Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc đơn độc trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông

Yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc hoàn toàn trái với UNCLOS khiến Bắc Kinh trở nên đơn độc và phi lý trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông.

a
Đại diện đoàn Philippines trình bày luận điểm của họ tại phiên điều trần đầu tiên tại PCA. Ảnh: PCA

Ngày 29/10, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại Hà Lan tuyên bố sẽ mở phiên xử tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông theo đơn kiện của Philippines. Trung Quốc và Philippines đều ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. 

Theo PCA, họ có quyền tài phán đối với 7 trên 15 vấn đề Philippines đưa ra, trong đó Manila yêu cầu tòa coi đường 9 đoạn của Trung Quốc tuyên bố là bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS. Nước này cũng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines theo Công ước.

Đơn độc và phi lý

Theo UNCLOS, các quốc gia ven biển có vùng lãnh hải 12 hải lý (22 km) từ đường cơ sở, tiếp đến là vùng tiếp giáp lãnh hải 12 hải lý cuối cùng là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong phạm vi EEZ, các quốc gia ven biển có quyền khai thác duy nhất đối với tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản.

Đối với các quần đảo hình thành tự nhiên được bao quanh bởi đại dương và có chiều cao trên đỉnh thủy triều được công nhận vùng lãnh hải 12 hải lý. Đối với các đảo lớn có điều kiện tự nhiên để duy trì sự sống cho con người sẽ được tính thêm vùng EEZ 200 hải lý cho quốc gia có chủ quyền hợp pháp.

Với các đảo nhỏ cao hơn thủy triều nhưng không đủ điều kiện tự nhiên để duy trì sự sống cho con người chỉ được tính vùng lãnh hải 12 hải lý mà không có EEZ. Đối với các rạn san hô ngập dưới thủy triều không được công nhận vùng lãnh hải hay EEZ. Đảo nhân tạo hay các công trình tương tự không có lãnh hải và EEZ.

Đường lưỡi bò
"Đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn" phi pháp của Trung Quốc. Ảnh: UNCLOS

Tuy nhiên, Trung Quốc đã đưa ra yêu sách đường 9 đoạn bao trùm đến 80% diện tích Biển Đông và chồng lấn lên vùng EEZ của Việt Nam, Philippines, Indonesia, Brunei. Luật sư Francis Jardeleza, cố vấn pháp luật cho chính phủ Philippines trong vụ kiện với Trung Quốc từng nói với Globalnation Inquirer: “Bạn phải có đất trước khi có thể có quyền tiến ra biển. Bạn không thể chỉ có quyền trên biển mà không sở hữu đất đai”.

Ông cho rằng, yêu sách đường 9 đoạn mà Trung Quốc đệ trình lên Liên Hợp Quốc năm 2009 hoàn toàn không có một cơ sở pháp lý nào, vì Bắc Kinh không có chủ quyền đối với đảo hay quần đảo nào trên Biển Đông đủ để có vùng EEZ bao trùm hết 80% diện tích.

Theo Global Security, đảo Hải Nam ở điểm cực nam của Trung Quốc là hòn đảo duy nhất của nước này ở Biển Đông đủ cơ sở để có EEZ theo UNCLOS. Tuy nhiên, khoảng cách từ đảo Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 230 hải lý. Khoảng cách đến quần đảo Trường Sa tới 585 hải lý. Do đó, Bắc Kinh không có cơ sở để đưa ra yêu sách về đường 9 đoạn bao trùm phần lớn Biển Đông.

Từ chối ra tòa vì đuối lý

Khi Manila khởi kiện, Bắc Kinh đã từ chối tham gia điều trần. Điều đó cho thấy Trung Quốc không đủ cơ sở pháp lý để biện hộ cho yêu sách phi lý của họ. Luật sư quốc tế Paul Reichler, người dẫn đầu đội tranh tụng của Philippines, nói với báo Rappler rằng: “Chúng tôi đã sẵn sàng để chứng minh sự vô lý của Trung Quốc trong yêu sách đường 9 đoạn”.

Trong khi đó, Trung Quốc định sử dụng chiêu bài không tham gia điều trần nhằm phủ quyết bất kỳ phán quyết nào có lợi cho Philippines. Zha Daojiong, một nhà nghiên cứu chính trị tại Bắc Kinh cho biết, nếu không có sự tham gia của Trung Quốc, mọi phán quyết chỉ có thể là đơn phương.

Tuy nhiên, ngày 29/10, PCA tuyên bố, việc Trung Quốc không tham gia điều trần không ảnh hưởng đến thẩm quyền phán quyết của PCA đối với 7 điểm trong đơn kiện của Philippines theo UNCLOS. Tuyên bố của PCA đã giúp Philippines chiến thắng phiên điều trần đầu tiên.

Ngày 30/10, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói: “Chúng tôi sẽ không tham gia và không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào của tòa án. Quyết định của tòa sẽ không ảnh hưởng đến chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trên Biển Đông”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc càng phơi bày sự phi lý của Bắc Kinh đối với yêu sách đường 9 đoạn. Bắc Kinh liên tục nhắc đi nhắc lại rằng, họ có chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, vậy tại sao họ không chứng minh điều đó với thế giới?

Bài học cho Trung Quốc: Không thể lấy tay che cả bầu trời

Chưa bao giờ thực tế và thế giới lại dạy cho Trung Quốc bài học cay đắng như tuần qua.

Trung Quốc và tham vọng độc chiếm Biển Đông

Căng thẳng ở Biển Đông phát xuất từ những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ cũng như việc Bắc Kinh bồi lấp các bãi đá với tốc độ rất lớn, tạo ra 7 đảo nhỏ trong khu vực.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm