Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Việt - Trung sẽ có thành quả mới trong đàm phán biên giới'

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trao đổi với Zing.vn về chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 5-6/11.

- Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 5 và 6/11. Ông có nhận xét gì về thời điểm thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc?

Theo tôi, chuyến thăm của ông Tập nằm trong sự tính toán của Trung Quốc nhằm tạo ra lợi thế cho họ trong vấn đề quan hệ với Việt Nam, khu vực và quốc tế. 

- Theo ông, mục đích chính của chuyến thăm này là gì?

- Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra thông báo chính thức về chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tôi thấy có rất nhiều ý kiến bình luận xung quanh chuyến thăm và theo nhiều luồng khác nhau.

Theo đánh giá của tôi, chuyến thăm của ông Tập diễn ra đúng thời điểm Việt Nam và Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngoài ra, các đồng chí lãnh đạo Việt Nam cũng đã tới thăm Trung Quốc trước đó nên có thể coi đây là chuyến thăm đáp lễ của ông Tập Cận Bình. Về mặt nghi thức, đây là chuyến thăm bình thường như rất nhiều hoạt động ngoại giao cấp cao trên thế giới.

Về mục đích của chuyến thăm, theo tôi, các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Trung Quốc sẽ đánh giá lại những gì đã đạt được trong 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trên các lĩnh vực hai nước cùng quan tâm cũng như rút ra bài học từ những thành công và thất bại trong suốt quá trình thăng trầm quan hệ Việt - Trung hơn 6 thập kỷ qua.

Một vấn đề khác không thể không có trong chương trình nghị sự chính là căng thẳng trên Biển Đông. Vấn đề này có thể được trao đổi trực tiếp, gián tiếp hoặc đơn phương trong chuyến công du của ông Tập.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh: Hồng Duy

- Từ ngày 2 đến 11/8, vòng 4 Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và vòng đàm phán thứ 6 về Hiệp định Tàu thuyền đi lại tại khu vực tự do ở cửa sông Bắc Luân giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra tại Bắc Kinh.  Chuyến công du Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình có thúc đẩy ký kết các hiệp định này?

- Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc chưa đưa ra thông báo chính thức về những nội dung liên quan tới các hiệp định nhưng theo quan điểm của tôi, cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Việt Nam với Chủ tịch Trung Quốc chắc chắn sẽ nhắc tới thành công của việc đàm phán và giải quyết xong vấn đề chủ quyền trên bộ và trên đất liền cũng như phân giới cắm mốc trên đường biên giới chung.

Hai bên cũng đã bàn thảo về một loạt thỏa thuận liên quan nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển khu vực biên giới, bao gồm vấn đề cùng nhau hợp tác để khai thác cửa khẩu, cảnh quan hoặc những con sông biên giới. Đây là nội dung quan trọng nhằm đảm bảo đường biên giới được ổn định, phát triển, hợp tác, hòa bình, hữu nghị.

Theo tôi được biết, Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được một số thỏa thuận, nhưng Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và Tàu thuyền đi lại tại khu vực tự do ở cửa sông Bắc Luân là hai vấn đề còn lại trong quá trình đàm phán của đôi bên.

Tuy nhiên, các vòng đàm phán trước đã đạt được sự đồng thuận trong một số vấn đề nên việc ký kết là thành quả mà người ta có thể chứng kiến trong chuyến công du Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình. Nó góp phần khẳng định có rất nhiều thành công và những kết quả mang ý nghĩa lịch sử trong quan hệ Việt – Trung. Chúng ta cần phát huy nó để giải quyết tiếp những vấn đề tranh chấp khác trên biển.

- Ông có thể chỉ rõ lợi ích và tác động của hiệp định này tới Việt Nam cũng như vai trò của hợp tác Việt – Trung trong khu vực này?

- Theo quan điểm của tôi, nếu hai bên ký kết được tất cả văn bản này, đó sẽ là những cơ sở pháp lý hết sức quan trọng. Nó là kết quả tiếp theo của quá trình ký kết Hiệp ước hoạch định Biên giới và các văn bản ghi nhận thành quả của phân giới cắm mốc trên thực địa. Tiếp đến là vấn đề bảo vệ, quản lý và phát triển đường biên giới, mốc giới nhằm giúp dân cư dễ dàng qua lại, giao lưu và khai thác tiềm năng chung.

Các hiệp định này không chỉ có lợi cho Việt Nam mà còn giúp ích nhiều cho phía Trung Quốc trong việc phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, đặc biệt ở những khu vực biên giới xa xôi, vốn cần được đầu tư thích hợp.

Ngoài ra, hai bên đã trải qua quá trình đàm phán dài về nội dung trong các hiệp định. Khi trao đổi, mỗi bên có quyền nêu ra ý kiến để cùng nhau thảo luận và đưa ra thỏa thuận trên tinh thần bình đẳng, có trách nhiệm đối với việc bảo vệ, quản lý và khai thác biên giới nhưng không gây ảnh hưởng tới chủ quyền của mỗi bên.

 

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ, sinh năm 1943 tại làng Phú Ninh, nay là phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình. Ông góp công biên soạn nhiều cuốn sách, tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông như: Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, Kỷ yếu Hoàng Sa…

 

Không tránh vấn đề Biển Đông với ông Tập Cận Bình

"Không chỉ có nội dung tăng cường quan hệ mà những vấn đề còn tồn tại cũng có thể trao đổi, trong đó có Biển Đông", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Hồng Duy thực hiện

Bạn có thể quan tâm