Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tôn vinh Tết qua món ngon trong gia đình

Trong cuốn “Món ngon Sài Gòn từ nhà ra phố”, tác giả Phạm Ngọc Khánh đưa phần món ăn ngày Tết lên đầu như cách tôn vinh Tết cổ truyền và không khí gia đình đầm ấm.

Món ngon Sài Gòn từ nhà ra phố là cuốn sách mới được phát hành, giới thiệu những món ăn đặc trưng của TP.HCM. Giống một chuyến trải nghiệm ẩm thực bằng hình ảnh sinh động và câu chuyện giản dị, sách giới thiệu phần nào nét văn hóa của thành phố.

Những món như bò bía, bánh tráng trộn, cơm tấm, hủ tiếu gõ hay những món du nhập từ mọi vùng miền về như phở, gà rán, hamburger… được thể hiện trong sách. Đây là tác phẩm đầu tay của tác giả trẻ Phạm Ngọc Khánh.

Mon ngon ngay Tet anh 1

Sách Món ngon Sài Gòn từ nhà ra phố. Ảnh: Tuấn Bình.

Mở đầu sách là phần “Ăn Tết trong nhà” giới thiệu món ngon ngày Tết phương Nam. Tác giả cho biết với cô, Tết là ngày sum vầy của gia đình, con cháu tụ họp, quây quần. Cô muốn gợi lại không khí ngày Tết qua trang sách của mình.

“Lúc còn nhỏ, tôi cũng như bao đứa trẻ khác đợi Tết đến để được nghỉ học, đi chơi, mặc đồ đẹp, nhận bao lì xì. Dù bây giờ đã lớn, những cái Tết của tôi không còn đủ người thân gia đình, tôi vẫn muốn ghi nhớ và trân trọng”, tác giả Phạm Ngọc Khánh nêu lý do cô đưa món ăn ngày Tết lên phần mở đầu sách.

Các bức tranh màu nước thể hiện sinh động ẩm thực TP.HCM. Gắn liền mỗi món ăn là những câu chuyện, kỷ niệm riêng tư của tác giả. Là con của họa sĩ Phạm Công Tâm, tác giả Phạm Ngọc Khánh nói cô được thừa hưởng chút năng khiếu hội họa và muốn vẽ lại những bức tranh trong sách như một cách nhắc nhở về sự đa dạng ẩm thực TP.HCM, nơi gia đình cô sinh sống nhiều đời.

Các trang viết trong sách đều từ cảm xúc thật của tác giả. Tác giả cho biết khi vẽ những món ăn liên quan gia đình, cô luôn nhớ về tuổi thơ, khoảng thời gian ở nhà cũ, những hình ảnh thân thuộc về ông bà nội, người bác đã đi xa, sinh hoạt đặc trưng của người thân trong gia đình…

Do đó, các trang sách về món ăn trong nhà của Phạm Ngọc Khánh không chỉ nói về ẩm thực, mà còn là tình cảm với người thân. Tác giả cho biết thông qua hình ảnh về bữa cơm gia đình, cô muốn gửi thông điệp nhà là nơi bình yên nhất trong tâm trí mỗi người.

Mon ngon ngay Tet anh 2

Món ăn "ngoài phố" được Phạm Ngọc Khánh vẽ từ nỗi nhớ trong những ngày giãn cách. Ảnh: Tuấn Bình.

Bản thảo sách được Phạm Ngọc Khánh thực hiện trong những ngày TP.HCM giãn cách vì dịch Covid-19. Bởi vậy, các món ăn ở hàng quán được tác giả vẽ phần nhiều bằng trí nhớ và tư liệu thu thập được từ những ngày thành phố còn trong cuộc sống thảnh thơi, nhộn nhịp hàng quán.

“Nhờ những ký ức vui vẻ ấy, tôi cảm thấy mình thoát ra được sự tù túng giữa bốn bức tường của căn chung cư để lần nữa phiêu lãng khắp phố phường”, tác giả chia sẻ.

Tác giả Phạm ngọc Khánh nói cuốn sách ghi lại cảm xúc của cô trong lúc giãn cách. Khi vẽ những món ăn ấy là lúc cô ngồi trong phòng, ngày qua ngày vẽ mong một ngày đại dịch kết thúc, cuộc sống trở lại bình thường, mọi hàng quán hoạt động, để tất cả được ăn lại những món ngon lành.

Cuốn sách ra mắt khi TP.HCM đã trở thành vùng xanh, thành phố đang dần lấy lại nhịp sống thường nhật. Món ngon Sài Gòn từ nhà ra phố giúp người đọc thêm hiểu, thêm yêu nét văn hóa đặc sắc của thành phố.

Ẩm thực ngày Tết qua những trang sách

Một số cuốn sách bàn về chủ đề bếp núc, ẩm thực đang được các đơn vị xuất bản, phát hành thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

Ẩm thực đường phố qua những trang sách

Trong những ngày giãn cách vì dịch, người đọc vẫn có thể thưởng thức các món ăn đường phố thông qua những cuốn sách viết về bún, phở, hay bánh mì.

Minh Phương

Bạn có thể quan tâm