Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự nguy hại của lời khen

Ngày nay, chúng ta không tiếc lời khen ngợi con trẻ. Người ta thường tin rằng sự ca tụng, sự tự tin và chuyện học giỏi thường đi liền với nhau.

Vòng qua góc lớp mẫu giáo để đón con gái, tôi nghe được một cô giáo nói với con tôi, “Con đã vẽ cái cây đẹp nhất. Giỏi lắm”. Một vài ngày sau, cô ấy chỉ một bức vẽ khác của con tôi và nhận xét, “Wow, con thực sự là một nghệ sĩ!”

Trong cả hai lần, tôi đều thấy bối rối. Làm sao tôi có thể giải thích với cô giáo mầm non rằng tôi muốn cô đừng khen ngợi con mình như thế?

Ngày nay, chúng ta không tiếc lời khen ngợi con trẻ. Người ta thường tin rằng sự ca tụng, sự tự tin và chuyện học giỏi thường đi liền với nhau. Nhưng các nghiên cứu hiện nay chỉ ra điều ngược lại - trong suốt thập kỷ qua, một số nghiên cứu về lòng tự tôn đã đi đến kết luận rằng khen trẻ “thông minh” có thể không giúp ích cho chúng trên trường. Ngược lại, nó có thể khiến chúng học kém đi.

Khen ngoi anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Lopez Studios.

Thường một đứa trẻ sẽ phản ứng lại lời khen bằng cách từ bỏ - sao phải vẽ bức mới nếu bạn đã vẽ bức tranh “đẹp nhất”? Hoặc chúng đơn giản chỉ vẽ lại bức tranh cũ - sao phải vẽ thứ gì mới, hay theo một cách mới, nếu bức cũ luôn luôn được khen ngợi?

Trong một nghiên cứu năm 1998 giờ đây đã rất nổi tiếng về trẻ em trong độ tuổi mười và mười một, nhà tâm lý học Carol Dweck và Claudia Mueller đã cho 128 đứa trẻ giải một loạt bài toán. Sau khi hoàn thành một tập bài đơn giản, các nhà nghiên cứu tặng mỗi em một câu khen ngợi.

Một số em được khen vì trí thông minh của chúng - “Con làm rất giỏi, con thật thông minh”; những em khác vì sự nỗ lực của chúng - “Con làm rất giỏi, hẳn là con đã cố gắng rất nhiều”. Rồi họ để chúng giải các tập bài khó hơn. Kết quả rất khác biệt.

Những học sinh được khen ngợi vì nỗ lực chịu khó tìm ra các phương pháp mới hơn. Chúng cũng thể hiện sức bật tốt hơn và thường coi thất bại của mình là do chưa đủ cố gắng, chứ không phải do thiếu thông minh.

Lũ trẻ được khen ngợi vì sự lanh lợi lo lắng nhiều hơn về thất bại, thường chọn những bài toán xác nhận những gì chúng đã biết, và thể hiện sự thiếu kiên trì khi gặp bài toán khó. Hơn hết là, sự hưng phấn tạo ra khi được khen “Con thật thông minh” mở đường cho sự gia tăng âu lo và sụt giảm lòng tự tôn, động lực, và năng lực.

Khi được các nhà nghiên cứu nhờ viết lại trải nghiệm của mình cho học sinh trường khác, một số trẻ “lanh lợi” đã nói dối, tự nâng điểm số của mình lên. Nói tóm lại, tất cả những gì cần để đánh bật sự tự tin của con trẻ, khiến chúng bất hạnh đến mức phải nói dối là một câu khen ngợi.

Stephen Grozs/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY