Bà Nguyễn Thị Bé Ngoan - Phó chủ tịch UBND quận 7 - trong buổi gặp gỡ với các đơn vị xuất bản ngày 1/3. Ảnh: Thanh Trần. |
"Để nuôi sống đường sách và hoạt động một cách thực tế, hiệu quả là một thử thách đối với ngành văn hóa. Tuy vậy, làm sao để thu hút được người dân, phát triển văn hóa là trách nhiệm của quận", bà Nguyễn Thị Bé Ngoan - Phó chủ tịch UBND quận 7 - phát biểu trong buổi gặp gỡ với các đơn vị xuất bản chiều ngày 1/3.
Đề án đường sách Nguyễn Đổng Chi, quận 7 dự kiến có chiều dài 120 m, chiều ngang 24 m với 18 ki-ốt các gian hàng triển lãm, gian hàng sách và các sản phẩm văn hóa.
Bà Nguyễn Thị Bé Ngoan cho rằng đường Nguyễn Đổng Chi tuy có diện tích và chiều dài khiêm tốn, con đường nơi đây giáp khu dân cư Tân Mỹ, kết nối với Phú Mỹ Hưng, kết nối với các trường học của quận, “là vị trí trung tâm nhất so với các khu vực còn lại”.
Quận 7 với vị trí chiến lược quan trọng, đóng vai trò kết nối các quận huyện trung tâm thành phố, là địa điểm thuận lợi để tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể thao. Dự kiến đường sách Nguyễn Đổng Chi sau khi được đưa vào hoạt động sẽ là nơi để tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về một chủ đề, thông tin, bình luận về những cuốn sách hay cho người dân, các hoạt động giáo dục, các cuộc triển lãm, đặc biệt là các hoạt động của Không gian sáng tạo, khởi nghiệp quận.
Đường Nguyễn Đổng Chi thuộc Phường Tân Phú, có chiều dài 300 m, một mặt giáp với Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM (cơ sở 2) và một bên là khu đất trống (của Thành ủy) - không có nhà dân. Việc hình thành đường sách nơi đây sẽ góp thêm một điểm nhấn văn hóa trong nếp sinh hoạt của người dân quận 7, một điểm du lịch thú vị cho du khách khi ghé thăm quận 7.
Phương án thiết kế đường sách Nguyễn Đổng Chi, quận 7, TP.HCM. |
Quận 7 hiện có nhiều trường cao đẳng, đại học lớn như Tôn Đức Thắng, Tài chính - Marketing, RMIT, Cảnh sát nhân dân, Cao đẳng bán công Quản trị kinh doanh, hệ thống trường quốc tế với đủ các bậc học và hệ thống trường công lập rộng khắp (13 trường tiểu học, 7 trường trung học cơ sở và 3 trung học phổ thông). Đây sẽ là đối tượng độc giả mà dự án hướng tới, là điều kiện thuận lợi cho việc kết nối các hoạt động khi đường sách đi vào hoạt động.
“Thay vì dẫn học sinh đến đường sách quận 1 thì cũng có thể tổ chức các tour đưa học sinh đến đường sách quận 7. Đây cũng sẽ là điểm đến cho các quận, khu vực ở phía Nam TP.HCM”, bà Nguyễn Thị Bé Ngoan nêu ý tưởng.
Theo đó, UBND quận 7 đặt mục tiêu phải làm cho được hoạt động đúng nghĩa là đường sách, phát triển văn hóa đọc, chủ trương thực hiện xã hội hóa với hiện trạng đang có, hoàn thiện con đường với góp ý về mặt thiết kế. Theo kế hoạch, UBND quận 7 sẽ mời gọi, tổ chức gặp gỡ các đơn vị đủ tiêu chuẩn để vận động tham gia đấu thầu và nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của đơn vị tham gia, triển khai thực hiện đấu thầu trong tháng 3.
Đại diện UBND quận 7 cũng cho biết sẽ thành lập Ban Quản lý Đường sách - trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 7 để quản lý đường sách. Ông Trần Văn Ly - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 7 - cho biết đơn vị đã và đang học hỏi từ các mô hình đường sách hiện có và rút kinh nghiệm, đồng thời mời các chuyên gia trong ngành xuất bản góp ý cho đề án đường sách Nguyễn Đổng Chi.