Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trà sữa 'made in Việt Nam' lên ngôi

Thị trường trà sữa trong nước từng bị các thương hiệu Đài Loan, Trung Quốc, Singapore thống trị. Tuy nhiên, gió đã đổi chiều với sự lên ngôi của các thương hiệu thuần Việt.

Các thương hiệu trà sữa thuần Việt đang chiếm ưu thế tại sân nhà. Ảnh: Phê La.

Trà sữa bùng nổ tại Việt Nam từ năm 2014 với sự thống trị của các thương hiệu ngoại, đặc biệt là các thương hiệu trà sữa Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, thị trường sau đó ghi nhận đà chững lại trong năm 2020 kéo dài đến thời điểm sau đại dịch Covid-19. Đến nay, thị trường đồ uống này lại bắt đầu ghi nhận sôi động trở lại với sự ra đời và mở rộng của hàng loạt thương hiệu thuần Việt như Phê La, La Si Mi, La Boong, Ô long đây...

"Chúng tôi bán trà ô long đặc sản Đà Lạt", Phê La là chuỗi trà sữa, cà phê bắt đầy xây dựng thương hiệu với slogan khẳng giá trị cốt lõi của thương hiệu là trà đặc sản từ các vùng nguyên liệu của Việt Nam đến khách hàng.

Đến thời trà đặc sản "made in Việt Nam"

Năm 2023, bà Nguyễn Hạnh Hoa, Founder chuỗi Phê La cho biết thị trường Việt Nam quen với xu hướng trà sữa Đài Loan với ấn tượng về hương thơm thoảng của trà và đọng lại hậu vị sữa ngậy béo. Để tạo sự khác biệt, Phê La đã chọn cách lan tỏa một định nghĩa và trải nghiệm khác về trà sữa, đặc biệt là trà sữa ô long cũng như đề cao tính đậm vị nguyên bản.

Theo bà Hoa, Phê La sử dụng trà ô long từ trà đặc sản chất lượng cao tại các vùng nguyên liệu Bảo Lộc, Lâm Đồng. Kết hợp với các loại trân châu được làm thủ công có hương vị mới lạ như trân châu trầu không, phong lan, gạo rang...

Nhờ sự đón nhận của khách hàng, từ cửa hàng đầu tiên khai trương vào tháng 3/2021, đến nay, chuỗi Phê La đã có 24 cửa hàng tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, hầu hết đều nằm ở vị trí đắc địa.

Theo số liệu của Vietdata, năm 2023, chuỗi đồ uống này đạt doanh thu gần 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vài chục tỷ đồng. Chuỗi sau đó được D1 Concept của nữ đại gia Trương nguyễn Thiên Kim rót vốn. Hiện bà Kim đang nắm 51% cổ phần tại thương hiệu này.

Tương tự, La Si Mi - thương hiệu có 32 cửa hàng trên toàn quốc cũng nhấn mạnh truyền thông sản phẩm với slogan "trà ngon đậm vị".

4 món bán chạy nhất của thương hiệu này đều là các sản phẩm trà ô long từ Bảo Lộc, Lâm Đồng bao gồm trà ô long sữa trân châu, trà ô long sen vàng kem phô mai, trà ô long đào cam sả và trà ô long cam vàng.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Vũ Việt Anh, Founder thương hiệu La Boong cho biết trà đậm vị đang là xu hướng bắt nguồn từ "cơn sốt" được Phê La hay trước đó là Phúc Long tạo ra.

La Si Mi,  Phuc Long,  o long anh 1

La Boong là thương hiệu trà sữa thuần Việt đang tăng tốc mở mới cửa hàng rất nhanh tại thị trường phía Bắc. Ảnh: La Boong.

Ông Việt Anh cho hay trước kia, hầu hết vùng trà tại Việt Nam vẫn chỉ thu hoạch và xuất khẩu thô, chưa sản xuất được thành phẩm để sử dụng pha trà sữa, nên doanh nghiệp phải nhập khẩu ngược lại nguyên liệu từ nước ngoài. Tuy nhiên, hiện một số vùng trà như tại Đà Lạt đã cập nhật công nghệ sản xuất, cho ra thành phẩm là nguyên liệu chuyên dùng cho pha chế trà sữa, trà hoa quả.

Điều này giúp các doanh nghiệp chủ động hơn, ít bị phụ thuộc hơn vào các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu từ nước ngoài.

Đánh vào phân khúc bình dân với sản phẩm giá trong khoảng 20.000-40.000 đồng/ly, La Boong nhanh chóng mở rộng nhờ mô hình tinh gọn, chủ yếu bán mang đi.

Tham gia thị trường từ tháng 7/2023, tới nay chuỗi trà sữa này đã có hơn 100 cửa hàng tại Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc.

Chiếm lại ưu thế trên sân nhà

Ông Trần Xuân Trung, Giám đốc kinh doanh miền Bắc của iPOS.vn cho biết sự phát triển của các thương hiệu trà sữa "made in Việt Nam" thời gian gần đây mang nhiều giá trị và ý nghĩa to lớn cho thị trường trà - cà phê nói riêng và thị trường F&B nói chung.

Cụ thể, sự phát triển này góp phần đa dạng hóa thị trường, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng với các sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với khẩu vị và túi tiền. Nhờ vậy, người tiêu dùng Việt Nam không còn phụ thuộc vào các thương hiệu quốc tế mà có thể tự hào sử dụng những sản phẩm từ thương hiệu Việt với chất lượng không thua kém.

Đây đồng thời là minh chứng cho năng lực và tiềm năng của các thương hiệu Việt. Nhờ nỗ lực đổi mới sáng tạo và đầu tư vào nghiên cứu phát triển, các thương hiệu trong nước đã khẳng định khả năng sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Cơ hội thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế cũng từ đó được mở ra, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành F&B Việt Nam.

La Si Mi,  Phuc Long,  o long anh 2

Phúc Long là một trong những thương hiệu trà sữa đầu tiên theo đuổi mô hình "made in Việt Nam". Ảnh: Quỳnh Danh.

Ngoài ra, theo ông Trung, sự phát triển của các thương hiệu trà sữa nội đã thúc đẩy thị trường F&B tại Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh, các doanh nghiệp buộc phải đổi mới sáng tạo, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Nhờ nỗ lực đổi mới sáng tạo và đầu tư vào nghiên cứu phát triển, các thương hiệu trong nước đã khẳng định khả năng sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường

Ông Trần Xuân Trung, Giám đốc kinh doanh miền Bắc iPOS.vn

"Một giá trị nữa mà các thương hiệu trà sữa Việt mang lại, là góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản Việt Nam, hỗ trợ người nông dân. Sử dụng nguyên liệu địa phương, các thương hiệu trà - cà phê made in Việt Nam đã tăng cường tiêu thụ nông sản trong nước, giúp người nông dân nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống", ông Trần Xuân Trung nhấn mạnh.

Nói về tương lai của thị trường trà sữa tại Việt Nam, lãnh đạo iPOS.vn nhận định thị trường sẽ tiếp tục diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt. Điều này dẫn đến việc một số thương hiệu không trụ vững và phải "rời cuộc chơi". Những thương hiệu thiếu đi sự khác biệt và sáng tạo trong sản phẩm sẽ khó lòng duy trì vị thế.

"Để tồn tại và phát triển lâu dài, các doanh nghiệp kinh doanh mô hình chuỗi trà sữa Việt Nam cần nỗ lực trên nhiều phương diện trong thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt này", ông Trung khẳng định.

Theo ông, việc nâng cao chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố then chốt. Các thương hiệu trà sữa, đặc biệt là những thương hiệu đã tạo dựng được uy tín, cần tập trung vào việc duy trì chất lượng sản phẩm, quy trình và dịch vụ. Việc mở rộng hệ thống cửa hàng quá nhanh mà không đảm bảo chất lượng đồ uống có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

Bên cạnh đó, việc xây dựng hình ảnh thương hiệu độc đáo cũng đóng vai trò quan trọng. Doanh nghiệp cần tạo dựng câu chuyện thương hiệu ấn tượng, thể hiện bản sắc riêng, chú trọng các yếu tố nhận diện thương hiệu và thực hiện chiến lược marketing hiệu quả để thu hút và giữ chân khách hàng.

Các chuỗi trà sữa Việt mới nổi giành thị phần

Bên cạnh các "ông lớn" nước ngoài như KOI Thé, Gong Cha, thị trường trà sữa đang chứng kiến sự bùng nổ của các thương hiệu "made in Việt Nam" như Toco Toco, Phê La, Oola, Phò Mã...

Các chuỗi cà phê giành 'đất vàng' TP.HCM

Khu vực quanh Bưu điện TP.HCM hay bến Bạch Đằng, bến Bình An đang có sự hiện diện của nhiều thương hiệu cà phê và trà sữa như %Arabica, Highlands Coffee, Katinat, Phê La...

Chuỗi trà sữa Phúc Long thu hơn 1.500 tỷ đồng năm ngoái

Trong năm 2023, chuỗi trà sữa Phúc Long đạt hơn 1.535 tỷ đồng doanh thu, giảm 3% so với năm trước do chịu tác động bởi môi trường vĩ mô đầy thách thức ảnh hưởng đến tiêu dùng.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Diệu Thanh

Bạn có thể quan tâm