Ảnh chụp nhà văn Salman Rushdie năm 2015. Ảnh: Sara Krulwich/The New York Times. |
Trong cuốn tiểu thuyết mới mang tên Victory City (tạm dịch: Thành phố Chiến thắng), Salman Rushdie kể câu chuyện về một nền văn minh huyền bí. Nhân vật chính là một nhà thơ được thánh thần phù hộ, sống đến gần 240 tuổi. Qua con mắt của nhân vật này, độc giả được chứng kiến một thiên anh hùng ca về sự trỗi dậy và sụp đổ của đế chế miền Nam Ấn Độ.
"Tất cả những gì còn lại là những thành phố được tạo nên bằng ngôn từ. Ngôn từ là chiến thắng duy nhất". Đó là thông điệp mà nhân vật nọ truyền lại cho thế hệ tương lai.
Tờ New York Times nhận xét Victory City là cuốn sách về cách tạo dựng thần thoại, truyện kể và sức mạnh trường tồn của ngôn từ. Tác phẩm đánh dấu sự tái xuất của Rushdie với công chúng kể từ vụ tấn công kinh hoàng ở New York năm ngoái.
Sức mạnh của truyện kể
Tin Rushdie bị hành hung đã gây rúng động giới yêu văn chương. Trong nhiều thập kỷ, cái tên Salman Rushdie không chỉ được tôn sùng vì ông là một tiểu thuyết gia tài ba mà còn vì ông là một biểu tượng của tự do ngôn luận. Có thể nói, chính vì sự tự do ngôn luận này mà ông thường xuyên phải đối mặt với những lời dọa giết. Dù vậy, nhà văn vẫn tiếp tục viết và đấu tranh cho lý tưởng của mình.
Sau vụ tấn công, nhiều nhà văn, đồng nghiệp đã bày tỏ sự phẫn nộ. Họ tụ tập lại để cầu nguyện, vinh danh nhà văn bằng cách kể những kỷ niệm về ông, đọc những trích đoạn trong sách ông.
Victory City là tiểu thuyết mới nhất của Salman Rushdie. Ảnh: PRH. |
Giờ đây, nhân dịp phát hành Victory City, các nhà văn lại tập hợp để bảo vệ tác phẩm của Rushdie. Nhiều người coi đây là thời điểm để tôn vinh trí tưởng tượng phong phú của Rushdie, để hướng sự chú ý trở lại sáng tác của ông thay vì sự vụ kinh hoàng kia. Một số người cho rằng thông điệp bao trùm của cuốn sách - rằng những câu chuyện sẽ tồn tại lâu hơn các cuộc đụng độ chính trị, chiến tranh, sự sụp đổ của các đế chế và nền văn minh - là một sự vọng lại từ những gì Rushdie đã phải chịu đựng.
Suzanne Nossel, giám đốc điều hành của PEN America, một trong những tổ chức tài trợ cho buổi đọc sách tôn vinh Rushdie, chia sẻ: "Cuốn sách này được xuất bản như một minh chứng hùng hồn rằng ông ấy vẫn đứng vững".
Tiểu thuyết gia Colum McCann, một người bạn của Rushdie, cho biết: “Anh ấy đang chia sẻ một thông điệp sâu sắc trong Victory City. Anh ấy muốn nói: ‘Bạn sẽ không bao giờ tước bỏ được hành vi cơ bản của con người - kể chuyện’. Khi đối mặt với nguy hiểm, ngay cả với cái chết, anh ấy vẫn xoay xở để nêu quan điểm rằng truyện kể là một loại tiền tệ lưu hành chung của nhân loại”.
Từ tháng 12/2021, Rushdie đã gửi Victory City cho Nhà xuất bản Random House. Nhà xuất bản này sau đó đã công bố dự án ra mắt cuốn sách từ hè năm 2022, không lâu trước khi Rushdie bị tấn công.
McCann cho biết trong thời gian hồi phục, Rushdie đã rất háo hức đón chờ những phản hồi về cuốn tiểu thuyết. Khi McCann gửi email cho Rushdie và ngỏ ý Rushdie đọc các trích đoạn trong Victory City tại một sự kiện được tổ chức vào tháng 12 tại Center for Fiction, Rushdie đã rất xúc động. McCann cho biết ông cảm nhận được một tinh thần quyết liệt từ Rushdie, một niềm tin vào sức mạnh ngôn từ để chống trả mọi đòn tấn công nhắm vào nhà văn.
Trở lại với cội nguồn văn chương Rushdie
Bạn bè và các đồng nghiệp của Rushdie cho hay nhà văn đang phục hồi, rằng ông đã bắt đầu nhen nhóm kế hoạch cho tác phẩm tiếp theo.
Tiểu thuyết gia Hari Kunzru nói: "Ông ấy rất kiên cường... Vẫn là Salman mà chúng tôi biết. Cuộc tấn công không khuất phục được ông dù khiến ông mất thị lực một mắt và còn nhiều vết thương chưa lành hẳn".
Kunzru mong rằng Victory City sẽ hướng sự chú ý của dư luận sang tác phẩm của Rushdie, khiến công chúng nhớ về Rushdie như một tiểu thuyết gia trước tiên, chứ không phải một người ủng hộ tự do ngôn luận và là nạn nhân của một vụ tấn công ác ý.
Ông nhận xét Victory City là một cuốn sách đồ sộ, cho thấy hết khả năng viết và sáng tạo của Salman Rushdie. "Cuốn sách nhắc nhớ chúng ta anh ấy là một tiểu thuyết gia cừ khôi hơn là một biểu tượng chính trị", Kunzru nói.
Các nhà văn và những người ủng hộ Rushdie đã tập trung trước Thư viện Công cộng New York ở Manhattan hồi tháng 8. Ảnh: Jackie Molloy/The New York Times. |
Victory City được hình thành trên những chủ đề Rushdie đã quan tâm từ lâu - sức mạnh của thần thoại và truyền thuyết trong việc định hình lịch sử, xung đột văn hóa, hệ tư tưởng...
Trong Victory City, Rushdie đã vẽ một phần về sự trỗi dậy và sụp đổ của Đế chế Vijayanagar (hình thành vào thế kỷ XIV). Trong lời cảm ơn, Rushdie trích dẫn hơn chục cuốn sách mà ông đã tham khảo trong quá trình nghiên cứu, bao gồm các văn bản học thuật về đế chế Vijayanagar và các tác phẩm về văn hóa, chính trị và văn minh Ấn Độ thời trung cổ.
Những bài đánh giá đầu tiên của giới phê bình phần lớn là khen ngợi cuốn sách về sự hấp dẫn, sự chi tiết, tỉ mỉ của những câu chuyện trong sách và rằng có thể cảm thấy Rushdie đã tận hưởng một niềm vui tột đỉnh khi viết những trang sách này.
Tờ New York Times nhận xét cuốn sách là một sự trở lại với cội nguồn văn chương của Rushdie, với những câu chuyện hiện thực huyền ảo, giàu trí tưởng tượng, lấy bối cảnh Ấn độ.
Trong buổi hội thảo bàn về Victory City, nhà văn Margaret Atwood đã nói: "Trải qua tất cả, Rushdie vẫn khẳng định mình là một người kể chuyện thực thụ".