Đã thành truyền thống, ngoài bánh chưng xanh, câu đối đỏ, mứt cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Một số tác giả đã viết nên những cuốn sách về ý nghĩa và cách thức làm từng loại mứt với mong muốn đem đến cho độc giả một mùa Tết ấm áp bên hương vị ngọt ngào của mứt.
Giang Vũ giới thiệu tới bạn đọc 30 món mứt ngon của người Việt. Trong khi đó, hai tác giả Nguyễn Thị Phiên và Đỗ Thị Phương Nhi nhớ về kỷ niệm bên món ăn này qua Hoài niệm mứt Tết. Còn Mứt Việt - Vị ngọt Tết xưa nói lên dư vị ngày Tết trong tiềm thức của Hồ Đắc Thiếu Anh và Nguyễn Hồ Tiếu Anh.
Phiên bản bìa cứng và mềm của cuốn 30 món mứt ngon của người Việt. Ảnh: Giang Vũ. |
Tình yêu ẩm thực truyền vào trang sách
Tác giả Giang Vũ là người làm trong lĩnh vực ẩm thực lâu năm. Cô giới thiệu đến bạn đọc công thức làm mứt vừa truyền thống, vừa hiện đại qua cuốn 30 món mứt ngon của người Việt.
“Những món mứt trong cuốn sách này được làm bằng tình yêu từ trái tim tôi đối với ẩm thực Việt. Tôi hy vọng dựa trên cuốn sách cơ bản này, bạn sẽ sáng tạo ra nhiều món mứt tuyệt vời và đẹp mắt hơn thế nữa”, tác giả chia sẻ.
Theo Giang Vũ, cách chế biến món mứt tưởng chừng đơn giản, nhưng muốn tạo ra hương vị đặc trưng thì người làm phải có bí quyết riêng. Một khay mứt ngon nhâm nhi bên tách trà sẽ giúp cho tinh thần thêm sảng khoái, thư giãn sau một năm đầy lo toan và bận rộn.
30 món mứt ngon của người Việt mang đến bí quyết làm mứt đảm bảo đủ tiêu chí ngon, lành và sạch; được thực hiện một cách đơn giản nhưng vẫn tôn vinh nét đẹp của món ăn giản dị, thân thuộc với người Việt trong những ngày đầu xuân năm mới.
Các công thức của tác giả Giang Vũ được chỉ dẫn từng bước rõ ràng, đi kèm hình ảnh đẹp, mộc mạc, gần gũi, giúp độc giả có thể áp dụng dễ dàng và chính xác ngay tại căn bếp trong gia đình.
Mứt Tết trong hoài niệm
Hoài niệm mứt Tết là cuốn sách nấu ăn của hai tác giả Nguyễn Thị Phiên và Đỗ Thị Phương Nhi. Sách giới thiệu cách thức thực hiện những món mứt truyền thống cho ngày Tết của mọi gia đình Việt như mứt gừng, mứt bí, mứt hạt sen, mứt quất…
Bên cạnh đó, hai tác giả còn nhắc lại những kỷ niệm về hương vị mứt trong Tết xưa: “Tôi nhớ những ngày cận Tết ở Huế. Trời vẫn còn lạnh, mưa phùn không ngớt. Mạ đã chuẩn bị cho chúng tôi những hũ mứt gừng, mứt vỏ cam sành, vừa giữ ấm vừa làm món tráng miệng tốt cho tiêu hóa.
Lúc ấy, còn một hơi ấm khác luôn tỏa ra từ gian bếp, hơi ấm của những chảo mứt đã bắt đầu đỏ lửa từ đầu tháng Chạp cho kịp Tết… Mỗi khi nhớ về những ký ức ấy, tôi bất giác lại cay cay nơi sống mũi, dẫu chẳng có bếp than nào đang nổi lửa lúc này”, tác giả Nguyễn Thị Phiên chia sẻ.
Trong khi đó, tác giả Đỗ Thị Phương Nhi hồi tưởng kỷ niệm học làm mứt bên bà. Bà thường chỉ dạy cô các công đoạn “bưng chảo mứt lên xóc đều, thỉnh thoảng dùng đũa đảo nhẹ nhẹ cho đến khi thấy đường thành bột trắng mới dừng, đó là đối với các loại mứt khoai, mứt bí, mứt củ sen.
Còn đối với mứt gừng thì công phu hơn, phải dùng tay gỡ các lát gừng ra cho thẳng, đẹp rồi cho ra mẹt, tuyệt đối không được để các lát mứt gừng bị cong queo, như vậy mới thể hiện được sự khéo léo của mình”.
Cứ thế, từng món mứt ngày Tết được hướng dẫn bằng cách làm cụ thể từ khâu chọn nguyên liệu, sơ chế, thực hiện đến cách bày biện đẹp mắt.
Không chỉ là cuốn sách dạy nấu ăn, Hoài niệm mứt Tết còn đưa bạn đọc trở về với hương vị ngọt ngào của những mùa Tết thuở xa xưa.
Sách Mứt Việt - Vị ngọt Tết xưa. Ảnh: Tú Khuyên. |
Vị ngọt của Tết
Với người Việt Nam, Tết là dịp đoàn viên, sum vầy, tưởng nhớ tổ tiên. Dù lập nghiệp nơi đâu, dịp này ai cũng mong muốn trở về bên gia đình. Trong những ngày đầu xuân, vị ngọt của mứt là điều không thể thiếu, giúp gắn kết câu chuyện của các thành viên trong gia đình.
Mứt Việt - Vị ngọt Tết xưa là cuốn sách tập hợp 21 món mứt quen thuộc mà hai tác giả Hồ Đắc Thiếu Anh và Nguyễn Hồ Tiếu Anh cùng góp nhặt, gửi gắm đến mọi gia đình Việt trong ngày lễ lớn nhất của dân tộc. Đó là 21 món mứt ngọt ngào, mang đậm hương vị ngày Tết của những quả, củ và hạt đặc trưng đến từ cả ba miền.
Từ miếng mứt bí ngọt lịm, mứt gừng cay nồng ấm nóng, mứt me chua dịu đến mứt nghệ mật ong đều mang hương vị đậm đà cho ngày đầu xuân. Đặc biệt, mỗi món mứt đều đi liền một câu chuyện mang nét văn hóa mộc mạc, gần gũi của người Việt.
Qua cuốn sách, hai tác giả Hồ Đắc Thiếu Anh và Nguyễn Hồ Tiếu Anh đem đến những kỹ năng ẩm thực tinh tế cùng nghệ thuật, hồn cốt của văn hóa làm mứt Tết trong từng trang viết.
Đọc Mứt Việt - Vị ngọt Tết xưa, những người con xa quê lại muốn trở về ngay bên gia đình để thưởng thức, nhâm nhi từng món mứt với hương vị ngọt thơm.