IS huấn luyện chiến binh nhí để bổ sung lực lượng tham gia các cuộc tấn công. Ảnh: Mirror |
Khi đứng trình diện trước các tay súng cùng hàng trăm đứa trẻ Yazidi khác ở Iraq, Ahmed Aslef mới 10 tuổi. Daesh (tên Arab của IS) ra lệnh các em phải cầm súng, sau đó giết hết đứa trẻ đã có lông nách.
Trong cuộc thảm sát ở làng Kocho, khoảng 800 người, trong đó có những cậu bé mới 12 tuổi, đã bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) giết hại. Ahmed may mắn sống sót và được tuyển mộ vào nhóm chiến binh nhí của IS.
"Cháu không được đến trường và học toán, thay vào đó là một nơi có nhiều đứa trẻ khác. Chúng cháu phải học cách sử dụng vũ khí. Khoảng 60-70 bạn nam, không có nữ", cậu bé nói trong cuộc phỏng vấn với IB Times.
Các chiến binh nhí từ nhiều quốc gia khác nhau như Morocco, Afghanistan, Algeria, Tunisia, Jordan và Đức, đều phải học cách ném lựu đạn, tháo lắp và mang vác súng.
"Bọn cháu ở cùng nhau cả ngày và mặc một bộ đồng phục đặc biệt như người lớn", Admed kể.
Theo các chuyên gia, nhóm khủng bố nắm quyền kiểm soát hầu hết các trường học trong vùng chiếm giữ và thay đổi mọi thứ. Chúng sử dụng trẻ em làm chiến binh và áp dụng các phương thức truyền bá chưa từng có.
"Tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố 20 năm, nhưng chưa từng chứng kiến một hệ thống tuyên truyền tư tưởng cực đoan như của IS", John Horgan, chuyên gia Viện Nghiên cứu Toàn cầu của Đại học bang Georgia, nói.
Nhiệm vụ đầu tiên của chiến binh nhí là đọc và thuộc lòng kinh Koran, sau đó đến các hoạt động đào tạo thể lực, sử dụng vũ khí hạng nhẹ và huấn luyện đặc biệt. Thầy giáo là một người đàn ông lớn tuổi và hay cáu gắt.
Không chỉ bị lợi dụng cho mục đích tuyên truyền, trẻ em cũng là nạn nhân dễ bị "tẩy não".
"Tôi đã nói chuyện với một cậu bé 9 tuổi. Nó nói rằng không thể phê phán Daesh vì sau đó sẽ bị chém đầu", ông cho biết.
Nhiệm vụ đầu tiên của những đứa trẻ là học thuộc kinh Koran. Ảnh: Mirror |
Theo Horgan, chiến binh nhí trong tay IS có vai trò lớn trong các cuộc tấn công khủng bố ở Iraq và Syria. Các bé trai ngày càng có giá trị hơn khi nỗ lực đàn áp bằng chiến tranh của lực lượng Hồi giáo gặp khó khăn và tốn kém chi phí khi mở rộng phạm vi.
"Trẻ em tham gia một số nhiệm vụ như vận chuyển vũ khí, canh gác, cứu thương hay ném bom tự sát. Nếu có một cuộc xâm lược, tôi nghĩ các em sẽ là những người đầu tiên bị đẩy ra tiền tuyến", Horgan nhận định.
Admed kể rằng mình từng chứng kiến nhiều cái chết, trong đó trường hợp kinh hoàng nhất là ở Tal Afar, Iraq. Người Kocho, người Shiite, Turkmen đều bị Daesh giết chết.
Theo báo cáo của cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc, các hành động của tổ chức khủng bố tại Kocho đã gây nhiều thương vong cho người dân vô tội và trong nhiều trường hợp có thể cấu thành tội phạm chiến tranh, tội diệt chủng. Lực lượng người Kurd đã tìm thấy hai ngôi mộ tập thể chôn người bị IS giết hại, trong khi đó hàng trăm người khác vẫn chưa có tung tích.
Hai em gái của Ahmed Aslef cùng các thành viên khác trong gia đình bị bán làm nô lệ khi phiến quân càn quét khu vực phía bắc Iraq năm ngoái. Trong 9 tháng, họ bị nhốt trong những nơi chật hẹp, chỉ được phép ra ngoài đi vệ sinh và phải di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau vì bị bán đi nhiều lần.
Theo chương trình tị nạn dành cho phụ nữ và trẻ em chạy trốn khỏi tổ chức cực đoan, Ahmed đang sống trong một ngôi nhà an toàn ở Stuttgart, Đức. Mẹ cậu vẫn ở Iraq chờ tin của người chồng và các con trai lớn. Họ có thể vẫn nằm trong tay phiến quân, hoặc đã chết như bao người khác nhưng chưa được nhận dạng.