Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: Reuters |
- Theo ông, Chủ tịch Trung Quốc sẽ thảo luận những vấn đề gì với lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm từ ngày mai?
- Mục đích chính trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là thúc đẩy lợi ích của hợp tác kinh tế với Trung Quốc, bằng cả con đường song phương và đa phương thông qua sáng kiến Một vành đai, Một con đường (OBOR, hay còn gọi là “Con đường tơ lụa trên biển”) do ông đề xuất.
Chủ tịch Trung Quốc rất muốn thuyết phục các lãnh đạo Việt Nam rằng họ sẽ hưởng nhiều lợi ích khi hợp tác với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình sẽ cố gắng đưa mối quan hệ song phương trở lại giai đoạn trước khi hai nước căng thẳng vì vụ giàn khoan Hải Dương 981.
Ông Tập cũng tiếp tục phát triển những chủ đề hai nước đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 10/2013. Tôi cho rằng Chủ tịch Trung Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác về kinh tế và phát triển hạ tầng, hợp tác tiền tệ trong thương mại, và hợp tác trên biển để giải tỏa căng thẳng.
- Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang gặp nhiều trở ngại về tuyên bố chủ quyền tham vọng trên Biển Đông. Ông dự đoán phía Trung Quốc sẽ đề cập về tình hình Biển Đông như thế nào?
- Trung Quốc sẽ không thể hiện rằng họ sẵn sàng thay đổi tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết gần đây của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) với vụ kiện của Philippines.
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy hợp tác ngoại giao tích cực hơn để quản lý khủng hoảng. Ông cũng sẽ cố gắng thay đổi những nhận thức bất lợi đối với Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc và các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ bàn về tình hình Biển Đông ở bình diện chung. Hai nước đã có cơ chế để giải quyết các bất đồng trong quan hệ song phương.
- Ông nhận xét thế nào khi Chủ tịch Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản thăm Hà Nội vào cùng thời điểm?
- Sự xuất hiện của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản có thể sẽ tạo ra một số lợi thế nhất định cho phía Việt Nam trong những cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập sẽ phải nỗ lực xây dựng niềm tin chiến lược sau khi quan hệ hai nước rơi vào tình trạng căng thẳng trong một khoảng thời gian.
- Với hàng loạt cuộc gặp song phương cấp cao gần đây, ông đánh giá gì về chính sách đối ngoại của Việt Nam với các cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Nhật?
- Định hướng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ nước ngoài, là đối tác tin cậy đối với tất cả các nước, sẵn sàng hợp tác vì lợi ích quốc gia, và nỗ lực tranh đấu nếu các lợi ích bị xâm phạm. Việt Nam cũng thực hiện chính sách “ba không”, bao gồm không hợp tác với một nước để chống lại nước thứ ba.
Do vậy, Việt Nam sẽ tìm kiếm những mối quan hệ đối tác chiến lược vì lợi ích đôi bên. Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được nâng tầm lên đối tác chiến lược mở rộng. Một trong những mục tiêu của Việt Nam là muốn Nhật Bản hỗ trợ phát triển năng lực an ninh hàng hải, tự do hàng hải trên Biển Đông. Ngoài ra Việt Nam còn muốn đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Nhật Bản để đa dạng hóa xuất khẩu.
Trung Quốc muốn cộng đồng quốc tế công nhận vai trò dẫn dắt trong khu vực Đông Á. Do vậy, Bắc Kinh sẽ phải tìm cách thuyết phục Nhật Bản lẫn Việt Nam nếu muốn khẳng định sự ảnh hưởng của họ.
Giáo sư Carl Thayer là nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng. Ông được biết đến trên phạm vi quốc tế qua các nghiên cứu và xuất bản ấn phẩm về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á. Ông hiện là chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia.