Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Vụ kiện sẽ khiến TQ chấm dứt diễn giải đường 9 đoạn phi lý'

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia về luật biển của Philippines nhận định dù còn nhiều việc phải làm, bước đầu Manila đã giành lợi thế trong vụ kiện Trung Quốc trên Biển Đông.

- Việc Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) tuyên bố có thẩm quyền xét xử tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông được coi là chiến thắng vòng đầu của Philippines. Ông đánh giá thế nào về diễn biến này? 

Ảnh:
Giáo sư, Tiến sĩ Jay L.Batongbacal là Giáo sư thuộc Đại học Luật Philippines và Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật Biển Philippines. Ông cũng là nhà nghiên cứu thuộc chương trình Fulbright Mỹ-ASEAN Visiting Scholar của Trung tâm Đông - Tây, Washington (Mỹ) về lĩnh vực phát triển chính sách và an ninh hàng hải. Ảnh: up.edu.ph

-  Dĩ nhiên, phán quyết của PCA là một tín hiệu tốt đối với Manila bởi quyết định này đảm bảo vụ kiện sẽ được tòa án phân định. 7 khiếu nại của Philippines phần lớn liên quan tới quyền lợi hàng hải đối với các thực thể mà phía Bắc Kinh chiếm đóng cùng những hoạt động trái luật pháp của họ đối với tàu Philippines.

Phán quyết đầu tiên của PCA chủ yếu là động thái kỹ thuật và còn phụ thuộc kết quả của phiên điều trần, song ít nhất nó cho thấy tiếng vang ban đầu từ vụ kiện do Philippines khởi xướng.

-  PCA ra quyết định chỉ vài ngày sau khi Mỹ thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc bằng cách điều tàu khu trục vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh xây trái phép ở Biển Đông. Theo ông, động thái của PCA và Mỹ cho thấy luật pháp quốc tế liên quan tới các tranh chấp ở Biển Đông như thế nào?

-  Động thái của Tòa Thường trực và chính quyền Mỹ đều nhất quán. Lập trường của Washington về Biển Đông dựa trên tuyên bố về bản chất, tính chất và đặc điểm của các thực thể ở vùng biển này. Đặc biệt, quan điểm của Mỹ là Trung Quốc không thể tuyên bố chủ quyền quá đáng và phải tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Trong khi đó, phán quyết của PCA cho thấy tòa án cũng dựa trên bản chất, tính chất và đặc điểm của các thực thể trước khi đi tới quyết định xử vụ kiện của Philippines. Động thái của Tòa Thường trực và Mỹ đều là cách diễn giải UNCLOS và phù hợp với nhau. Tại các vùng biển đặc biệt, UNCLOS là luật hiện hành và không có trường hợp ngoại lệ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tòa PCA chỉ có thể đưa ra phán quyết về “đường 9 đoạn” sau khi tuyên bố họ có quyền tài phán về vụ kiện. Điều này cho thấy, việc tòa đảm nhận vụ kiện phù hợp với luật pháp quốc tế.

"Đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn" của Trung Quốc vẽ ra không được luật pháp quốc tế và các nước trên thế giới công nhận. Ảnh: UNCLOS

Phản ứng của các nước ra sao sau phán quyết đầu tiên của Tòa Thường trực?

-  Các nước trong khu vực có thể ủng hộ quyết định của Tòa Thường trực và sẽ chờ đợi PCA đưa ra các phán quyết khác. Các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông chắc chắn được hưởng lợi từ quyết định của tòa quốc tế bởi cơ quan này sẽ bảo đảm quyền lợi hàng hải của họ trước tuyên bố phi lý về “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ ra. Tuy nhiên, tùy vào mối quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, các nước sẽ phản ứng theo cách khác nhau.

Trung Quốc ngoan cố, Philippines quyết tâm

- Trung Quốc vẫn ngoan cố duy trì cái gọi là “đường 9 đoạn” mơ hồ. Vậy theo giáo sư, quyết định mới nhất của tòa sẽ tác động như thế nào tới tuyên bố chủ quyền phi lý ấy của Bắc Kinh?

- Nếu PCA đưa ra các phán quyết có lợi cho Philippines, điều này có thể buộc Trung Quốc chấm dứt diễn giải yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý hoặc làm rõ các cuộc tranh luận trong nội bộ Trung Quốc về bản chất thực sự của tuyên bố vô căn cứ này.

Ảnh vệ tinh quá trình xây dựng trong vòng một năm của Trung Quốc ở bãi Chữ Thập, Trường Sa, Việt Nam. Đồ họa: New York Times
Ảnh vệ tinh quá trình xây dựng trong vòng một năm của Trung Quốc ở bãi Chữ Thập, Trường Sa, Việt Nam. Đồ họa: New York Times

- Chính phủ Philippines đã sẵn sàng cho phiên điều trần thứ 2 trong vụ kiện chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, dự kiến diễn ra từ ngày 24 đến 30/11. Manila có thể kỳ vọng điều gì trong vòng 2 này?

- Philippines muốn chứng minh các luận điểm của mình trước yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, trình bày bằng chứng về các hoạt động và hành động của Manila. Ngoài ra, Philippines cũng muốn định nghĩa về mặt pháp lý và kỹ thuật đối với các thực thể liên quan tới tuyên bố chủ quyền. Manila sau đó phải làm rõ mọi nghi ngờ liên quan tới bằng chứng vụ kiện và tất cả khiếu nại khác còn tồn đọng trước tòa Trọng tài.   

- Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte, từng khẳng định, Manila rất tin tưởng vào vị thế pháp lý của mình khi đối đầu với Trung Quốc. Vậy theo quan sát của cá nhân ông, khả năng giành chiến thắng của Philippines là bao nhiêu trong vụ kiện lịch sử này?

-  Tôi cho rằng Philippines đang chiếm ưu thế ở một số vấn đề. Ví dụ, tuyên bố về tính phi pháp của “đường lưỡi bò” và hoạt động trái luật pháp của Trung Quốc nhằm thực thi/khẳng định chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Có thể, Philippines không giành chiến thắng ở một số điểm, nhưng ít nhất Manila có cơ hội giành lợi thế trước những vấn đề quan trọng nhất. 

Philippines đã sẵn sàng cho vòng 2 của Tòa Trọng tài

Trưởng đoàn tranh tụng của Philippines khẳng định Manila đã chuẩn bị sẵn sàng cho vòng 2 tại Tòa Trọng tài Thường trực nhằm chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Vụ kiện Philippines - Trung Quốc

Hải Anh (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm