Tàu khu trục mang tên lửa điều khiển USS Lassen trên Biển Đông vào cuối tháng 10. Ảnh: Facebook USS Lassen |
Yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông đang đối mặt với áp lực lớn từ cộng đồng quốc tế. Đầu tiên, Mỹ đã cử tàu chiến tiếp cận vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Biển Đông. Tiếp đến, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, đã bỏ qua phản đối của Bắc Kinh để tuyên bố có thẩm quyền xem xét đơn kiện của Philippines.
Trước đó, cộng đồng quốc tế chưa có nhiều hành động cụ thể để ngăn chặn Trung Quốc trên con đường tìm cách khẳng định quyền kiểm soát vùng biển giàu tài nguyên. Theo AP, Bắc Kinh sẽ đặt ưu tiên cao vào những gì mà họ coi là lợi ích chiến lược so với uy tín quốc tế của họ. Tuy nhiên, nước này có thể đánh mất sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế khi đưa ra những yêu sách về chủ quyền dựa trên sức mạnh kinh tế và quân sự.
Cho đến nay, Mỹ đã có những thành công nhất định trong nỗ lực 5 năm nhằm gây áp lực ngoại giao đối với Trung Quốc về yêu sách chủ quyền tới 80% diện tích Biển Đông. Washington cũng hoan nghênh quyết định của PCA và hy vọng Bắc Kinh sẽ tuân thủ phán quyết cuối cùng vào đầu năm 2016.
Phán quyết của PCA dựa trên các điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc và Philippines đã phê chuẩn, nhưng Bắc Kinh đã tẩy chay các thủ tục tố tụng. Ngày 30/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, phán quyết về quyền tài phán là vô hiệu và không có hiệu lực ràng buộc với Trung Quốc.
Trước đó, Philippines đã nộp đơn kiện Trung Quốc lên PCA vào tháng 1/2013. Manila cho rằng, yêu sách đường 9 đoạn của Bắc Kinh là vô hiệu theo UNCLOS. Bên cạnh đó, PCA cũng xem xét một số rạn san hô và bãi đá ngầm, bao gồm các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép.
Luật pháp lên tiếng
"Đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn" của Trung Quốc vẽ ra không được luật pháp quốc tế và các nước trên thế giới công nhận. Ảnh: UNCLOS |
Ngày 27/10, Mỹ đã cử tàu khu trục USS Lassen tiếp cận vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp ở đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Washington muốn cảnh báo Bắc Kinh rằng đừng cố tạo ra hoặc yêu cầu vùng lãnh hải 12 hải lý hay vùng đặc quyền kinh tế quanh đảo nhân tạo, vì điều này trái với UNCLOS.
Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói với AP rằng: “Thực tế tòa án không từ chối thẩm quyền đối với một số vấn đề trong đơn kiện của Philippines và có thể đưa ra phán quyết cuối cùng chống lại Trung Quốc”.
PCA tuyên bố xem xét 7 trên 15 vấn đề theo đơn của Philippines sẽ khiến Trung Quốc rơi vào tình huống khó xử, bởi lần đầu tiên tòa án của Liên Hợp Quốc đưa ra phán quyết đối với yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Bắc Kinh.
Malcolm Cook, thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Đông Á ở Singapore, cho rằng bên ngoài Trung Quốc, nhiều chuyên gia pháp luật hàng hải nhận thấy Philippines có cơ sở chắc chắn về tính hợp lý trong yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng, yêu sách 9 đoạn của họ bắt nguồn từ lịch sử.
Dù yêu sách của Bắc Kinh vướng phải rào cản pháp lý theo UNCLOS, tuy nhiên, các nhà phân tích không hy vọng Trung Quốc sẽ thay đổi quyết tâm của họ.
“Hải quân Trung Quốc có sự quan tâm rất mạnh mẽ trong việc đạt được sự kiểm soát rộng lớn trên Biển Đông và mối quan tâm này nhiều khả năng sẽ không ảnh hưởng bởi quyết định của tòa án”, ông Cook nói.
6 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở vùng biển có những tuyến giao thương nhộn nhịp nhất thế giới. Bên cạnh đó, Biển Đông còn có ngư trường phong phú và trữ lượng dầu mỏ, khí đốt dồi dào. Việc Trung Quốc tiến hành bồi lấp 7 rạn san hô và bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn.
Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, Trung Quốc xem việc kiểm soát vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông nước này là rất quan trọng với an ninh quốc gia. Bắc Kinh cần kiểm soát nó để ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp trong khủng hoảng tiềm năng với Washington.
Kể từ khi Mỹ tuyên bố có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết tranh chấp và an ninh ở Biển Đông năm 2010, Washington dường như đã thất bại trong việc kiểm soát hành vi của Bắc Kinh. Mỹ từng kêu gọi Trung Quốc và các bên liên quan không làm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã đẩy mạnh tốc độ bồi lấp, họ xây đường băng, bến cảng và các công trình khác có thể phục vụ cho mục đích quân sự.
Mỹ đã điều tàu chiến đi ngang vùng 12 hải lý ở đá Xu Bi sau nhiều tháng tranh luận trong nội bộ chính quyền Tổng thống Barack Obama. Đó là một trong những quyết định khó khăn nhất của Mỹ trong việc thách thức Trung Quốc.
Lynn Kuok thuộc Viện Brooking, Mỹ, nhận xét, sự kết hợp giữa áp lực pháp lý và quyền tự do hàng hải theo UNCLOS có thể buộc Bắc Kinh phải hành động phù hợp hơn với luật pháp quốc tế. “Khi Trung Quốc phát triển mạnh năng lực hải quân trên biển, họ có thể cũng sẽ nhận ra rằng, lợi ích của đất nước cần được bảo vệ tốt bằng cách tuân thủ chứ không phải phá hoại luật pháp quốc tế”, bà Kuok nói.