Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình, khi đó là Phó Chủ tịch Trung Quốc, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2011. Ảnh: TTXVN |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới thăm Việt Nam vào ngày 5/11 - 6/11 trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra trên Biển Đông. Ông Tập từng đến Việt Nam năm 2011 trong vai trò Phó Chủ tịch Trung Quốc. Để đánh giá đúng mục đích của việc ông Tập đến thăm Việt Nam sắp tới cần có cái nhìn toàn cảnh trước khi đi sâu vào quan hệ Việt - Trung.
Ngô Di Lân đang là nghiên cứu sinh ngành Chính trị tại Đại học Brandeis (Mỹ), chuyên về chính sách đối ngoại Mỹ và quan hệ Mỹ - Trung. Ông cũng là nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.
Chủ tịch Trung Quốc có chuyến công du 2 nước có vị trí địa - chính trị hết sức quan trọng ở Đông Nam Á là Việt Nam và Singapore. Điều đó cho thấy mục đích chính của chuyến thăm là tìm kiếm sự ủng hộ ngoại giao cho Trung Quốc trong bối cảnh Biển Đông đang "nổi sóng" dữ dội.
Cách đây vài ngày, Mỹ lần đầu tiên điều tàu hải quân vào vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc kiểm soát trái phép. Sau đó, ngày 29/10, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra quyết định họ có thẩm quyền phân xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông.
Hơn ai hết, ông Tập Cận Bình hiểu rằng sự cô lập về mặt ngoại giao là điều hết sức nguy hiểm, nhất là khi cộng đồng quốc tế đang không đứng về phía Bắc Kinh.
Nói về chuyến thăm này, Đại sứ Trung Quốc Hồng Tiểu Dũng nhận định ông Tập được trông chờ sẽ "cùng các nhà lãnh đạo Việt Nam xây dựng một định hướng cụ thể cho quan hệ Việt - Trung trong thời kỳ mới dựa trên tầm nhìn chiến lược dài hạn".
Theo Tân Hoa xã, các nhà lãnh đạo hai bên được trông chờ sẽ có những cuộc thảo luận thực chất nhằm nâng cao hợp tác trong các vấn đề như phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, giao lưu văn hóa và giáo dục.
Ông Tập cũng sẽ có những cuộc gặp mặt với các đoàn Đại biểu thanh niên Việt Nam và sẽ có bài phát biểu tại Quốc hội Việt Nam. Có thể thấy, ông Tập đến Việt Nam là để khôi phục lại lòng tin giữa hai nước và xây dựng một hình ảnh đẹp hơn trong lòng người dân Việt Nam nhằm khôi phục sức mạnh mềm của Trung Quốc sau những hành động cứng rắn trong thời gian vừa qua.
Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu ông Tập muốn lái sự chú ý ra khỏi căng thẳng hiện tại để tập trung vào hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu Trung Quốc không thể hiện thiện chí hợp tác thực chất để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thì hợp tác kinh tế sẽ không đủ để giành thiện chí của Việt Nam.
Chuyến thăm lần này của ông Tập cũng là lần đầu tiên một chủ tịch Trung Quốc đến Việt Nam kể từ năm 2005. Do đó, đây là một hoạt động đã được lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng.