Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lì xì sách - món quà đặc biệt ngày đầu năm

Bên cạnh phong bao lì xì, Tết năm nay, những cuốn sách được lựa chọn để mừng tuổi cho trẻ em, tạo thành nét văn hóa đẹp đầu năm.

Trước khi về quê nghỉ Tết, chị Thanh Tâm (Hà Nội) đã tới nhà sách Kim Đồng lựa chọn những tác phẩm thiếu nhi để lì xì các cháu nhỏ của mình. Những cuốn sách được gói trong giấy đỏ thay cho món quà tinh thần trao tặng trong ngày Tết Nguyên đán.

Giống chị Tâm, Tết Nhâm Dần, nhiều người lì xì sách tới người thân. Trước đó, các nhà xuất bản cũng làm nhiều sách ý nghĩa dịp Tết, cổ vũ lì xì sách tạo thành nếp văn hóa đẹp.

Li xi sach anh 1

Sách thiếu nhi chủ đề ngày Tết phù hợp để lì xì cho bạn đọc nhỏ. Ảnh: Đỗ Thu.

Món quà từ người yêu sách

Vốn làm việc trong ngành xuất bản, chị Phùng Hà (37 tuổi, Hà Nội) mừng tuổi sách từ bảy năm trở lại đây. Đầu tiên, chị Hà mừng sách cho con cháu trong nhà và bạn bè thân thiết. Có lúc, chị Hà mừng tuổi bằng phong bao lì xì như truyền thống cùng sách, có lúc chị mừng tuổi bằng sách.

Nguyễn Linh (27 tuổi, Hưng Yên) là người yêu thích đọc sách. Anh chọn lì xì sách từ năm 2017 và tặng nhiều sách hơn trong những năm tiếp theo.

Năm 2017, Linh có thêm nhiều bạn bè cũng thích đọc sách, với các “mọt sách”, không gì thích thú hơn là được nhận tác phẩm hay do bạn bè tặng. Đó là lý do khiến Linh tặng sách cho những người bạn cùng sở thích.

Sau đó, Linh nhận ra người thân quanh mình cũng từng đọc sách thời sinh viên, đến khi đi làm do bận rộn mà không còn làm bạn với trang sách nữa. Anh đã tặng họ sách vào dịp Tết như món quà kỷ niệm, vừa mong muốn người được tặng quay lại đọc sách. Sau cùng, nhận thấy ý nghĩa của việc tặng sách, Linh thay lì xì Tết bằng sách cho cháu nhỏ con của bạn bè mình.

Những người lì xì lựa chọn kỹ lưỡng các tác phẩm để tặng. Khi chọn sách mừng tuổi cho thiếu nhi, chị Phùng Hà ưu tiên lựa sách có chủ đề về Tết cổ truyền, phù hợp lứa tuổi.

Bên cạnh đó, chị Hà cũng lì xì những cuốn sách thú vị như Doraemon, truyện về các danh nhân, các tập thơ có minh họa đẹp, tác phẩm văn học cuốn hút, hay những cuốn truyện tranh về kiến thức, khoa học, lịch sử lý thú…

Năm nay, chị Phùng Hà tặng nhiều cuốn có chủ đề Tết như: Nhâm Nhi Tết, Kể chuyện Tết Nguyên đán, Đúng là Tết, Lễ Tết quê hương - Mí đi xông đất, Những ngày Tết ta…

Nguyễn Linh cũng chuẩn bị sách để lì xì từ sớm, chọn sách phù hợp với từng độ tuổi. Anh Linh chọn những cuốn sách liên quan đến mỹ thuật và tâm lý để lì xì vợ, loạt ehon để tặng các em nhỏ đang tuổi mẫu giáo cũng như cuốn sách mới như Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng của Nguyễn Nhật Ánh để lì xì cho các em thiếu niên…

Linh cho biết nhờ quá trình chọn sách lì xì, anh nhận ra thị trường xuất bản có nhiều sách dành cho thiếu nhi phong phú, hấp dẫn. Có phụ huynh, khi con nhận được lì xì đã nhờ anh Linh mua thêm những bộ ehon mới để con em đọc.

Món quà đặc biệt ngày đầu năm

“Tôi vui sướng khi nhìn thấy lũ trẻ say sưa mở sách ra đọc ngay khi chúng vừa được mừng tuổi”, chị Phùng Hà chia sẻ cảm xúc khi lì xì sách ngày Tết.

Nhớ lại tuổi thơ, trong lần đi chơi Tết ở nhà một người thân, chị Hà lần đầu được cầm đến cuốn Doraemon, truyện đầu tiên chị đọc là Ngôi sao may mắn đã để lại ấn tượng sâu sắc.

Chị Hà hy vọng bạn nhỏ khi được mừng tuổi bằng sách cũng mãi nhỡ về cuốn sách tuổi thơ của mình với cảm xúc ngọt ngào như thế.

Li xi sach anh 2

Hai bạn nhỏ được lì xì sách Đúng là Tết, This is Tết. Ảnh: Đỗ Thu.

Với Nguyễn Linh, anh chọn đối tượng phù hợp để lì xì. Linh nói: “Trong việc tặng sách tôi khá chọn lọc, nhắm vào những người thích đọc hoặc có tiềm năng đọc vì nếu tặng sai người thì uổng phí. Đôi khi tặng sách lệch gu, sai lứa tuổi, thị hiếu còn nguy hại hơn. Vì vậy ngoài sách tôi vẫn thường lì xì bằng tiền”.

Trong số những người được Linh tặng sách, các em nhỏ thường hào hứng, chia sẻ thông tin trong sách tới phụ huynh cũng như người tặng.

Theo Nguyễn Linh, việc lì xì sách đang dần phổ biến. Trong các group đọc sách, các chủ đề về chọn sách để lì xì cũng được bàn luận sôi nổi. Với Linh, việc lì xì bằng sách có nhiều ý nghĩa tích cực, như một món quà kỷ niệm, chứa đựng văn hóa, kiến thức, góp phần lan tỏa văn hóa đọc. Việc lì xì sách cũng mang đến niềm vui cho chính người tặng.

“Tôi nghĩ mọi người muốn được trẻ em nhận diện là ‘ông chú tặng tớ cuốn sách năm ngoái’ thay vì ‘ông chú năm ngoái lì xì tờ 500K’. Những cuốn sách sẽ là kỷ niệm mà mỗi khi cầm chúng lên tay, người đọc có thể nhớ nhiều thứ hơn con số tiền”, Linh nói.

Chị Phùng Hà cho rằng hiện nay, không phải trẻ em nào cũng được tiếp xúc thường xuyên với sách. Mừng tuổi sách ngày Tết là một phong tục đẹp gửi gắm những lời chúc may mắn tốt lành.

“Sẽ còn tuyệt vời hơn nữa nếu việc mừng tuổi bằng sách được nhiều phụ huynh hưởng ứng, để nhiều trẻ em có thể được tiếp cận với những cuốn sách hay trong dịp lễ đặc biệt này. Tôi luôn nghĩ rằng mỗi cuốn sách được tặng sẽ là một món quà đặc biệt với các em. Và tôi luôn hy vọng giống như một ‘ngôi sao may mắn’, cuốn sách ấy sẽ gợi mở những câu chuyện thú vị, để nuôi dưỡng trong các em tình yêu với sách”, chị Phùng Hà nói.

Hình tượng con hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam

Những hiện vật trưng bày tại triển lãm "Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam" mang đến cho người xem cái nhìn thú vị về hình tượng con hổ trong văn hóa dân tộc.

Cảm xúc trong ngày cuối cùng của năm

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Phong Việt hay tác giả trẻ Nguyễn Chiều Xuân đều dành những trang viết của mình để nói về điều này.

Đỗ Thu

Bạn có thể quan tâm