Độc giả tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Thanh Trần. |
Theo thống kê vào năm 2022 của Cục Xuất bản, In và Phát hành, ngành xuất bản cán mốc mục tiêu 6 bản/người/năm (trong đó có 3,04 bản là sách giáo khoa, giáo trình, bài tập, giáo viên và 2,98 bản là các loại sách khác).
Thoạt nhìn, những thống kê hiện nay cho thấy văn hóa đọc của người Việt Nam không cao. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Nam - giảng viên môn Việt Nam học tại Đại học Fulbright Việt Nam - bản thân sách đã thay đổi về hình thức. Chẳng hạn, ebook (sách điện tử) hay audiobook (sách nói) đang trở thành xu hướng đọc mới, từ đó cũng cần có những cách đo lường mới về tỉ lệ đọc sách.
“Bây giờ người ta đọc sách khác xưa rồi, câu chuyện đọc một cuốn sách từ đầu tới cuối dường như bây giờ hơi khó. Ví dụ họ có thể chỉ đọc chương mình cần hoặc tìm đúng vấn đề đang vướng mắc thôi. Do đó, nếu muốn tìm hiểu về văn hóa đọc thì điều đầu tiên phải biết đối tượng khảo sát của mình là ai. Thứ hai, phải đưa ra những tiêu chí trong đó có cả sách điện tử, sách nói”, TS Nguyễn Nam chia sẻ với Znews - Tri thức.
Vấn đề này cũng đã được ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, trăn trở trong những năm qua. “Với tốc độ tăng trưởng này, chúng ta thấy xu hướng rất rõ về chuyển đổi số và sự thay đổi nhanh chóng trong thói quen hưởng thức sách của người dân. Nó đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm để vừa thúc đẩy, vừa phát triển và vừa định hướng trong thời gian sắp tới”, ông nói trong buổi hội thảo về phát triển xuất bản số vào ngày 18/2/2022.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Ảnh: Thanh Trần. |
Với ý định đó, trong một năm qua, TP.HCM đã phối hợp cùng Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chuẩn bị cho cuộc khảo sát quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM về thói quen đọc sách của người dân.
Nội dung khảo sát được chia thành hai phần chính, bao gồm thực trạng đọc sách của người dân và các yếu tố ảnh hưởng đến việc đọc sách. Trong đó, việc đánh giá thực trạng đọc sách được dựa trên nhiều tiêu chí như mức độ đọc sách, thời gian đọc, số lượng sách đọc/năm, thể loại sách, phương thức đọc (sách giấy, ebook, sách nói), cách đọc sách và kỹ năng ghi nhớ khi đọc sách.
Dự kiến, nhóm thực hiện sẽ thu thập khoảng 2.500 mẫu khảo sát với đối tượng là người dân và học sinh trên địa bàn thành phố. Hình thức thực hiện bao gồm dạng bảng hỏi, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm. Độ tin cậy của khảo sát được đưa ra là 95%, đảm bảo sự đa dạng về giới tính, nghề nghiệp, thu nhập và trình độ học vấn.
Theo nhóm thực hiện nghiên cứu từ Khoa xã hội học thuộc Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, hiện nay chưa có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa đọc trong cộng đồng được tìm thấy. Trên thực tế, tại TP.HCM chưa có một cuộc điều tra xã hội học cơ bản trên quy mô lớn đo lường tỷ lệ đọc sách của người dân, đặc biệt là đối tượng học sinh - sinh viên để xác định tình trạng văn hóa đọc ở mức độ nào.
Chính vì vậy, đề tài “Khảo sát tỷ lệ đọc sách năm 2023 của người dân và học sinh tại TP.HCM” được thực hiện nhằm khảo sát, nghiên cứu, đo lường tỷ lệ số lượng xuất bản phẩm và thói quen đọc sách của người dân và học sinh trên địa bàn TP.HCM thông qua các hoạt động trong thời gian nhàn rỗi.
Từ khảo sát này, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM dự kiến có những đề xuất, giải pháp thực tế, hiệu quả nâng cao tỷ lệ đọc sách cho người dân và tham mưu chủ trương, chính sách về hoạt động phát triển văn hóa đọc trên địa bàn thành phố.
Theo ông Trịnh Hữu Anh, Trưởng phòng xuất bản, in và phát hành Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, những số liệu thu được từ khảo sát cũng là một lợi thế giúp TP.HCM thúc đẩy thêm những hoạt động mang tính quốc tế, tạo độ tin cậy cho đơn vị xuất bản khác khi đến TP.HCM.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.