Đường sách TP.HCM là điểm đến quen thuộc của người yêu đọc sách. Ảnh: Thanh Trần. |
“Một thành phố được gọi là hạnh phúc, cư dân nơi đó phải hạnh phúc”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp nói. Theo đó, ông cho rằng bên cạnh yếu tố kinh tế, phần tinh thần của người dân là điều quan trọng để đánh giá chỉ số hạnh phúc một đô thị. Ngược lại, một thành phố không được gọi là hạnh phúc nếu chỉ giàu có về mặt kinh tế nhưng người dân không được tận hưởng sự thoải mái (chẳng hạn tỉ lệ tự tử cao).
Bên cạnh việc đưa ra những chính sách, giải pháp giúp thành phố và cư dân có chất lượng sống tốt hơn và hạnh phúc hơn, ông tập trung vào hai yếu điểm lớn ảnh hưởng đến chỉ số hạnh phúc là môi sinh và đời sống văn hóa nghệ thuật.
Những yếu tố tạo nên đô thị hạnh phúc
Qua những quan sát, nghiên cứu về TP.HCM từ xưa đến nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp - tác giả của Sài Gòn - Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người và Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay - phân tích nhiều khía cạnh đã giúp thành phố trở thành một đô thị đáng sống. Đặc biệt, đời sống tinh thần của người dân được xem là yếu tố quyết định đến chất lượng của một đô thị hạnh phúc.
“Tất nhiên, nhà nước vẫn cần có trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn và một môi trường sạch đẹp hơn. Đồng thời, người dân cần có ý thức phát triển chung, tham gia xây dựng môi trường văn hóa. Một đô thị cần phải phát triển một cách toàn diện để đạt được sự bền vững”, ông nói thêm.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp trong một buổi chia sẻ về đô thị hạnh phúc với độc giả Việt Nam. Ảnh: Thanh Trần. |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp sinh trưởng ở Sài Gòn. Hiện là chuyên gia khoa học về khí quyển tại Australia. Nhiều năm qua, ông làm việc và cộng tác với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu và bảo tồn di sản văn hóa. Ông nghiên cứu, có nhiều bài viết về lịch sử, khoa học, văn hóa cho các báo, tạp chí chuyên môn và phổ thông trong và ngoài nước. Ông cho biết sau khi đi nhiều nơi, sinh sống ở nhiều thành phố, bản thân ông vẫn cho rằng TP.HCM phù hợp với khái niệm một đô thị hạnh phúc, đáng sống.
Đô thị hạnh phúc (livable city) là khái niệm được dùng để đánh giá một đô thị dựa vào các yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống. Theo phân tích của tờ The Economics về một đô thị hạnh phúc, có 5 chỉ số bao gồm: độ an toàn (25%), y tế (20%), văn hóa và môi trường (25%), giáo dục (10%), cơ sở hạ tầng (20%). Theo đó, vào năm 2021, TP.HCM của Việt Nam được xếp ở vị trí 122/140 đô thị hạnh phúc trên thế giới.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác của tổ chức InterNations thăm dò hơn 1.200 người làm việc ở nước ngoài năm 2021 cho thấy TP.HCM đứng thứ 2 trong số 57 thành phố hạnh phúc trên thế giới. Trong đó, những yếu tố như con người thân thiện, chi phí sinh hoạt phù hợp được những người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại TP.HCM đánh giá cao.
TP.HCM của Việt Nam được đánh giá là một trong những đô thị hạnh phúc trên thế giới. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đường sách - một sáng kiến cho đô thị hạnh phúc
Giải thích cho sự phát triển về mặt tinh thần của người dân TP.HCM, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp cho rằng lịch sử hình thành trải qua nhiều giai đoạn giao thoa văn hóa đã tạo nên tính cách dễ chịu và phóng khoáng của người dân nơi đây.
Là một người nghiên cứu về vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp cho rằng đời sống văn hóa tinh thần ngày xưa khác nay nhiều về thị hiếu cũng như đặc điểm văn hóa. Tuy vậy, văn hóa đọc và cộng đồng những người trí thức - những yếu tố từng làm nên nét đặc trưng của mảnh đất Sài Gòn xưa - nay vẫn còn phát triển ở thành phố hiện đại nhưng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Đặc biệt, mô hình đường sách được ông đánh giá là một “ý tưởng độc đáo và thành công” của thành phố hiện đại. Là nơi tập hợp các nhà xuất bản, phát hành sách lớn nhất nhất cả nước và nhiều hoạt động khuyến khích văn hóa đọc, đường sách cũng là nơi được các văn nghệ sĩ yêu thích đến chơi. Xét theo góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hóa, con người và đô thị, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp xem đây là ví dụ điển hình cho một môi trường nuôi dưỡng tinh thần con người.
“Các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại một thành phố là một yếu tố quan trọng, quyết định đến chất lượng đời sống tinh thần của người dân. Đời sống không chỉ có kinh tế, mà cần những hoạt động như đọc sách, xem hòa nhạc,... việc kết nối với cộng đồng văn nghệ sĩ cũng rất quan trọng”, ông nói.
Theo ông, để có được kết quả đó đó, môi trường, cơ sở vật chất và văn hóa cần tạo điều kiện cho cộng đồng văn nghệ sĩ phát triển. “Bất kể họ là ai, họ là những người tài của đất nước và chúng ta phải quý người tài. Sức hút mãnh liệt của một nơi đáng sống cũng là sức hút nhân tài từ các nơi khác đến vì những giá trị văn hóa, sự sáng tạo và môi trường nuôi dưỡng nhân tài”, ông giải thích.