Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mùi của Tết

Tôi gọi hương mùi già chiều cuối năm là mùi của Tết, là hương thơm của tình thân và sự đoàn tụ.

Mới chỉ gọi tên thôi mà mùi hương nguyên sơ và nồng ấm ấy như được kích hoạt, gây thương nhớ đậm sâu đến từng tế bào cảm xúc. Mùi hương ấy đưa tôi về phiên chợ quê ngày Tết rộn ràng, nơi những người phụ nữ bé nhỏ bán những nắm cây thân cỏ mảnh mai, về căn bếp nhỏ có nồi nước lá khói thơm nghi ngút, về đôi tay gầy của bà, của mẹ âu yếm múc từng gáo nước có màu xanh lục nhạt trong nghi lễ gột rửa thân thuộc mà thiêng liêng.

Tôi băn khoăn không biết nên miêu tả hương mùi già như thế nào, để các bạn trẻ bây giờ có thể mường tượng được trọn vẹn về một thứ hương thơm gần gũi mà vô cùng lay động ấy. Có lẽ, chỉ miêu tả thôi thì chưa đủ, mà hãy tạo ra những trải nghiệm.

Tôi tin rằng nếu người lớn giúp các bạn trẻ nắm bắt và cảm nhận được những vẻ đẹp ấm áp của những phong tục truyền thống ngày Tết, của hương Tết thì đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Đó cũng sẽ là ký ức khi chúng lớn lên, ký ức sẽ đi theo suốt cuộc đời. Những đứa trẻ có nhiều ký ức đẹp thì tâm hồn chúng khi lớn lên cũng sẽ mang vẻ đẹp riêng của sự hướng thiện và lòng khoan dung.

Mui gia anh 1

Tranh của Trinh Phan. Ảnh chụp từ sách.

Này bạn trẻ, bạn đã bao giờ được ngắm nhìn một người phụ nữ nông dân làm công việc lưu giữ mùi hương của Tết? Bạn sẽ nhìn thấy ở đó vẻ đẹp của sự tần tảo, chăm chỉ và cẫn mẫn vô điều kiện.

Đi cùng tôi dọc theo con đê sông Hồng uốn lượn về thôn Cổ Giang (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), nơi đất đai đồng bãi tốt tươi, bạn sẽ gặp một người phụ nữ nông dân nhỏ bé làm công việc gieo trồng và lưu giữ mùi của Tết suốt hai mươi năm nay.

Mỗi năm, cứ tới tháng chín Âm lịch, bà lại gieo những hạt giống mùi đã được lưu giữ, bảo quản cẩn thận từ vụ trước. Bà không thu hoạch cây mùi như một thứ rau gia vị quen thuộc trong bữa ăn của người Việt. Bà cần mẫn chăm sóc ruộng mùi cho tới ngày cây lớn cao ngang ngực và duyên dáng trổ những bông hoa trắng li ti dịu dàng. Đến khi thân cây hao gầy, rễ cây khô đanh lại, hoa tàn thì quả đậu. Lúc những quả mùi già căng mọng như những giọt thủy tinh màu xanh lục nhạt, ngậm đầy hương thơm, cũng là lúc Tết sắp về.

Người phụ nữ thu hoạch cây mùi già, bó thành từng nắm nhỏ, xếp đầy lên chiếc xe đạp cũ kĩ rồi thong dong đạp xe vào phố. Bà đến những chợ quen trong phố, nơi có nhiều khách mua quen vui mừng gặp lại bà để mua những nắm mùi già. Hương mùi già từ đó lại theo chân các bà, các mẹ len lỏi khắp các ngõ phố để sưởi ấm những ngôi nhà.

Người phụ nữ nông dân trở về nhà khi trời tối muộn, nhưng trong lòng bà vui sướng vì đã bán hết những nắm lá thơm thảo. Bà có thêm tiền để mua sắm cái Tết giản dị của người quê, không dư giả nhưng hài lòng, vì đó là thành quả lao động, là lời cảm ơn của đất bãi phù sa, của hương mùi già dành tặng cho bà.

Ở ngoại thành Hà Nội còn có một ngôi làng chuyên trồng mùi già, ở thôn Hoạch An, xã Kim An, huyện Thanh Oai. Đất đồng làng là thứ đất cát mềm, phù hợp cho cây mùi già vốn nền nã, hiền hòa sinh trưởng tươi tốt.

Cánh đồng mùi già rộng lớn, nhìn trên cao xuống trông như một dòng sông xanh với những gợn sóng mềm mại. Thú vị nhất là đến đấy lúc người nông dân bận rộn, khẩn trương thu hoạch cây mùi, vụ thu hoạch chỉ kéo dài trong năm ngày giáp Tết, từ khoảng hai mươi lăm đến ba mươi Tết.

Đường làng, ngõ xóm thơm ngát mùi của Tết, thứ mùi mà các bà các cô nơi đây gọi yêu là “nước hoa hương đồng gió nội”. Công việc thu hoạch cây mùi già không quá vất vả, nhưng cần phải khẩn trương để kịp ra chợ Tết, nên người làng chong đèn làm tới khuya. Những đêm giáp Tết lạnh giá, lại thấy hương mùi già nồng nàn và ấm áp như một bàn tay nắm lấy bàn tay.

Này bạn trẻ, có phải bạn thường thấy Tết về người lớn ai cũng hối hả hoàn thành công việc trong năm rồi tất bật dọn dẹp, sửa sang nhà cửa và đi sắm Tết. Còn bạn thì có cả tá lý do để cuộn mình trong chăn ấm, tận hưởng những ngày nghỉ Tết thảnh thơi và lười biếng. Tắt máy tính và chui khỏi chăn đi nào, kẻo bạn lại thành người vô tâm đánh mất những khoảnh khắc nhộn nhịp và hối hả, tràn đầy màu sắc và hương vị của tình thân ngày giáp Tết.

Bạn có cùng mẹ đi chợ sắm mai đào, để choáng ngợp với muôn hoa lá cỏ cây trong chợ hoa ngày Tết? Bạn có cùng cha trồng cây quất, giống như trồng một niềm may mắn cho năm mới để trưng ngoài hiên nhà và ngắm những trái vàng lung linh giữa lá xanh? Bạn có giúp bà bày mâm ngũ quả thơm lành và thanh tịnh dâng cúng tổ tiên với tràn ngập lòng biết ơn? Và bạn có nghe thấy trong gió xuân một mùi hương quấn quýt mà lay động?

Người Việt mình tin rằng ngày cuối năm tắm gội bằng nước đun từ cây mùi già sẽ giúp gột rửa những bụi bặm, xui xẻo, muộn phiền của năm cũ, để đón những điều may mắn, bình an sẽ đến trong năm mới.

Hương mùi già lưu lại trên da, trên tóc của bạn đem lại cảm giác nhẹ nhõm và trong trẻo. Và mùi hương ấy cũng lưu lại trong tầng sâu của ký ức, để mỗi độ Tết về lại khát khao được đoàn tụ, quây quần bên những người thân yêu.

Có nhiều người trẻ không quên lãng mà trân trọng mùi hương của Tết. Họ mày mò và lưu giữ hương Tết theo cách riêng của mình. Những sản phẩm mộc mạc chiết xuất hương thơm từ cây mùi già như xà phòng, tinh dầu, nước tắm… đã được sản xuất và bán trên thị trường. Họ mong muốn đem mùi của Tết truyền thống tiếp cận được các khách hàng trẻ và phù hợp với nhịp sống hiện đại.

Việc lưu giữ mùi hương của Tết Việt được chuyển giao một cách tự nhiên, đầy trách nhiệm và tâm huyết từ thế hệ này sang thế hệ khác, cứ như ngọn gió mùa xuân mát lành thổi mãi.

Minh Minh / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY