Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà Trắng thận trọng, Lầu Năm Góc giục giã về Biển Đông

Trong khi Lầu Năm Góc thúc giục kế hoạch điều tàu hải quân vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông, Nhà Trắng lại tỏ ra thận trọng.

Khu trục hạm USS Lassen (DDG-82) di chuyển ở vùng biển Philippines. Ảnh: Hải quân Mỹ
Khu trục hạm USS Lassen (DDG-82). Ảnh: Hải quân Mỹ

Giữa tháng 5, Lầu Năm Góc cân nhắc kế hoạch điều máy bay và tàu quân sự nhằm xác nhận quyền tự do hàng hải xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter thúc giục Nhà Trắng phản ứng trước tốc độ cải tạo nhanh chóng của Bắc Kinh.

Cuối cùng, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Xu Bi hôm 27/10. Động thái của Washington khiến Trung Quốc nổi đóa.

Tuy nhiên, trước khi hải quân điều tàu hải quân đi vào vùng nước này trên Biển Đông, các cuộc tranh luận căng thẳng và kéo dài đã diễn ra trong nội bộ Mỹ.

Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay, các quan chức quân sự và Bộ Quốc phòng nước này đã dành nhiều tháng chuẩn bị cho việc điều tàu nhưng việc triển khai bị “trì hoãn liên tục” từ Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao muốn tránh thực hiện chuyến tuần tra vào thời điểm Washington và Bắc Kinh có một số bất đồng, gồm việc 21 triệu hồ sơ cá nhân của Mỹ bị đánh cắp nghi liên quan tới các tin tặc Trung Quốc. Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc.

“Vấn đề ở đây là nếu chúng tôi hành động như thể đang phản ứng lại việc Trung Quốc đã làm thì sẽ làm suy yếu quan điểm rằng đây là vấn đề về luật pháp quốc tế và quyền lợi của chúng tôi về vấn đề đi lại trên biển", quan chức này nói.

Bộ Ngoại giao Mỹ không giải thích tại sao thời gian bàn thảo về kế hoạch điều tàu lại kéo dài như vậy. Trong khi Nhà Trắng từ chối bình luận.

Ảnh vệ tinh chụp bãi đá Xu Bi đang bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép. Ảnh: Guardian
Ảnh vệ tinh chụp bãi đá Xu Bi đang bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép. Ảnh: Guardian

Áp lực triển khai kế hoạch điều tàu tới vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh xây ở Trường Sa tăng cao đúng vào thời điểm nhạy cảm trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Đó là khi các nước đang dần tiến tới ký thỏa thuận hạt nhân với Iran và Washington chuẩn bị cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cuối tháng 9, nội bộ Mỹ đạt đồng thuận về việc tuần tra, bất chấp lời tuyên bố của ông Tập tại Washington rằng Trung Quốc “không có ý định” quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Tổng thống Barack Obama đã phải thận trọng khi cân nhắc điều tàu tới vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép. Theo chiến lược xoay trục sang châu Á của ông Obama, 60% lực lượng của Hải quân Mỹ sẽ được triển khai tại khu vực Thái Bình Dương trước năm 2020 nhằm thách thức tham vọng và sức mạnh hàng hải ngày càng tăng của Trung Quốc.

Một quan chức của Mỹ cho rằng, một trong số nguyên nhân chính khiến các cuộc thảo luận trong nội bộ chính quyền Obama kéo dài là họ muốn chắc chắn, mọi phương án tuần tra được thực hiện nhằm giảm thiểu các cuộc đối đầu quân sự Mỹ - Trung trên biển.

“Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo việc Mỹ đưa ra những quyết định thông minh nhằm thúc đẩy các mục tiêu chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm vấn đề hàng hải”, Reuters dẫn lời  quan chức này nói.

Doug Paalm, giám đốc chương trình châu Á thuộc tổ chức Qũy Carnegie về Hòa bình Quốc tế, nghi ngờ nội bộ Hải quân Mỹ đã mâu thuẫn trong nhiều năm về việc liệu có tuần tra vào vùng 12 hải lý ở Biển Đông hay không.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ khẳng định không có căng thẳng nội bộ nào về việc tuần tra đồng thời khẳng định mọi quyết định đều phải được Bộ Quốc phòng và tổng thống thông qua.

Áp lực từ đồng minh

Theo báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ, kể từ khi tiến hành các hoạt động cải tạo trái phép từ tháng 12/2013, Trung Quốc đã mở rộng thêm 1.170 hecta trên Biển Đông.

Áp lực từ các đồng minh trong khu vực lên các hoạt động của Mỹ ngày càng tăng sau khi nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy quy mô xây dựng các công trình phi pháp của Trung Quốc trên biển.

Tại Philippines, các lãnh đạo dân sự và quân sự nước này công khai hoan nghênh việc Mỹ điều tàu vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông. Trong khi đó Kunihiko Miyake, một cựu ngoại giao Nhật Bản nói: “Tôi nghĩ nhiều người chắn hẳn nhẹ nhõm khi Mỹ thực hiện điều mà họ đã nói, không giống như trường hợp Syria”.

Giới chức Mỹ khẳng định rõ chuyến tuần tra ngày 27/10 không phải là lần cuối cùng Washington điều tàu vào trong và xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa. Washington sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến tuần tra tương tự ở Biển Đông nhằm đẩy mạnh thông điệp: hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải là đều đặn và thách thức những yêu sách chủ quyền quá đáng.

Theo Wall Street Journal, các nhà hoạch định quốc phòng Australia đang xem xét việc đưa tàu áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau động thái tuần tra Biển Đông ngày 27/10 của Mỹ.

'Biển Đông như vạc dầu sôi nhưng khó phun trào'

Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng, căng thẳng trên Biển Đông gia tăng nhưng có thể coi đó là "sự căng thẳng lành mạnh".

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm