Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: Reuters |
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 5/11, trả lời câu hỏi về phản ứng của Trung Quốc khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter lên tàu sân bay trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: "Trung Quốc phản đối bất kỳ hành động dẫn đến quân sự hóa Biển Đông, đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của quốc gia khác. Đồng thời, Bắc Kinh kêu gọi Mỹ 'thẳng thắn và trung thực' trong các vấn đề Biển Đông".
Bà Hoa lý lẽ rằng Bắc Kinh luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải của các quốc gia theo luật pháp quốc tế.
"Điều chúng tôi phản đối là việc giương khẩu hiệu tự do hàng hải để đẩy nhanh quân sự hóa tại Biển Đông và khiêu khích, đe dọa tới chủ quyền, lợi ích an ninh của các nước khác. Về khía cạnh này, chúng tôi hy vọng Mỹ cần công khai và minh bạch hơn trong cả hành động và mục đích liên quan đến Biển Đông”, bà Hoa lớn giọng.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ. Ảnh: Wikimedia.org |
Ngày 5/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter có chuyến thăm kéo dài 3 giờ trên tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt tại khu vực cách các đảo nhân tạo trái phép do Trung Quốc xây dựng khoảng 150 – 200 hải lý về phía nam và cách Malaysia 70 hải lý về phía bắc. Đi cùng ông Carter có Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Hishammuddin Hussein.
Trong chuyến thăm này, ông Carter và Hussein nghe sĩ quan Hải quân Mỹ báo cáo về hoạt động của các chiến đấu cơ và tàu sân bay trong thời gian gần đây. Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, USS Theodore Roosevelt là dấu hiệu cho thấy vai trò then chốt của sức mạnh quân đội Mỹ tại khu vực quan trọng với tương lai nước Mỹ.
Trước đó, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn bên lề hội nghị hôm 3/11, ông Carter tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở mọi vùng biển và bầu trời mà luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm Biển Đông.
Ông Carter cùng những người đồng cấp ASEAN và các đối tác khác vừa kết thúc cuộc họp Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Hội nghị phải hủy kế hoạch ra tuyên bố chung do bất đồng về vấn đề Biển Đông.
Ngày 27/10, tàu khu trục USS Lassen của Mỹ di chuyển vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông. Theo các quan chức Hải quân Mỹ, việc tuần tra là cần thiết để khẳng định lập trường của Washington rằng các đảo nhân tạo không thể có lãnh hải.
Quan chức quốc phòng Mỹ hôm 3/11 tuyên bố, Mỹ sẽ tuần tra khoảng hai lần mỗi quý trên Biển Đông. Kế hoạch này nhằm khẳng định những quyền của Washington theo luật pháp quốc tế và thường xuyên nhắc nhở Trung Quốc về quan điểm của Mỹ.