Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới quan sát quan tâm chuyến thăm Việt Nam của ông Tập

Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 5/11 thu hút sự quan tâm của giới báo chí và các nhà quan sát chính trị quốc tế.

Ông Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 12/2011. Khi đó ông Tập Cận Bình là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Ông Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 12/2011. Khi đó ông Tập Cận Bình là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam thu hút sự chú ý của giới báo chí và chuyên gia quốc tế. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau khi trở thành nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc vào năm 2013; cũng là lần đầu tiên một chủ tịch nước của Trung Quốc thăm Việt Nam sau một thập kỷ. Nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc như China Daily, South China Morning Post, hãng tin Tân Hoa Xã và quốc tế như Reuters, AFP, Deutsche Welle quan tâm và đưa tin về chuyến thăm.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hồng Tiểu Dũng, cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hội kiến với các nhà lãnh đạo Việt Nam và tham gia nhiều sự kiện ở các lĩnh vực. Ông Hồng lưu ý chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Do vậy, cuộc thăm viếng cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc nhằm tăng cường niềm tin đôi bên.

"Trong những năm qua, hai đất nước dưới sự dẫn dắt của các nhà lãnh đạo đã hợp tác cùng nhau để giải quyết những bất đồng. Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, thể hiện tầm quan trọng chiến lược. Do vậy, chúng ta phải giải quyết các bất đồng và luôn hướng về đại cục để bảo đảm quan hệ song phương", Đại sứ Hồng Tiểu Dũng trả lời Tân Hoa xã ngày 4/11.

Bà Pan Jie, chuyên gia về Việt Nam học tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, thẳng thắn nhìn nhận quan hệ Trung - Việt đã trải qua nhiều thách thức lớn trong 10 năm qua. 

"Do vậy, chuyến thăm của Chủ tịch Tập càng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường quan hệ song phương và tìm kiếm giải pháp cho những bất đồng hiện tại", bà nói với China Daily, một trong những tờ nhật báo hàng đầu Trung Quốc, ngày 3/11.

Các thách thức trong quan hệ Trung - Việt chủ yếu liên quan tới vấn đề chủ quyền lãnh thổ, bà Jie nhận định. 

"Tình hình phức tạp hơn sau khi Mỹ thực hiện chiến lược 'tái cân bằng' ở châu Á. Tuy nhiên, sự việc sẽ không trở nên quá nghiêm trọng".

Theo nữ chuyên gia Trung Quốc, nhiệm vụ cấp thiết của Trung Quốc và Việt Nam hiện tại là phục hồi mối quan hệ hữu nghị truyền thống. Bà cũng chỉ ra những số liệu tích cực trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Giá trị mậu dịch song phương đạt 83,6 tỷ USD năm 2014, có thể đạt 90 tỷ USD năm 2015, và tăng đến 100 tỷ USD vào năm 2016.

Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về chính trị học Đông Nam Á, cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ kêu gọi một giải pháp hòa bình cho các vấn đề chủ quyền, vận động sự ủng hộ của Việt Nam đối với chính sách kinh tế của Trung Quốc. "Hai bên cũng sẽ thảo luận về những mối quan hệ anh em gần gũi và quan hệ giữa hai Đảng", ông Abuza trả lời báo Deutsche Welle (Đức) ngày 3/11.

Trong khi đó, Moritz Rudolf, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Đức) đánh giá chuyến thăm của ông Tập Cận Bình rất quan trọng, vì nó định ra đường hướng để mối quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

'Ông Tập sẽ nỗ lực xây dựng niềm tin chiến lược'

Một ngày trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, giáo sư Carl Thayer đã trả lời phỏng vấn Zing.vn về những điểm quan trọng trong chuyến thăm cấp cao này.

Không tránh vấn đề Biển Đông với ông Tập Cận Bình

"Không chỉ có nội dung tăng cường quan hệ mà những vấn đề còn tồn tại cũng có thể trao đổi, trong đó có Biển Đông", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm