Hình ảnh Salman Rushdie chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Twitter. |
Lần đầu tiên lên tiếng kể từ sau bi kịch tại New York năm ngoái, nhà văn Salman Rushdie cho biết ông cảm thấy may mắn vì đã sống sót sau vụ tấn công.
Trong buổi phỏng vấn với New Yorker, nhà văn nói: "Tôi may mắn. Tôi thực sự muốn nhấn mạnh rằng xúc cảm choán lấy tôi lúc này là lòng biết ơn".
Trong nhiều năm trời, Rushdie phải hứng chịu những lời dọa giết, ông thậm chí còn chịu án tử hình vắng mặt tại Iran từ năm 1989, tất cả vì cuốn sách Những vần thơ của quỷ Satan do ông viết, bị coi là báng bổ nhà tiên tri Muhammad.
Đối mặt với mối nguy hiểm rình rập
Nhớ lại về những ngày đầu tiên ở New York, Rushdie nói với phóng viên David Remnick: "Nhiều người tỏ ra e sợ khi phải giao du với tôi. Tôi đã nghĩ: Cách duy nhất để điều này dừng lại là tôi cũng phải hành xử như thể tôi không sợ hãi. Tôi phải cho họ thấy là không việc gì phải sợ hết".
Ông kể rằng có lần, ông đi ăn tối với Andrew Wylie, quản lý của ông, ở nhà hàng Nick & Toni's ở phía Tây Hampton, họa sĩ Eric Fischl đi qua bàn họ và nói: "Chúng tôi có nên sợ hãi và rời khỏi nhà hàng không?".
Rushdie đã đáp: "Chà, chúng tôi chỉ đang ăn tối mà thôi. Anh cứ làm những gì mình thích".
Theo bài viết của Laura M Holson trên tờ Times, đôi khi giới báo chí sử dụng một giọng điệu giễu cợt khi nhắc đến "sự năng động không biết mệt của Rushdie trong cuộc sống về đêm ở New York". Một số người nghĩ rằng vì hoàn cảnh của mình, đáng ra ông nên cư xử cẩn trọng hơn, tỏ ra khắc khổ hơn.
Nhưng trong mắt Rushdie, sống cúi đầu như thế đồng nghĩa với sự đầu hàng. Ông chọn cách sống theo ý mình muốn và thậm chí có lúc còn giễu cợt sự lố bịch của lệnh tử hình vắng mặt kia.
Với mọi cử chỉ công khai, Rushdie quyết tâm chứng tỏ rằng ông không chịu bị những đe dọa kia kìm hãm mình. Trong cuốn hồi ký thứ ba của mình - Joseph Anton, xuất bản năm 2012 - ông viết: "Không có gì gọi là an ninh tuyệt đối, chỉ có các tần độ bất an khác nhau. Tôi sẽ phải học cách sống với nó". Ông cho rằng nếu không mạnh mẽ mà sống, cái chết của ông sẽ không cần đến nỗ lực của các lực lượng cực đoan, nỗi cô độc là đủ.
Rushdie nói: "Tôi tưởng như mối nguy đã ở xa trong quá khứ và thế giới đã bước qua rồi".
Sau vụ tấn công kinh hoàng, giới chức trách đã bắt giữ Hadi Matar (24 tuổi) và buộc nghi phạm tội cố sát cấp độ 2 và tội hành hung có chủ đích cấp độ 2. Nghi phạm đã không nhận tội.
Người ta nghi ngờ Matar đã cố gắng thực hiện fatwa - án tử hình mà cố lãnh đạo Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini đã ban hành nhắm tới Rushdie.
Dù vậy, Rushdie khẳng định trong cuộc phỏng vấn, rằng ông chỉ kết tội cá nhân Matar thôi. Rushdie từ chối đổ lỗi cho những người phụ trách an ninh tại buổi nói chuyện nơi ông bị đâm. Khu vực không có máy dò kim loại mà chỉ có cổng soát vé và bảo vệ ngăn người tham gia mang đồ ăn thức uống vào.
Rushdie nói: "Trong những năm qua, tôi đã cố gắng rất nhiều để né cảm giác cay đắng, căm ghét và đổ tội cho người khác. Tôi không nghĩ đó là những cảm xúc lành mạnh. Một trong những cách tôi đã giải quyết toàn bộ vấn đề này là nhìn về phía trước thay vì nhìn về phía sau. Những gì xảy ra ngày mai quan trọng hơn những gì xảy ra ngày hôm qua”.
Trở lại bàn làm việc
Rushdie cũng nói với Remnick rằng ông thấy biết ơn những người đã phản ứng nhanh chóng trước vụ tấn công và các bác sĩ ở Erie, Pennsylvania, những người đã chữa trị và cứu mạng ông. "Một lúc nào đó, tôi muốn đến và cảm ơn họ trực tiếp".
Ông cũng cho biết các con trai lớn - Zafar và Milan - và vợ ông, nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia Rachel Eliza Griffiths, đã hỗ trợ ông rất nhiều trong quá trình phục hồi thể chất và tinh thần.
Rushdie cho biết Griffiths đã đứng làm việc với các bác sĩ và y tá điều trị cho ông và cả lực lượng thực thi pháp luật đang cố gắng bắt thủ phạm chịu tội trước công lý.
Rushdie chia sẻ: "Bà ấy đã tiếp quản mọi thứ khi tôi trở thành kẻ bất lực. Bà ấy tiếp nhận hết, ngay cả cái gánh nặng tinh thần khi tôi suýt bị sát hại".
Ông cho biết “về cơ bản, những vết thương lớn đã được chữa lành” và ông đã khôi phục lại được cảm giác ở ngón tay cái, ngón trỏ và nửa dưới của lòng bàn tay sau khi trải qua “rất nhiều liệu pháp”.
Rushdie nói với Remnick: “Tôi có thể đi bộ. Nhưng về cơ bản, có những phần trên cơ thể tôi cần được kiểm tra thường xuyên. Đó là một vụ tấn công nghiêm trọng".
Sau khi New Yorker đăng tải bài viết, nhà văn đã tự đăng một tấm ảnh lên mạng xã hội, đính chính: "Bức hình ở New Yorker ấn tượng và kịch tính, nhưng đây là một hình ảnh chân thật hơn, đời thường hơn của tôi".
Hình ảnh trên New Yorker và hình ảnh Rushdie tự chia sẻ. Ảnh: Richard Burbridge/New Yorker và Salman Rushdie/Twitter. |
Rushdie cũng cho biết ông đã khỏe hơn và đã quay lại với công việc, dù khả năng viết của ông bị chậm và ông không đánh máy tốt được vì một số đầu ngón tay đã mất cảm giác.
Ông cũng phải đối mặt với những khó khăn khi ngủ, thường xuyên gặp ác mộng, chịu cảm giác lo sợ. Ông nhắc đến chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và nói: "Tôi gặp khó khăn khi viết. Khi ngồi xuống bàn, tôi chẳng nghĩ ra gì để viết. Tôi viết những chỉ ra những tổ hợp trống rỗng và nhảm nhí, để rồi hôm sau tôi xóa sạch đi. Tôi vẫn chưa thực sự hồi phục hẳn".
Ông nói thêm: "Tôi thường không cho phép mình nhắc đến việc "mất cảm hứng viết". Đúng là ai cũng trải qua giai đoạn mà đầu óc trống rỗng, không nghĩ được gì và rồi cảm thấy như thể sẽ chẳng nghĩ được gì nữa. Nhưng mà tôi đã 75 tuổi và đã viết 21 cuốn sách rồi, tôi biết rằng nếu mình cố gắng, ý tưởng rồi sẽ tới".
Dù vậy, ông cau mày cho biết nhiều tháng trôi qua, ông vẫn "tuyệt vọng" vì chưa có ý tưởng gì. Ông chỉ mới cảm thấy "cảm hứng sắp ùa về".
Khi nhắc đến Victory City - tác phẩm mới ra mắt, được ông hoàn thành từ trước vụ tấn công, Rushdie cho hay ông mong rằng độc giả sẽ tìm đến cuốn sách vì giá trị của riêng nó chứ không đơn giản là vì ông đã sống sót sau khi bị hành hung.
Nhà văn bộc bạch: "Tôi vẫn cố để không đóng vai nạn nhân. Cũng có những lúc tôi ngồi thần ra và nghĩ: 'Ồ, có kẻ đã dùng dao đâm mình, mình thật đáng thương'. Tôi đau chứ. Nhưng tôi không muốn độc giả nghĩ đến những điều đó khi đọc sách tôi viết. Tôi muốn họ bị câu chuyện hút hồn".