nội phải tạm đóng cửa. Phố sách xuân vì thế mà càng trở thành điểm đến lý tưởng của giới trẻ.
Đối tượng độc giả chủ yếu là các gia đình trẻ dẫn con đi du xuân và học sinh, sinh viên. Mọi người vừa muốn “check-in” tại một địa điểm đẹp, vừa muốn trải nghiệm không khí Tết bên những trang sách. Đặc biệt, theo quan sát của chị Hồng, nhiều trẻ nhỏ năm nay đã biết dùng tiền lì xì để mua sách.
Các nhân viên Công ty sách Fahasa trưng bày sách tại lễ hội Đường sách Tết Nhâm Dần (TP.HCM). Ảnh: Chí Hùng. |
Tín hiệu tích cực từ doanh số
Anh Phạm Văn Tiến - Phó giám đốc, Trưởng nhà sách Fahasa tại Trung tâm Nguyễn Huệ (TP.HCM) - thông tin trong thời gian tham gia lễ hội Đường sách Tết Nhâm Dần, đơn vị này có doanh số bán sách khả quan.
“Dòng sách được độc giả quan tâm nhất là manga, comic, sách thiếu nhi, văn học, tâm lý và kỹ năng. So với sự kiện năm 2021, doanh thu bán sách của chúng tôi tăng gấp 1,5 lần. Đây là tín hiệu tích cực của đơn vị sau thời gian dài giãn cách”, đại diện Fahasa cho hay.
Doanh thu tăng gấp 1,5 lần so với sự kiện cùng kỳ năm 2021 cũng là dự đoán của chị Nguyễn Thu Hồng - Giám đốc Nhà sách Thái Hà Books - sau một mùa tham gia Phố sách Xuân tại Hà Nội.
“Con số này vượt ngoài mức mong đợi. Dòng sách được mua nhiều nhất của đơn vị tôi là sách tâm linh, Phật giáo, sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh và sách thiếu nhi. Nhiều tựa sách thiếu nhi từ các đơn vị xuất bản khác cũng được độc giả xếp hàng dài để chờ mua”, chị Hồng nói.
Làm việc tại đường sách Nguyễn Huệ trong dịp Tết này, anh Phạm Văn Tiến quan sát dòng người tham quan lễ hội Đường sách TP.HCM tấp nập nhưng vẫn tuân thủ “5K” để đảm bảo an toàn phòng dịch. Anh tiếp xúc một vài khách hàng và lắng nghe được câu chuyện của họ.
“Nhiều du khách tham quan đường hoa Nguyễn Huệ và thấy khu vực trưng bày sách nên ghé qua. Họ muốn có trải nghiệm đọc sách đầu xuân vì trong năm, họ lu bu với công việc nên chưa có nhiều thời gian để chọn sách”, anh Tiến lý giải.
Điều để lại ấn tượng nhất trong anh là sự phấn khởi của khách hàng khi tìm được những đầu sách phù hợp sở thích và nhu cầu; tiếp đến là tinh thần đáng quý của nhân viên trong đơn vị vì đã hy sinh không ăn Tết bên gia đình để làm việc suốt những ngày qua.
Nhiều bạn trẻ chọn Phố sách xuân (Hà Nội) là điểm xuất hành đầu năm. Ảnh: Việt Linh. |
Điểm xuất hành đầu năm
Đường sách và đường hoa tại TP.HCM là điểm đến không thể thiếu của thành phố trong nhiều năm qua. Có những người chọn đây là điểm xuất hành đầu năm.
“Nhiều bậc phụ huynh đưa con em đến đây vì muốn khuyến đọc cho trẻ từ nhỏ. Mọi người bắt đầu trở lại guồng mua sắm sách sau nhiều đợt giãn cách” là quan sát của chị Quỳnh My (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM).
Chị My cảm nhận dòng người đến mua sách trong sự hứng khởi, lạc quan. Các gia đình cùng thưởng thức không khí Tết bên đường hoa và các gian hàng bày bán sách. Dịp đầu năm, mọi người muốn nạp năng lượng và tri thức để phấn đấu cho công việc cũng như trong học tập.
Chị kể: “Tôi có tiếp một đoàn sư thầy. Họ mua và tặng sách cho nhau. Điều này cho thấy dù ở vai vế, độ tuổi nào, người ta cũng cần tiếp cận tri thức. Mua sách đầu năm đã dần trở thành phong trào đẹp”.
Số lượng người đến Phố sách Xuân tại Hà Nội cũng là điều để lại ấn tượng nhiều nhất với chị Nguyễn Thu Hồng.
“Có những gia đình bỏ ra 2-3 triệu đồng để mua sách đọc đầu năm. Có độc giả nữ tâm sự với tôi rằng năm nay dịch bệnh nên thưởng Tết bị hạn chế, mọi chi tiêu sắm sửa trong dịp Tết đều phải được cân đo, đong đếm cẩn thận, nhưng riêng với sách thì không. Chị để các con tự chọn sách theo sở thích và không hạn chế số lượng đầu sách được phép mua”, chị Hồng kể.